Hành lang mới cho báo chí
Quy hoạch phát triển báo chí và luật báo chí mới, dù chưa chính thức ban hành, nhưng đã tác động không nhỏ đến đời sống báo chí cả nước. Bởi, tới đây, các cơ quan báo chí và những người làm báo sẽ đối diện với những thay đổi lớn...
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 (khóa XI) vào đầu năm 2015 đã thông qua đề án Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son, Quy hoạch báo chí là một trong những quy hoạch ngành cá biệt, hiếm hoi được trình xin ý kiến Bộ Chính trị đến 3 lần và trình cả hội nghị Trung ương Đảng. Trong khi đó, dự án Luật Báo chí mới cũng đã khởi động từ nhiều năm, qua nhiều bản dự thảo và Chính phủ mấy lần đề nghị Quốc hội lùi thời điểm trình dự án luật này. Điều đó cho thấy sự nhạy cảm, phức tạp của báo chí và cũng lý giải vì sao giới báo chí cả nước đang “xôn xao” với những sự kiện này.
Các nhà báo tác nghiệp trong đường hầm thủy điện Sông Tranh năm 2013 (Bắc Trà My). Ảnh: MINH HẢI |
Gọn đầu mối, nâng chất lượng
Báo chí và truyền thông Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh chóng trong những năm qua là điều ai cũng nhận thấy. Trong sự phát triển mang tính bùng nổ đó, cái được rất nhiều, là dòng chủ lưu thông tin như Đảng, Nhà nước và xã hội đã đánh giá; nhưng cái chưa được thì chẳng những không được chấn chỉnh kịp thời mà ngày càng nhiều hơn, khiến ngay cả giới báo chí cũng đầy tâm trạng. Với sự tiếp sức của công nghệ thông tin, các “nhà báo” đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống và dường như tất cả những gì diễn ra trong đời sống xã hội đều nhanh chóng xuất hiện trên báo chí.
Tác nghiệp. Ảnh: DOÃN HOÀNG |
Theo ông Ngô Văn Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trong đề án Quy hoạch báo chí, hệ thống báo chí cả nước sẽ được sắp xếp lại theo hướng giảm số lượng cơ quan báo, nhưng mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm và mỗi ấn phẩm phải tuân theo tôn chỉ, mục đích rõ ràng. Về cơ bản, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ còn 1 cơ quan báo in và 1 tạp chí văn nghệ; cấp sở, ban, ngành của các tỉnh, thành phố sẽ không được phép thành lập cơ quan báo chí như hiện nay. |
Báo chí là gương mặt tinh thần của xã hội. Nhưng gương mặt đó, qua báo chí hiện nay, nhiều khi bị bóp méo, lệch lạc, khiến xã hội phân tâm. Thiên chức của báo chí và người làm báo đang đối diện với những thách thức lớn, do chính mình gây ra; dù lỗi không hoàn toàn ở báo chí. “Loạn” báo là thực trạng hiện nay. Có lẽ vì thế mà việc Bộ Giao thông vận tải đi tiên phong xóa sổ 5 cơ quan báo để hình thành một tờ báo duy nhất của ngành được dư luận rất tán đồng. Tất nhiên, việc làm này Trung ương đã “bật đèn xanh”. Theo ông Ngô Văn Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trong đề án Quy hoạch báo chí, hệ thống báo chí cả nước sẽ được sắp xếp lại theo hướng giảm số lượng cơ quan báo, nhưng mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm và mỗi ấn phẩm phải tuân theo tôn chỉ, mục đích rõ ràng. Về cơ bản, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ còn 1 cơ quan báo in và 1 tạp chí văn nghệ; cấp sở, ban, ngành của các tỉnh, thành phố sẽ không được phép thành lập cơ quan báo chí như hiện nay. Các cơ quan báo chí sau khi sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là tỉnh, thành phố, cơ quan cấp ngành, cấp trung ương (trừ các quân khu, quân chủng).
Dự thảo Luật Báo chí mới gồm 6 chương, 58 điều (thêm nhiều điều mới so với Luật Báo chí 1989, được sửa đổi bổ sung năm 1999 gồm 7 chương, 30 điều). Về loại hình báo chí, dự luật quy định cụ thể 4 loại hình báo chí cùng định nghĩa đối với một số nội dung liên quan đến báo chí: bản tin thông tấn; chương trình truyền hình phát thanh, kênh chương trình, chương trình thời sự, phụ trương, đặc san, bản tin, trang chủ, phát hành báo chí in, truyền dẫn phát sóng, liên kết hoạt động báo chí, chương trình liên kết… Dự thảo luật cũng quy định, người đứng đầu cơ quan báo chí là giám đốc, tổng giám đốc. Một cơ quan báo chí có thể có nhiều tổng biên tập phụ trách các ấn phẩm, kênh chương trình, chuyên trang báo điện tử. |
Đối với lĩnh vực phát thanh - truyền hình, các nhà đài phải đảm bảo chương trình sản xuất trong nước đạt tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 đài. Mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình. Đến năm 2020, các đài truyền hình địa phương tự chủ về tài chính; Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình, phục vụ chính trị, tuyên truyền.
Không những sắp xếp, tinh gọn đầu mối, giảm số lượng cơ quan báo chí, cơ chế tài chính đối với báo chí cũng có sự thay đổi lớn, khi Trung ương chủ trương giao cho báo chí từng bước tự chủ về biên chế và kinh phí hoạt động. Ông Ngô Văn Hùng giải thích rằng, “điều này có nhiều lý do, nhưng lý do chính là chúng ta đang chuyển đổi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên các hoạt động sự nghiệp, kể cả báo chí cũng cần tính toán hiệu quả về kinh tế; mặt khác, cần thực hiện tự chủ về biên chế và tài chính để giảm bớt nguồn chi từ ngân sách nhà nước”.
“Siết” trách nhiệm
Trong khi Quy hoạch báo chí hướng đến việc chống “lạm phát” báo chí, thì dự án Luật Báo chí mới (thay thế luật hiện hành và dự kiến trình Quốc hội cuối năm 2016) đang được lấy ý kiến góp ý của giới báo chí cả nước, có rất nhiều điều khoản tăng cường trách nhiệm của cơ quan báo chí và cá nhân những người làm báo. Cụ thể là những quy định rất chi tiết về hoạt động của nhà báo; vai trò, chức năng của báo chí; tiêu chuẩn của người đứng đầu cơ quan báo chí, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí; tiêu chuẩn của tổng biên tập, phó tổng biên tập; những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí... Đáng chú ý, tại điều 11, dự thảo quy định “Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí”. Trong đó, cấm thông tin bí mật đời tư cá nhân và bí mật khác mà pháp luật Việt Nam quy định; thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân...
Thêm một điểm nữa, có lẽ để hạn chế tình trạng “loạn” nhà báo, dự thảo Luật Báo chí mới, yêu cầu phóng viên thường trú hoạt động ở các địa phương phải có thẻ nhà báo và không bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong thời hạn một năm tính đến khi đề nghị đặt văn phòng đại diện hoặc cử phóng viên thường trú. Quy định này được nhiều cơ quan báo chí đồng tình, nhưng có không ít người phản đối bởi cho rằng sẽ hạn chế hoạt động đưa tin của báo chí vì không phải tất cả phóng viên đều có thẻ nhà báo, cũng như cơ quan báo chí là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về quản lý phóng viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều tòa soạn báo quản lý đội ngũ phóng viên thường trú một cách lỏng lẻo như hiện nay, quy định mới này không phải không có lý.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, Quy hoạch báo chí và Luật Báo chí mới là tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng và để báo chí mạnh hơn, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước và quyền tự do báo chí đã được hiến định. Trong bối cảnh báo chí cả nước nở rộ theo hướng có phần tự phát như hiện nay, có lẽ những định hướng mới của Đảng, Nhà nước về phát triển và quản lý báo chí hơn ai hết được những người làm báo chân chính ủng hộ, đồng tình. Một hành lang mới cho hoạt động báo chí là rất cần thiết. Tất nhiên, thách thức đặt ra với các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo rất nhiều.
LÊ VĂN