Nhật Bản rót vốn đầu tư vào châu Á

NAM VIỆT 27/05/2015 10:24

Cùng với tăng trưởng kinh tế cao hơn mong đợi, Nhật Bản không muốn chậm chân đi sau các nước khác trong việc rót vốn đầu tư vào khu vực châu Á trong bối cảnh hiện nay.

Vào những tháng cuối năm 2014, dư luận quốc tế đổ dồn sự chú ý khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới chính thức rơi vào suy thoái, suy giảm liên tiếp. Nhưng đến quý cuối cùng của năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng trở lại 0,3% từ con số âm trước đó. Tiếp tục trong 3 tháng đầu năm 2015, thống kê của Chính phủ Nhật cho thấy GDP của Nhật tăng 0,6% (so với năm 2014 là 0,1%).

Như vậy, chỉ trong vòng vài tháng sau, kinh tế Nhật đã chính thức thoát khỏi suy thoái, tiếp tục tăng ấn tượng, vượt lên cả sự hồi phục của nền kinh tế số một thế giới là Mỹ, kể cả các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Đó là nhờ vào đầu tư của các doanh nghiệp và lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục gia tăng. Tuy vậy, nền kinh tế Nhật vẫn còn nhiều quan tâm và thách thức khi mức tiêu thụ nội địa vẫn tăng chậm (+0,4%) vào đầu năm nay, do ảnh hưởng từ chính sách tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) vào tháng 4.2014. Thêm vào đó, dù tỷ lệ thất nghiệp khá thấp, chiếm 3,4%, nhưng thị trường lao động của Nhật được xem không ổn định. Đến việc cải cách tiền lương tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay các vùng nông thôn hiện chưa được áp dụng.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố đầu tư 110 tỷ USD vào châu Á.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố đầu tư 110 tỷ USD vào châu Á.

Trong khi Trung Quốc đang kêu gọi các nước tiến hành lập trật tự thế giới mới bằng việc tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đề xuất thành lập thì Nhật Bản cũng không muốn là nhà đầu tư đi sau, cho dù doanh nghiệp Nhật có mặt tại châu lục từ rất lâu. Minh chứng là ngay tại Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 21 vừa diễn ra cuối tuần qua tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe công bố một quỹ đầu tư khổng lồ - 110 tỷ USD trong 5 năm tới “để thúc đẩy về lâu dài các cơ sở hạ tầng có chất lượng và sáng tạo tại châu Á”.

Trong đó, 50% số tiền đầu tư trên sẽ đến từ các tổ chức nhà nước của Nhật Bản. Một nửa còn lại sẽ được Tokyo hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á để huy động. Với nguồn tài chính này, các nước khu vực sẽ hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm giảm ô nhiễm của Nhật Bản khi xây dựng đường sá và hệ thống đường sắt.

Được biết, các doanh nghiệp Nhật Bản hiện rất cần đến sự cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng chủ chốt tại châu Á như viễn thông, năng lượng, giao thông vận tải. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, nguồn vốn cần thiết để đầu tư vào khu vực này khoảng 8.000 tỷ USD trong giai đoạn 2010- 2020.

NAM VIỆT

NAM VIỆT