Doanh nghiệp du lịch Hội An: Thiếu liên kết
Liên kết phối hợp để tạo sức mạnh trong thế cạnh tranh ngày càng gay gắt với các điểm du lịch khác, đồng thời mới huy động sự tham gia phát triển du lịch một cách bền vững. Đó là điểm yếu của du lịch Hội An hiện nay.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đưa khách tham quan Cù Lao Chàm nhưng số tiền chi trả cho cư dân thông qua các dịch vụ không đáng kể.Ảnh: ĐỖ HUẤN |
Trong nhiều năm qua, du lịch Hội An với khu phố cổ là hạt nhân và lợi thế du lịch văn hóa đã thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng trên trường quốc tế. Những năm gần đây với hướng phát triển thêm loại hình du lịch sinh thái, Hội An cũng được xem là một điểm đến lý tưởng nhờ vào lợi thế tài nguyên thiên nhiên vùng biển đảo Cù Lao Chàm (thuộc vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới) và một số làng quê vùng hạ lưu sông Thu Bồn – Cửa Đại như rừng dừa nước Cẩm Thanh, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế...
Sự phát triển của du lịch sinh thái đã góp phần làm thay đổi diện mạo của cả một vùng biển đảo vốn gặp nhiều khó khăn và cần sự hỗ trợ rất lớn từ thành phố. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội và chuyển dịch lao động, ngành nghề cũng đang diễn ra một cách sôi động, tạo nhiều việc làm, đem lại cơ hội, tạo sinh kế mới cho cộng đồng, tăng thu nhập cho cư dân địa phương. Vai trò cộng đồng và khối các doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch tại các vùng sinh thái ngày càng gia tăng và mở rộng.
Tuy vậy, tính liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa các doanh nghiệp với cộng đồng cư dân còn lỏng lẻo. Ông Nguyễn Sự - Chủ tịch HĐND thành phố nhận xét: “Các doanh nghiệp ở Hội An bây giờ phải liên kết lại. Tính liên kết sẽ tạo ra sức mạnh nhưng Hội An chưa tạo được sức mạnh này mà mỗi người làm theo mỗi kiểu, mạnh ai nấy làm. Tôi nói trong bài toán kinh tế, tính liên kết tạo ra lợi ích, giống như đi chung trên một con thuyền vậy. Phải làm những điều đó để giải quyết bài toán kinh tế”.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa, thu nhập từ các hoạt động du lịch ở Cù Lao Chàm hiện mất cân đối và có sự chênh lệch đến không ngờ. Số tiền thuộc về các doanh nghiệp chiếm khoảng 88%, địa phương chỉ hưởng 12%, nhưng số tiền các doanh nghiệp chi trả cho cư dân trên đảo thông qua các dịch vụ phục vụ cũng không đáng kể. Kéo theo đó là sự hủy hoại, tận diệt dù vô tình về nguồn lợi lâm sản, hải sản và các tài nguyên thiên nhiên quý hiếm, đặc trưng khác (rau rừng, cua đá, bào ngư, san hô...) do người dân tự khai thác phục vụ.
Không thể chấp nhận sự chênh lệch và thực tế bất hợp lý như thế. Phải có hướng điều chỉnh, xây dựng cơ chế quản lý hoạt động để đảm bảo công bằng, hài hòa về lợi ích của các thành viên tham gia khai thác du lịch tại vùng biển đảo này - nhiều người dân đã đề nghị như vậy. Còn theo ý kiến của một số cán bộ các ngành chức năng và Ban quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm, có được Cù Lao Chàm với những giá trị quý hiếm về hệ sinh thái đa dạng trên rừng dưới biển, môi trường xanh - sạch, nếp sống người dân thân thiện, gần gũi ngày càng thu hút du khách như hôm nay, điều tiên quyết cần nói đến là vai trò và sự nỗ lực của cộng đồng dân cư liên tục nhiều năm qua. Ví như không có bà con ngư dân và các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, sẵn sàng ứng phó thì làm sao ngăn chặn và đẩy lùi nạn đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ, xung điện mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản ở vùng biển này. Cù Lao Chàm được biết đến là nơi duy nhất trong cả nước “nói không với túi nilon” tạo sức hút với du khách cũng nhờ từ công sức của nhân dân… Vì vậy có ý kiến thẳng thắn: “Khuyến khích nhiều tổ chức, cá nhân tham gia khai thác du lịch Cù Lao Chàm phải gắn đồng thời với cơ chế điều tiết nguồn thu từ hoạt động này tại đây để mọi thành phần đều được hưởng lợi, trong đó lợi ích của cộng đồng phải coi là động lực quan trọng”.
Ở xã Cẩm Thanh – địa phương đang khởi sắc ngành du lịch sinh thái nhờ rừng dừa nước vùng ngập mặn và sông lạch đặc trưng nơi “cửa sông ven biển”, ông Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng ủy xã cũng cho biết, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp và đối tượng kinh doanh du lịch tham gia khai thác tại rừng dừa Bảy mẫu nhưng chưa có trách nhiệm nghĩa vụ gì với địa phương. “Địa phương không đặt vấn đề, chưa đặt vấn đề về bán vé tham quan như làng rau Trà Quế hay những nơi khác song ít nhất các đơn vị cần phải có nghĩa vụ đóng góp các khoản phí về môi trường, phí về an ninh trật tự để tạo nguồn thu nhất định cho chính quyền địa phương quay lại hỗ trợ cho các lĩnh vực đó” - ông Dũng nói.
Đã đến lúc, chính quyền TP.Hội An phải xây dựng một cơ chế phối hợp của các doanh nghiệp để tạo nên sức mạnh trong thế cạnh tranh ngày càng gay gắt với các điểm du lịch khác, đồng thời huy động sự tham gia đóng góp vào việc khai thác, phát huy du lịch một cách bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa và sinh quyển theo tiêu chí đã được UNESCO công nhận.
ĐỖ HUẤN