Mất cân bằng giới tính tại châu Á
Mất cân bằng giới tính - một vấn đề xã hội lớn tại khu vực châu Á được lưu ý đặc biệt nhân ngày Dân số thế giới (11.7) năm nay.
Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) cho hay, dân số thế giới hiện vượt qua con số 7 tỷ người. Việc gia tăng dân số làm nảy sinh nhiều vấn đề “nóng” của thế giới ngày nay như lương thực thực phẩm, không gian sống, môi trường sống, chất lượng dân số… Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng giới tính hay tỷ lệ chào đời của bé trai nhiều hơn bé gái đang gia tăng làm cho các nhà nhân chủng học, các chính phủ rất quan ngại. Quan niệm “trọng nam kinh nữ”, nhiều tập quán xã hội tồn tại, chính sách một con tại Trung Quốc, kinh tế phát triển, sự can thiệp của y khoa là những nguyên nhân hàng đầu khiến tình trạng “thừa trai thiếu gái” đang được báo động tại khu vực. Tình trạng này diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia có số dân đông nhất nhì trên thế giới, với hơn 2,6 tỷ người.
UNFPA thống kê, tỷ lệ chào đời của bé trai và bé gái được ghi nhận ở con số 115,9:100 tại Trung Quốc năm 2014 (tức cứ khoảng 100 bé gái chào đời thì có115,9 bé trai ra đời trong cùng thời gian), tại Ấn Độ là 110,01:100 của giai đoạn năm 2011-2013, tại Singapore là tỷ lệ 105,6:100, tại Việt Nam khá cao với tỷ lệ hơn 110:100 của năm 2014… Mất cân bằng giới tính, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến động xã hội theo chiều hướng tiêu cực bởi đây không chỉ là vấn đề về dân số mà còn là vấn đề của xã hội.
Các chính phủ bắt đầu can thiệp để không còn tình trạng mất cân bằng giới tính.Ảnh: Dreamstime |
Ở đó, hệ lụy rõ nhất được nhắc đến là tình trạng hôn nhân của những bé trai sau này lớn lên, được cho là ít cơ hội. Do đó, hiện có rất nhiều thiếu nữ, nhất là ở các vùng quê nghèo tại Ấn Độ hay Trung Quốc bị bắt cóc, bị bán đi với mục đích kết hôn. Trong khi đó, nhiều thanh niên sau này buộc phải vất vả tìm vợ ở các nước khác. Bà Li Ya’nan - một bà mẹ ở tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) nói: “Tôi bắt đầu lo lắng cho tương lai của con trai mình. điều duy nhất tôi có thể làm cho cậu ấy bây giờ là cố gắng cho cậu học hành đến nơi đến chốn để sau này có công việc tốt và được kết hôn dễ dàng hơn”.
Trước tình trạng trên, cả chính phủ Ấn Độ và Trung Quốc cũng như nhiều nước khác tại khu vực, bằng nhiều biện pháp hay chiến dịch để kêu gọi người dân hạn chế việc nhờ vào sự can thiệp của y khoa để lựa giới tính cho con cái. Đồng thời chính phủ các nước tăng cường đầu tư và nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. Đáng chú ý là hiện nay, Hàn Quốc được ví như một quốc gia khá thành công trong việc lập lại tỷ lệ cân bằng nam nữ. Nếu như đỉnh điểm vào đầu những năm 1990, tỷ lệ bé trai và bé gái là 116:100 thì đến nay tỷ lệ sinh tự nhiên được trở về mức bình thường, khoảng 105:100.
Cụ thể, chính phủ Hàn Quốc thực thi Luật Bình đẳng giới và phát triển hệ thống an sinh xã hội, nghiêm cấm xác định giới tính thai nhi theo Luật Y tế năm 1987 (sửa đổi năm 1994), hủy bỏ luật chỉ có nam giới mới được thừa kế mà cả con trai lẫn con gái đều được thừa hưởng như nhau. Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc khuyến khích, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia... Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của truyền thông và nhận thức của người dân xứ sở kim chi với khẩu hiệu “Hãy yêu con gái của bạn”.