Dáng hình Điện An
Được xem là phường trung tâm của thị xã Điện Bàn, Điện An hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành hạt nhân - thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, kết nối liên vùng.
Dáng hình đô thị Điện An ngày càng rõ nét. Ảnh: VĨNH LỘC |
Chuyển dịch kinh tế
Phường Điện An có tổng diện tích tự nhiên 1014,14ha, dân số 15.372 người. Với vị trí của một phường cận nội thị, từ đầu nhiệm kỳ, việc chuyển dịch kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ đã được Đảng bộ và chính quyền địa phương chú trọng. Từ 50,1% tỷ lệ tăng trưởng ngành dịch vụ năm 2010 đã tăng 72,5% sau 5 năm, nâng tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế lên gần 810 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm khoảng 22%. Nhiều hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ đã được khuyến khích phát triển, chủ yếu tập trung vào các ngành như giải trí, ăn uống, xe máy, điện máy… góp phần thúc đẩy cán cân thương mại dịch vụ phường chuyển dịch. Riêng năm 2015 giá trị thương mại dịch vụ ước đạt hơn 167 tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với 2010. Cùng với đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng có những bước tiến vượt bậc với trên 200 cơ sở sản xuất mang lại giá trị mỗi năm gần 38 tỷ đồng, đưa tỷ trọng lao động phi nông nghiệp lên 71%, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, diện mạo đô thị càng thêm rõ nét.
Ông Võ Văn Năng - Bí thư Đảng ủy phường Điện An khẳng định, hiệu quả của chuyển dịch kinh tế đã tạo điều kiện thay đổi cơ cấu sản xuất, đón đầu những cơ hội, góp phần tăng thu ngân sách, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển an sinh xã hội, chi đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhiệm kỳ qua, đã có hàng chục công trình, hạ tầng được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng như xây mới đường trung tâm xã; tường rào cổng ngõ cơ quan ủy ban và Trường THCS Phan Châu Trinh; trạm thu gom rác thải; bê tông hóa hơn 8km đường giao thông nông thôn và gần 3,5km giao thông cùng kênh mương nội đồng… với tổng số tiền gần 33 tỷ đồng. Ngoài ra, có thể kể đến việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo theo chiều sâu, biến Điện An trở thành địa phương dẫn đầu toàn thị xã trong suốt 5 năm qua. Tính đến năm 2015, hầu hết trường trên địa bàn phường đều đạt chuẩn quốc gia, riêng Trường THCS Phan Châu Trinh; Trường Tiểu học Phan Thành Tài, Trường Tiểu học Phan Bôi đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và đạt kiểm định chất lượng mức độ 3… Quan tâm đến phong trào xã hội hóa giáo dục, nhiều nguồn lực được huy động với tổng số tiền trao thưởng mỗi năm gần 300 triệu đồng giúp hỗ trợ học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. “Hai nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội Điện An nhiệm kỳ tới chính là tăng cường hoạt động thương mại dịch vụ và phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên sâu, phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng thương mại dịch vụ chiếm 75% trong tổng cơ cấu nền kinh tế” - ông Năng cho biết. Để hiện thực mục tiêu này, ngoài một số địa bàn có lợi thế như Ngọc Tam, Phong Nhị, đường ĐT 609… phường cũng xây dựng đề án quy hoạch các khu dân cư, thương mại như hình thành chợ tập trung tại khu vực Câu Nhi - Bằng An, tạo môi trường thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ, nhất là khu vực phía nam nhằm kết nối với địa bàn trung tâm thị xã.
Phát triển nông nghiệp bền vững
Điện An có những lợi thế nhất định để phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên sâu. Ngoài diện tích canh tác lớn (695 hécta) thì đất đai màu mỡ cùng hệ thống thủy lợi tưới tiêu tốt nên sản lượng lương thực luôn đạt năng suất cao. Đặc biệt, thời gian qua, bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng, dồn điền đổi thửa thì việc đưa các loại cây giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi đã tạo nên những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có do nguồn lực đầu tư hạ tầng nông nghiệp còn hạn chế cũng như chưa chú trọng sản xuất hàng hóa dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Do vậy, phát triển nông nghiệp Điện An theo hướng chuyên sâu bền vững dựa trên những lợi thế của một phường cận nội thị, là con đường cần lựa chọn. Điều này đã được cụ thể hóa thông qua việc tổ chức quy hoạch lại diện tích canh tác, chủ động liên kết tìm kiếm thị trường, mở rộng diện tích sản xuất lúa giống; trồng các loại cây công nghiệp, cây thực phẩm địa phương có thế mạnh như đậu phụng, ớt… nhằm nâng giá trị sản xuất mỗi hecta lên trên 80 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, Điện An cần phát triển theo hướng nông nghiệp ven đô thị. Trong đó, tập trung vào những cây trồng có giá trị kinh tế cũng như chuyển đổi một số diện tích lúa vùng cao sang trồng rau sạch và hoa để phục vụ nhu cầu đô thị. Đặc biệt, cần tăng cường sản xuất các loại lúa chất lượng cao, nhất là chuyển mạnh sang cơ giới hóa; thực hiện một số mô hình 3 giảm 3 tăng, cánh đồng lớn… “Phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sản xuất hàng hóa sẽ giúp Điện An cung cấp sản phẩm chất lượng cao không chỉ cho Điện Bàn mà còn các thành phố lân cận như Đà Nẵng, Hội An giúp xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng tạo sự lan tỏa sang các vùng khác” - ông Chơi gợi ý.
VĨNH LỘC