Khám chữa bệnh ở Ga Ry

PHẠM VĂN HÀO 26/06/2015 08:51

Một thanh niên tự vẫn bằng lá ngón, dân làng tưởng đã chết không cho đưa về làng. Được tin, bác sĩ Bríu Kiêm tức tốc đến và cứu sống nạn nhân. Nhận thức của đồng bào dần thay đổi từ đó…

Chuyện xảy ra cũng vài ba năm rồi nhưng bác sĩ Bríu Kiêm - Phó trạm Y tế xã Ga Ry (Tây Giang) vẫn nhớ mồn một. Bây giờ, nhìn Trạm Y tế xã Ga Ry vừa được xây mới và đi vào hoạt động, anh tin tưởng việc khám chữa bệnh cho dân rồi sẽ khác, những hủ tục dần được loại bỏ.

Bác sĩ của dân

Chuyến đi cùng đoàn công tác ở xuôi lên Ga Ry mới đây, chúng tôi được chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Ga Ry kể nhiều về Bríu Kiêm - như một “già làng” tiên phong trong công tác vận động, hướng dẫn người dân vùng biên chăm sóc sức khỏe. Còn Bríu Kiêm thì tâm sự, chừng khoảng 10 năm công tác chốn này, với anh kỷ niệm cũng dày xếp lớp.

Anh mở chuyện bằng tình trạng người dân vùng cao thường tìm đến lá ngón mỗi khi túng quẫn, bế tắc trong cuộc sống. “Tình trạng này ngày một giảm dần nhờ có sự chuyển biến trong nhận thức. Để có được kết quả đó, thứ nhất phải nâng cao ý thức cho đồng bào không nên tìm đến cái chết dù bất cứ hoàn cảnh nào; thứ hai là tuyên truyền về chuyện khi có người tự vẫn bằng lá ngón thì đồng bào lại lập tức mang ra khỏi làng vì cho rằng “chết xấu” mà không quan tâm đến việc cứu chữa, báo tin” - Bríu Kiêm nói. Rồi anh kể, từ khi cứu sống một thanh niên ở thôn Glao cách đây hơn 3 năm, người dân đặt trọn niềm tin vào đội ngũ y, bác sĩ địa phương. Có chuyện đột xuất là “a lô” ngay cho bác sĩ Kiêm, đau ốm thì dẫn nhau đến trạm xá. Chuyện “ma rừng”, “cái chết xấu” dần thay đổi trong nếp nghĩ của dân làng.

Trạm Y tế xã Ga Ry vừa được xây mới khang trang. Ảnh: VĂN HÀO
Trạm Y tế xã Ga Ry vừa được xây mới khang trang. Ảnh: VĂN HÀO

“2 giờ sáng. Tôi nhận cuộc điện thoại từ một người nói giọng Kinh, sau mới biết anh này làm rể tại thôn Glao, về một trường hợp người dân tự vẫn bằng lá ngón. Tôi tức tốc có mặt và tiến hành sơ cứu, rửa ruột... Người dân không cho đưa nạn nhân vào làng, cũng không ai giúp, chỉ có tôi và anh ở rể kia. Khoảng 20 phút sau, nạn nhân dần tỉnh lại và được cứu sống” - anh Kiêm nhớ lại. Đêm ấy, làng Glao không ai ngủ. Chuyện truyền tai, không chỉ ở Glao mà những 5 thôn còn lại, hễ có người tìm đến lá ngón là dân làng báo tin cho bác sĩ Kiêm. Tính đến nay, đã có 7 trường hợp anh trực tiếp cứu sống khi tự tử bằng loại lá cây này.

Bác sĩ Bríu Kiêm khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Ga Ry. Ảnh: VĂN HÀO
Bác sĩ Bríu Kiêm khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Ga Ry. Ảnh: VĂN HÀO

Cùng với Đồn Biên phòng Ga Ry, trạm xá xã và cán bộ y tế thôn bản, những năm qua, công tác truyền thông trên địa bàn không ngừng được đẩy mạnh. Anh Kiêm bảo, việc giáo dục cho bộ phận giới trẻ ở vùng cao là điều vô cùng quan trọng và cần thiết hiện nay, vì ở nhiều địa phương, không hiếm trường hợp lụy tình mà tìm đến lá ngón.

Nâng cao chất lượng phục vụ

Giúp đỡ nữ hộ sinh tại trạm
Theo Trạm Y tế xã Ga Ry, nữ hộ sinh Riah Thị Nho (SN 1992, người địa phương) công tác không lương tại trạm được hơn 3 năm nay. Lãnh đạo trạm đã nhiều lần có ý kiến về vấn đề này với Ban giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Để động viên Riah Thị Nho, đội ngũ y, bác sĩ của trạm chắt bóp chi tiêu, gom góp tiền lương hàng tháng để giúp đỡ nữ hộ sinh này phần nào trang trải cuộc sống gia đình.

Y sĩ Riah Nhênh - Trưởng trạm Y tế Ga Ry chia sẻ, chỉ mới năm ngoái, cơ sở khám chữa bệnh của địa phương vẫn còn là căn phòng bằng phên tre, gỗ nứa tạm bợ với nhiều thiếu thốn. Từ tháng 10.2014, được sự quan tâm đầu tư của các cấp và các đơn vị hảo tâm, trạm xá mới kiên cố đã được đưa vào sử dụng. “Không chỉ phục vụ cho đồng bào địa phương, chúng tôi còn tiếp đón nhiều người dân từ nước bạn Lào sang khám chữa bệnh. Tuy phòng ốc đã được xây mới nhưng vật tư, vật dụng vẫn còn hạn chế nên phần nào đó chưa đáp ứng tốt và mong muốn tiếp tục được hỗ trợ hoàn thiện trong thời gian sớm nhất để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ” - y sĩ Nhênh tâm sự. Trạm Y tế xã Ga Ry hiện có 1 bác sĩ, 3 y sĩ và 1 nữ hộ sinh. Từ đầu năm đến nay, trạm tiếp đón hơn 30 lượt người dân Lào sang khám, điều trị.

Dẫn đứa con gái 3 tuổi từ thôn Pứt đến trạm để bác sĩ coi bệnh, Riah Thị Xinh (22 tuổi) cho biết, thấy trạm y tế được xây dựng kiên cố, đồng bào càng yên tâm hơn. “Mấy hồi tới khám, xin thuốc ở chỗ cũ, gặp trời mưa là nước dột xuống nền gây khó khăn cho người khám lẫn người bệnh. Chừ thì khác rồi, ai cũng mừng!” - Riah Thị Xinh phấn khởi nói. Trung tá Phan Văn Thí - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ga Ry cho biết, vào ngày thứ Hai hàng tuần có một cán bộ quân y của đồn được cắt cử sang để cùng Trạm Y tế xã khám chữa bệnh cho người dân. “Vì là địa bàn biên giới, lắm cách trở nên chúng tôi luôn phối hợp xuống từng thôn, bản để vận động bà con hễ đau ốm thì cứ đến trạm xá của xã. Cùng với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, sự quan tâm đầu tư, chất lượng chăm sóc sức khỏe ở vùng biên này từng bước được cải thiện” - Trung tá Thí cho hay. Theo Đại tá Nguyễn Văn An -  Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đơn vị đang trong quá trình xin ý kiến Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để nâng cấp Trạm Y tế xã Ga Ry thành Trạm Quân dân Y kết hợp - Đồn Biên phòng Ga Ry trong thời gian sắp tới.

PHẠM VĂN HÀO

PHẠM VĂN HÀO