Viết lách luôn cần bố cục
Để viết ký sự, phóng sự hoặc tường thuật sâu, người viết có thể sử dụng các loại bố cục khác không giống bố cục hình tháp ngược. Với các loại bố cục này, người viết có thể nhập đề một cách gián tiếp, không tóm tắt ngay ý chính.
Cuốn “Writing for Story” của nhà báo Jon Franklin, người cổ vũ việc sử dụng bố cục ba phần của nhà văn Chekhov cho các bài phóng sự. |
Hãy hình dung hai người bạn đang chuyện trò với nhau. Một người là biên tập viên, muốn kể một sự kiện hấp dẫn nên vào đề bằng một điều gì đó nhằm lôi kéo sự chú ý của bạn mình. Nhưng nếu nhập đề lâu quá, có lẽ người bạn sẽ thúc: “Chuyện chi nói lẹ ra đi ông ơi! Cà rà, cà rề hoài!”. Và người là biên tập viên hẳn sẽ trả lời: “Ông chờ chút! Tới rồi đây!”.
Như thế, nếu muốn người nghe đủ kiên nhẫn, người nói phải chuẩn bị lời rao (trước) cũng như lời lẽ gợi sự tò mò trong tâm trí người nghe, nhưng đừng có dài quá. Cũng vì thế, người nói cần chuẩn bị trước khi nói: sắp xếp thông tin sao cho dẫn đến cao trào.
Giả dụ bạn là biên tập viên nói trên. Bạn có thể sẽ bắt đầu câu chuyện như thế này: “Chắc ông không biết chuyện gì xảy ra trong tòa soạn tôi sáng nay đâu” – một cách rao trước. Rồi bạn phát triển thông tin ra. Chẳng hạn, theo thứ tự thời gian, trả lời dần các câu hỏi của bạn mình, và dẫn dần tới cao trào: chuyện gì đã xảy ra.
Chekhov, một trong những nhà văn được cho là sáng tạo nhất trong lịch sử văn học, đã đưa ra một bố cục ba phần dùng cho truyện ngắn: rắc rối, phát triển và giải pháp. |
Cũng có thể, do phấn khích quá, bạn sẽ nói không theo thứ tự nào nhất định. Vì vậy làm cho người nghe bối rối, không hiểu đầu đuôi chi cả (họ vẫn có thể hỏi lại cho rõ vì đang ở bên cạnh bạn). Nhưng viết lại câu chuyện ra trên giấy thì lại khác, sự lộn xộn không chỉ làm người đọc bối rối, mà còn có thể khiến cho họ bỏ luôn bài.
Như vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của phóng viên (và cả biên tập viên) là gạt qua một bên những bài lộn xộn như thế. Người đọc không giống người ngồi đối diện với bạn. Họ không thể hỏi lại người viết, cho nên sẽ khó chịu và có thể sẽ ngừng đọc.
Các câu chuyện vãn cũng như những bài báo thường được phát triển giống nhau. Ví dụ về chuyện trò ở trên sẽ dẫn tới cao trào. Có thể xem đây như bố cục dùng cho bài ký sự, phóng sự hoặc bài tường thuật sâu. Nhiều khi bố cục của các loại bài này lại khá đơn giản.
Từ cuối thế kỷ 19, Anton Chekhov đã đưa ra một bố cục ba phần dùng cho truyện ngắn: rắc rối, phát triển và giải pháp. Thật ra, Chekhov, một trong những nhà văn được cho là sáng tạo nhất trong lịch sử văn học, cũng chỉ xây dựng bố cục này dựa trên ý kiến của Aristotle (384 - 322 trước công nguyên). Đó là mọi câu chuyện hay đều có mở đầu, thân bài và kết thúc.
Và từ gần 30 năm nay, Jon Franklin đã cổ vũ việc sử dụng bố cục Chekhov cho các bài phóng sự (trong cuốn “Writing for Story”, New York: NXB Plume, 1986). Jon Franklin là nhà báo đoạt giải Pulitzer hai lần, trong đó một lần là giải phóng sự (ngay khi giải này được thành lập vào năm 1979). Ông cũng dạy viết báo, viết văn ở Đại học Oregon.
Theo ông, bài phóng sự (giới báo chí Mỹ gọi là bài diễn cảm) thường bắt đầu bằng việc trưng ra cho thấy cái rắc rối chính của sự việc. Đây cùng là điểm tập trung của bài.
Sau đó, bạn đọc sẽ được dẫn qua một loạt các phát triển (chừng ba đến bốn cái); mỗi phát triển có thể là một câu chuyện ngắn. Đó còn có thể là giai thoại, các trích dẫn hoặc thông tin nền. Nhưng làm gì thì làm, mỗi phát triển như thế đều phải góp phần thúc đẩy, làm cho bài đi từ rắc rối ở đầu bài đến kết cục.
Kết cục, nếu có, sẽ được đưa ra ở cuối hoặc gần cuối bài. Có nhiều bài phóng sự không nhằm giải quyết vấn đề nào cả. Chẳng hạn, bài về một người đang chiến đấu với bệnh ung thư. Có thể kết cục sẽ là người bệnh vẫn tiếp tục đấu tranh để giành sự sống. Trong trường hợp này, ý chí của người bệnh được xem như kết cục.
Nếu sử dụng bố cục Chekhov, bài viết, chẳng hạn,về sự sum họp của một gia đình bị ly tán do nghèo khó, có thể được trình bày như sau:
Rắc rối
Hai chị em ở quê phải xa nhau do cha mẹ qua đời, không người nuôi dưỡng.
Phát triển
Chị lên thành phố đi làm mướn. Một gia đình giàu có ở quê nhận nuôi người em trai, cho ăn học. Người em lớn lên còn được cho đi du học.
Hai chị em mất liên lạc với nhau.
Sau nhiều năm làm lụng siêng năng, chị có tiền mở cơ sở làm ăn, trở nên giàu có, đi tìm em.
Em học nước ngoài về, cũng đi tìm chị.
Kết cục
Hai chị em gặp lại nhau, về quê làm giỗ cha, mẹ.
Trên thực tế, truyện cổ Việt Nam có lúc cũng đi theo bố cục này. “Những hạt thóc giống” là một ví dụ. Truyện gồm ba sự việc (hoặc ba phần).
Sự việc 1: Vua muốn tìm người trung thực để cho nối ngôi. Ông nghĩ ra kế luộc chín thóc giống rồi giao cho dân chúng, giao hẹn ai thu hoạch nhiều thóc thì được truyền ngôi.
Sự việc 2: Chú bé Chôm dốc công chăm sóc mà thóc chẳng nảy mầm. Tuy vậy chú đã tâu vua sự thật trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Sự việc 3: Vua khen ngợi Chôm trung thực và dũng cảm nên đã truyền ngôi cho chú bé này.
Nên khuyến khích phóng viên lập bố cục khi viết bài. Bài như thế sẽ mạch lạc, dễ sửa. Nhưng không nên cứng nhắc quá. Luôn có sự lai tạp giữa các loại bố cục.
NGỌC TRÂN