Nhiều trẻ em mắc quai bị
Thời gian gần đây, bệnh quai bị (có nơi người dân gọi là bệnh “ông địa”) xuất hiện ở trẻ em khá nhiều, gây không ít lo lắng cho các bậc phụ huynh. Đến thời điểm hiện tại, số ca mắc bệnh này đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, với 330 ca bệnh được phát hiện trong vòng 4 tháng đầu năm.
Phụ huynh cần cẩn trọng với các biểu hiện của bệnh quai bị, đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng tránh. |
Tại xã Tam Phú và Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), bệnh quai bị bắt đầu xuất hiện rải rác. Trạm Y tế xã Tam Thăng xác nhận, khoảng 3 tháng đầu năm có gần 30 ca mắc bệnh được chữa khỏi và đã cơ bản không xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, ở Tam Phú, vẫn còn khá nhiều trường hợp đang phải điều trị. Anh Phạm Văn Đ. (trú thôn Tân Phú, xã Tam Phú) có con học lớp 6 đang mắc bệnh “ông địa” lo lắng: “Mấy ngày gần đây, con tôi bỗng dưng đổ sốt, nóng toàn thân. Hai gò má sưng lên căng tròn rất đau nhức. Nghe thông tin bệnh này có thể gây vô sinh nên tôi đưa cháu đi khám ngay, nhưng vẫn thấy rất lo”.
Ông Nguyễn Văn Tương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tam Phú xác nhận, gần đây xuất hiện một số trường hợp trẻ em bị mắc bệnh quai bị. Người dân địa phương vẫn hay gọi là bệnh “ông địa” vì biểu hiện bệnh là hai gò má sưng to. Bệnh xuất hiện đầu tiên vào thời điểm gần kỳ nghỉ hè tại một trường tiểu học trên địa bàn. “Ngay sau khi phát hiện, Trạm Y tế đã xuống tận trường hướng dẫn khâu vệ sinh và tuyên truyền về bệnh quai bị cho học sinh nhằm tránh lây lan trở thành dịch bệnh. Hầu như năm nào cũng có vài trường hợp mắc bệnh này. Gần đây, bệnh xuất hiện trở lại nên nhiều người dân tỏ ra lo lắng” - ông Tương cho biết. Hiện tại, các em học sinh đang mắc bệnh được phát hiện tại xã Tam Phú đã được cho nghỉ học để đưa đi khám, điều trị bệnh và được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc để tránh lây bệnh.
Ông Huỳnh Công Quang, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết, thời gian gần đây bệnh quai bị ở trẻ tăng lên đáng kể. Theo báo cáo mới nhất của trung tâm, qua 4 tháng, toàn tỉnh có 330 trẻ mắc bệnh quai bị, so với cùng kỳ 2014 tăng 116 bệnh, tăng gấp 3 lần, trong đó TP. Tam Kỳ chiếm tỷ lệ nhiều nhất đến 97 bệnh. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ nhưng bệnh này chưa được Bộ Y tế đưa vào danh mục dự án tiêm chủng mở rộng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Bệnh quai bị do virus paramyxovirus gây nên. Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên do virus quai bị gây nên. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất của bệnh là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống”. Theo ông Hoàn, bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm thường xảy ra vào mùa đông xuân, lây trực tiếp khi gần bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi và thường gặp ở trẻ nhỏ từ 5 đến 8 tuổi. Khi đã mắc bệnh một lần hoặc được tiêm phòng vắc xin (khoảng 95% số người sau khi tiêm vắc xin quai bị được miễn dịch bảo vệ lâu dài, có thể suốt đời), hầu hết bệnh nhân đều không mắc lại. Bình thường, bệnh mắc ở trẻ em, tuy nhiên, với sự phổ biến của vắc xin chủng ngừa, hiện nay trên thế giới người ta thấy khoảng 50% trường hợp bệnh quai bị xuất hiện ở thanh niên. Ông Hoàn khuyến cáo, hiện tại các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin tam liên phòng sởi, quai bị và rubella, với giá dịch vụ cho mỗi mũi là 160.000 đồng.
Chia sẻ về biện pháp phòng ngừa bệnh quai bị, ông Huỳnh Công Quang khuyến cáo bệnh quai bị hiện giờ vẫn chưa có thuốc đặc trị, nếu trẻ nào đang mắc bệnh cần được chăm sóc, kiêng cữ tốt như không cho trẻ vận động nhiều, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài, trẻ có thể khỏi bệnh trong vòng vài ngày. Còn những trường hợp bé sốt cao, ói mửa, nhức đầu hoặc bộ phận sinh dục sưng to thì cần phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không được điều trị sớm, bé có thể xảy ra một số biến chứng như viêm não - màng não, viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, dẫn đến teo tinh hoàn và một số ít trong đó có khả năng dẫn đến vô sinh.
Hiện bệnh quai bị cũng mới xảy ra rải rác và nằm trong vùng kiểm soát nên chưa xuất hiện thành dịch. Tuy nhiên, trước việc bệnh quai bị tăng cao trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng đã có báo cáo gửi Sở Y tế và yêu cầu các trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố phải tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo rộng rãi đến nhà trường, khu dân cư đông trẻ về công tác hướng dẫn phòng bệnh cho phụ huynh biết cách phòng ngừa và nếu mắc bệnh còn biết cách điều trị nhằm tránh biến chứng cho trẻ sau này.
PHƯƠNG GIANG