Ô nhiễm môi trường di sản - Bài 1: Phố cổ kêu cứu

LÊ QUÂN – VĨNH LỘC Bài 2: Thách thức Cù Lao Chàm 27/07/2015 08:44

Gần 10 năm trở lại đây, Hội An trở nên đông đúc, vì thế lượng chất thải tăng lên gấp nhiều lần. Khu đô thị cổ quá tải, môi trường tự nhiên ô nhiễm, môi trường văn hóa bắt đầu bị biến dạng…

Xấu hổ với “mùi” Chùa Cầu

Mùi hôi thối, nước đen ngòm đã thành một hình ảnh quen ngay tại Chùa Cầu. Ông Hùng (một người dân sống tại khu vực Chùa Cầu) cho biết: “Mùa mưa thì đỡ nghe mùi hơn. Còn mùa nắng thì chịu, không thể tả được. Mương tiêu Chùa Cầu ứ đọng nước đã gần chục năm nay, mùi hôi này cũng đã hình thành chừng đó năm. Chúng tôi ở riết quen mùi. Nhưng du khách khi ngang qua chỗ này thì ai cũng lắc đầu, bịt mũi”. Theo quan sát của chúng tôi, nước thải chảy theo khe và thoát ra sông Hoài thông qua mương tiêu Chùa Cầu đã bị quá tải. Lượng nước ứ đọng lâu ngày đã trở nên đen kịt và bốc mùi hôi, nhất là những ngày nắng nóng.

Tuyến kênh dẫn qua Chùa Cầu Hội An đang ô nhiễm ở mức báo động. Ảnh: L.Q
Tuyến kênh dẫn qua Chùa Cầu Hội An đang ô nhiễm ở mức báo động. Ảnh: L.Q

Ông Trần Ánh - Phó Bí thư Thành ủy Hội An chia sẻ, tình trạng ô nhiễm tại khu vực Chùa Cầu đã diễn ra nhiều năm nay, cũng đã có nhiều giải pháp thực hiện nhưng chỉ mang tính chữa cháy. “Vấn đề ô nhiễm ai cũng thấy nhưng lực bất tòng tâm, riêng với Chùa Cầu là một sự xấu hổ với du khách” - ông Ánh nói. Trước đây Trung tâm Bảo tồn di sản di tích Quảng Nam (nay là Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng) cũng đã triển khai dự án tu bổ cải tạo cảnh quan Chùa Cầu, trong đó có một hạng mục là thành lập hệ thống máy bơm nước để rửa trôi bề mặt ô nhiễm và làm hồ điều tiết. Nhưng tất cả cũng chỉ là phương án tạm thời. Từ xây hồ điều hòa, trồng cỏ vetiver, tổ chức nạo vét, khai thông dòng chảy..., tuy nhiên, rồi đâu lại về đấy. Người dân sống ở quanh khu vực này đành phải chấp nhận cảnh “sống chung với ô nhiễm”. Chưa nói đến việc ảnh hưởng tới sức khỏe, doanh thu của các hộ kinh doanh tại đây cũng đã sụt giảm đáng kể.

Trước mỗi dịp lễ hội, để giảm thiểu mùi hôi, ngành chức năng TP. Hội An đã dùng cách bơm nước thủy lợi với dung tích lớn nhằm “đánh bật” chất thải trôi ra sông Hoài. Và đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Ngay sau lưng Chùa Cầu, từ cách đây gần 10 năm, chính quyền thành phố “làm loãng” nước thải bằng cách xây một hồ điều hòa, xây vách, xây tường taluy ngăn không cho nước thải từ trong nhà của các hộ dân đổ trực tiếp ra mương Chùa Cầu. Tuy nhiên do hệ thống kênh này thông lên hướng thượng nguồn - nơi khu vực đường Hai Bà Trưng, Bà Triệu với rất nhiều dịch vụ lưu trú, sản xuất đến chế biến, khách sạn, lượng nước thải chưa qua xử lý… cũng tuôn về Chùa Cầu. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổ trưởng tổ môi trường (Phòng TN-MT TP.Hội An) cho biết: “Đi qua Chùa Cầu là một cái kênh tiêu (trước đây chỉ là kênh tiêu úng) nhưng trong quá trình phát triển đô thị, kênh tiêu úng này đã có thêm chức năng là cống nước thải của khu dân cư rất lớn ở phường Tân An và phường Cẩm Phô”. Theo một cuộc khảo sát gần đây của các chuyên gia thuộc Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), nồng độ một số chất đo được tại một số điểm quanh khu vực cầu Nhật Bản (Chùa Cầu) đã vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Ví dụ, chỉ số BOD (nhu cầu ôxy sinh học) từ 250 - 350 mg/l, cao hơn 10 lần tiêu chuẩn cho phép; nồng độ TSS (tổng lượng cặn lơ lửng) và khuẩn Coliform cao hơn rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

Ô nhiễm bủa vây

Không chỉ “đau đầu” với Chùa Cầu, lượng nước thải, rác thải sinh hoạt đổ ra trên sông Hoài, hay ứ đọng tại các phường Sơn Phong, Cẩm Châu… cũng khiến môi trường tự nhiên của Hội An ở mức báo động. Bên cạnh đó, việc xử lý rác thải như thế nào cũng bắt đầu gây khó cho ngành chức năng Hội An. Hơn 10 năm nay, người dân thôn Bàu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà phải sống chung với mùi hôi khi bãi rác Cẩm Hà đã trở nên quá tải. Mùi hôi thối cộng với nước thải rò rỉ đã khiến nguồn không khí và nguồn nước bị ô nhiễm lây. Tuy kết quả giám sát môi trường vào cuối năm 2014 do Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường tỉnh Quảng Nam tiến hành trong và ngoài Nhà máy xử lý rác thải Hội An (thôn Bàu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà), chất lượng không khí và nguồn nước tại đây vẫn nằm trong mức cho phép và chưa bị ô nhiễm, nhưng những hộ dân sống tại đây đã kêu trời từ năm 2011. Theo Phòng TN-MT TP.Hội An, bãi rác này đã tồn tại từ năm 1985, có diện tích khoảng 1,2ha và là nơi tập kết rác thải của toàn TP. Hội An. Do lượng rác thải dồn về đây ngày một nhiều và tăng đột biến, nhất là từ khi Hội An phát triển du lịch, nên năm 2011, bốn phía của bãi rác đã được xây tường cao trên 5m để chống quá tải và giảm bớt mùi hôi thối. Tuy nhiên, ô nhiễm lại càng tăng.

Năm 2014, TP. Hội An có 19 đơn vị bị kiểm tra xử phạt hành chính vì vi phạm lưu lượng, nồng độ nước thải được xả ra môi trường, trong đó mức xử phạt cao nhất lên đến 80 triệu đồng.

Không chỉ gặp vấn đề với công tác xử lý rác thải, hiện tại TP.Hội An đang phải đối mặt với tình trạng vào những ngày mưa, nước thải chảy lênh láng trên mặt đường. Nguyên nhân được một lãnh đạo thành phố đưa ra, là tiết diện các đường cống thoát nước trong phố cổ không đủ lớn. Khi có những cơn mưa lớn, nước thoát không kịp nên phải chảy tràn trên mặt, thậm chí có một số tuyến phố người dân đã bịt lại hố ga dẫn đến nước không thể thoát được. Việc chảy tràn trên đường phố và chảy trực tiếp ra sông là điều chẳng đặng đừng. Lượng khách ngày càng tăng, áp lực mở rộng và nâng cao các dịch vụ là điều phải làm. Vậy nên, khá nhiều du khách đã lắc đầu ngao ngán khi đặt chân đến “phố ẩm thực”, được phân bổ dọc theo đường Bạch Đằng, tính từ Quảng trường Sông Hoài xuôi xuống đến chợ Hội An. Nhiều thứ mùi thực phẩm bay trên đường phố, quyện thêm mùi nước thải không thoát kịp ở khu vực này, cảnh chèo kéo khách, chen chúc, khiến không ít người khó chịu.

Ông Trần Ánh thừa nhận, vấn đề đáng quan ngại hiện nay của TP.Hội An chính là môi trường văn hóa đang bị tác động theo chiều hướng khá xấu. Việc thay đổi chủ sở hữu trong phố cổ dẫn đến nếp sống, thái độ buôn bán kinh doanh thay đổi. “Mình không cưỡng lại cái quyền mua bán chuyển nhượng nên mình chỉ khuyến cáo họ tuân thủ những tập quán, bản sắc nơi đây nhưng cũng rất khó vì mỗi lần mời họ đến để tuyên truyền phổ biến thì không biết chủ nhà ở đâu vì hầu hết những người buôn bán đều là người thuê lại hoặc cử nhân viên đến dự. Và đây là điều đáng quan ngại vì bởi Hội An không chỉ là kiến trúc phố cổ mà chính hồn phố mới thu hút con người. Tuy nhiên, không thể áp dụng chế tài được, chỉ áp dụng chế tài trong hoạt động kinh doanh, trưng bày hàng hóa, giá cả nhưng với thái độ thì không có chuẩn nào để xử phạt được”. Thống kê từ năm 1999 (khi phố cổ được công nhận là di sản văn hóa thế giới) đến nay cho thấy đã có khoảng 270 ngôi nhà trong phố cổ đã được cho thuê hoặc chuyển nhượng.

LÊ QUÂN – VĨNH LỘC
Bài 2: Thách thức Cù Lao Chàm

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – hòn ngọc xanh của Hội An, đang đối mặt với những vấn đề bức thiết trước nguy cơ ô nhiễm môi trường.

LÊ QUÂN – VĨNH LỘC Bài 2: Thách thức Cù Lao Chàm