Trường chuẩn không còn xa

PHẠM LỘC 08/07/2015 11:32

Sau nhiều năm quan tâm đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, mục tiêu này ở thị xã Điện Bàn dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8 năm nay.

Trường Mẫu giáo Phan Triêm, xã Điện Quang, đón bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.  Ảnh: KHẢI KHIÊM
Trường Mẫu giáo Phan Triêm, xã Điện Quang, đón bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Ảnh: KHẢI KHIÊM

Đưa chúng tôi thăm cơ sở vật chất của nhà trường, thầy giáo Lê Công Cam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Tự Nhất Thống (xã Điện Thắng Trung) thổ lộ, đơn vị có được cơ ngơi như hôm nay là nhờ địa phương vận động Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Nam hỗ trợ 3,2 tỷ đồng xây dựng khu hiệu bộ, phòng chức năng. Cùng với đó, thị xã Điện Bàn đầu tư hơn 350 triệu đồng làm tường rào, cổng trường và trang bị 80 bộ bàn ghế mới. Hội Cha mẹ học sinh và Doanh nghiệp Hòa Thắng cũng đã hỗ trợ xây dựng nhà để xe cho học sinh, đổ bê tông xi măng các lối đi… tạo cảnh quan sư phạm ở đây thêm phần sạch đẹp, khang trang. Song hành đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của nhà trường đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đủ chuẩn (93% đạt trên chuẩn). Nhờ hoàn thiện nhiều yếu tố, tháng 8.2014, Trường Tiểu học Lê Tự Nhất Thống được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đây cũng là đơn vị cuối cùng của bậc tiểu học ở Điện Bàn hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn quốc gia.

Về nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, từ năm 2011, Điện Bàn đã triển khai đề án phát triển sự nghiệp GD-ĐT giai đoạn 2011 - 2015 nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung mọi nguồn lực cho kiến thiết cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị để từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, bậc học. Trưởng phòng GD-ĐT Điện Bàn - Nguyễn Tấn Ngọc chia sẻ, hàng năm Ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn của thị xã chỉ đạo ngành chuyên môn điều tra, rà soát thực trạng ở các trường để đề ra giải pháp tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai sâu rộng nên huy động được nguồn lực xã hội đầu tư vào chiến lược trồng người. Với cách làm này, Điện Bàn đã huy động gần 222 tỷ đồng xây dựng 485 phòng học, phòng chức năng. Trong đó, ngân sách tỉnh và nguồn trái phiếu chính phủ 18,7 tỷ đồng, ngân sách địa phương 175,6 tỷ đồng, vốn huy động và vốn của các nhà tài trợ hơn 28 tỷ đồng. Ngoài ra, 5 năm qua, thị xã còn huy động gần 15 tỷ đồng để bổ sung phương tiện dạy - học, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cảnh quan học đường, cấp phát học bổng…

Nhờ cách làm khoa học và tận tâm hiện thực hóa, Điện Bàn bây giờ có 16/16 trường THCS đạt chuẩn quốc gia; 32/32 trường đạt chuẩn quốc gia (17 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2). Với cấp học mầm non, ngoài 19 trường đã đạt chuẩn quốc gia, Trường Mẫu giáo Điện Thắng Nam đã và đang được đầu tư hoàn thiện các tiêu chí để đề nghị tỉnh tháng 8 này kiểm tra công nhận, hoàn tất mục tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. “Thành quả trên là rất đáng mừng. Tuy nhiên, số lượng học sinh mẫu giáo, phổ thông tăng đột biến do di dân cơ học tại các phường phía đông sẽ gây không ít trở ngại cho quá trình giữ chuẩn ở Điện Bàn. Chất lượng giáo dục chắc chắn bị hạn chế, kế hoạch dạy 2 buổi/ngày bị phá vỡ. Bài toán đặt ra cho địa phương và ngành GD-ĐT là cần tìm giải pháp thực hiện quy hoạch gắn liền với đầu tư xây dựng mới, bổ sung hoàn thiện mạng lưới trường lớp ở 5 phường vùng cát...” - ông Nguyễn Tấn Ngọc, Trưởng phòng GD-ĐT Điện Bàn, cho biết thêm.

PHẠM LỘC

PHẠM LỘC