Một ngày đến cao nguyên đá

ĐÌNH QUÂN 17/06/2015 10:56

Người đàn ông có mái tóc hoa râm, nước da trắng, dáng hơi đậm, khuôn mặt vuông, luôn hòa nhã nhưng khi dẫn chuyện, lời lẽ thường ngắn gọn, dứt khoát. Anh là Sùng Mí Chứ - Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang, người cầm vô lăng đưa chúng tôi thăm thú qua bốn huyện cao nguyên đá Đồng Văn.

Trời tháng Năm xe vừa ra khỏi thành phố hãy còn chưa thấy rõ mặt người. Đoàn xe theo quốc lộ 4C nối cung đường Hạnh Phúc thẳng tiến, chúng tôi thấy hai bên đường lau sậy cỏ dại lô nhô, dân cư thưa thớt. Theo kế hoạch của anh Sùng Mí Chứ chúng tôi đi hướng huyện Yên Minh trước. Ăn sáng dọc đường. Các anh phải giữ tâm thế vững vàng, tự tại vì cả ngày chúng ta phải băng qua mấy trăm cây số đường đèo dốc hiểm trở - anh Chứ nói.

Một lát sau xe đỗ xịch trước tiệm phở của người Tày.  Bước xuống xe ai nấy đều khoan khoái khi được hít thở không khí buổi sáng trong lành ở vùng cao. Từng bánh phở được tráng ngay tại chỗ. Họ lấy bánh phơi từng lớp cao gần xà nhà. Những sợi phở trắng, mềm, dẻo thơm bốc khói khi kết hợp với nước lèo cộng với xương nạm hay thịt bò nhúng tái có hương vị đặc trưng.

Cột cờ Lũng Cú.
Cột cờ Lũng Cú.

 Phía sau chợ lùi Sà Phìn - chợ họp luân phiên các thứ trong tuần ngay dưới chân bậc thang trước cổng dinh vua Mèo, một vương quốc của Vương Chính Đức - một thời thao túng toàn bộ khu vực cực bắc cũng như toàn bộ vùng Đông và Tây Bắc... Gần trưa đoàn đến Lũng Cú.  Chúng tôi leo 349 bậc đá và 140 bậc xoáy trôn ốc đặt bước chân đầu tiên lên đỉnh núi Rồng, nơi có Cột cờ Lũng Cú - điểm cực bắc địa đầu của Tổ quốc. Tuy mồ hôi ướt đẫm áo nhưng ai nấy đều chung điều thiêng liêng rất khó tả. Tôi ngâm nga: Tổ quốc linh thiêng ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa... tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình. Lúc ngồi trên xe anh Chứ có kể, khi còn ở Đoàn thanh niên anh đã từng tham gia dựng những cây tre để làm cột cờ. Cột cờ có được như ngày nay là cả một quyết tâm gìn giữ và tạo dựng của nhân dân ta... Ngược dòng lịch sử, cột cờ được xây dựng từ thời Lý Thường Kiệt làm bằng cây sa mộc. Hay thời hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn và cứ mỗi canh giờ lại được gióng ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền của giang sơn đất nước. Ngày ấy cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra, bọn họ thường bắn phá nên lá cờ thủng rách chúng ta phải thay đi làm lại. Bây giờ lá cờ có khổ lớn, treo ở độ cao mà gió quật rất mạnh, dễ bị rách... nên cờ phải thay hàng tuần. Hiện nay tại Đồn Biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên trách bảo vệ lá cờ. Tôi nghe như thế.

Sùng Mí Chứ - Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang và tác giả.
Sùng Mí Chứ - Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang và tác giả.

Đến Mèo Vạc, anh Chứ tranh thủ về thăm mẹ già. Còn chúng tôi thưởng thức món gà xương đen uống rượu Hạ Thổ và nghỉ trưa tại nhà hàng Ngọc Linh. Chị chủ nhà hàng người Hải Dương lên Mèo Vạc làm ăn đã lâu vui vẻ góp chuyện, ngày 27.3 âm lịch tới là lễ hội chợ tình Khau Vai, các anh nếu được về chơi thì hay lắm... Gợi chuyện tình yêu thời trẻ anh Chứ đang lái xe kịp nhoẻn cười bí ẩn gửi vào đám mây, hốc núi khi anh kể ngày nhỏ cũng tập tò yêu cô bé nhỏ nhắn ở rẫy ngô. Cây ngô (Quảng Nam gọi là bắp) là cây lương thực chính của vùng đất này. Có năm trời hạn, ngô thiếu nước, mất mùa... người dân đói ăn là cầm chắc. Chúng tôi đã từng nghe, có cây ngô sống trên đá nay đến đây mới nhận ra là đúng sự thật. Anh Chứ bảo, người dân ở đây nghèo và cực lắm. Có năm mưa nhiều làm trôi hết đất; khi vào mùa tỉa ngô người dân lại kiếm đất mang lên cho vào các hốc đá tai mèo;  cứ thế tưới tỉa cây ngô lại lên xanh đem lại những mùa vàng no ấm. Quả thật: “Không có đỉnh núi nào ở Hà Giang cao hơn đầu gối của người Mông”...

Tuyệt nhất, chúng tôi qua đèo chín khoanh ngoạn mục rồi dừng chân Mã Pì Lèng - có thể gọi đây là “đệ nhất hùng quan” nước Việt hẳn không sai. Đỉnh đèo hùng vĩ nhìn từ trên cao xuống dưới là dòng Nho Quế chảy qua thăm thẳm: Mây đạp dưới chân, trời đụng trán (Nguyễn Hải Trừng). Đi qua cung đèo này chúng ta thật biết ơn đến những con người treo mình trên vách đá ngày đêm đục, khoét, bổ, khắc mà cẩn mặt đường vào vách đá đứng thành vai (Nguyễn Tuân).

Nắng quái trên nền trời chiều Quản Bạ, cảnh và tình như thêm quyến rũ. Anh Chứ cho xe dừng lại để chúng tôi được ngắm nhìn ghi vội mấy pô hình  thắng cảnh Núi Đôi. Chung quanh khu vực Núi Đôi và nhiều mỏm núi khác là thị trấn Tam Sơn vây bọc trong những thảm ruộng xanh rờn. Tôi thốt lên: Ôi, thiên nhiên không kiềm tỏa mà sao cuốn hút hết hồn du khách đến thế! Khi ấy ánh nắng quét một vệt dài về hướng đông nên khung cảnh như được rắc thêm ánh vàng chen trong vạt bóng mờ của ngày chiều sắp tàn: Mây hồng ngừng lại sau đèo/  Mình cây nắng nhuộm bóng chiều không đi (Tiếng sáo thiên thai - Thế Lữ)...

Anh Chứ nói lên Hà Giang vào dịp xuân là tuyệt nhất, sẽ được ngắm những váy áo thổ cẩm đủ màu sắc của các cô gái Mông dắt nhau du xuân qua các ngả đường đèo hoặc xúm xít chơi trò ném pao ở góc núi. Con trai thì chơi trò tu lu hay gọi là đánh quay. Xa xa bên hàng rào đá bao quanh những nhà trình tường của người Hà Nhì, Lô Lô, Tày, Dao, Mông... Và cạnh đấy là những hàng cây điểm đủ màu hồng trắng vàng tím đỏ của đào phai, hoa mơ, mận, hoa ban, ngũ sắc đua nhau rực nở.  Anh Chứ cho xe dừng bên đường để tôi kịp ghi khoảnh khắc vạt hoa tam giác mạch nở trái mùa ánh lên sắc trắng hồng mịn màng.

Trời vừa tối cũng vừa kết thúc chặng hành trình. Chúng tôi được Báo Hà Giang chiêu đãi món thắng cố. Tuy chưa thật quen với món này nhưng tôi vẫn nhận ra dư vị rất đặc biệt của vùng cao…

ĐÌNH QUÂN

ĐÌNH QUÂN