Làn sóng di cư trái phép tại Đông Nam Á
Không chỉ ở châu Âu, làn sóng di cư bất hợp pháp hiện trở nên nhức nhối tại khu vực Đông Nam Á.
Thảm kịch của những người di cư bất hợp pháp là điểm nóng của khu vực Đông Nam Á trong suốt những ngày qua. Số phận bi thương của hàng nghìn con người không biết đi đâu, về đâu làm dấy lên nhiều tranh cãi khác nhau. Trên thực tế, câu chuyện này diễn ra từ nhiều năm qua tại khu vực nhưng bắt đầu bùng phát kể từ khi Thái Lan mở rộng chiến dịch truy quét, triệt phá các tổ chức tội phạm buôn người từ cuối tháng 4, sau khi nước này phát hiện nhiều hố chôn tập thể được cho là thi thể của những người di cư bất hợp pháp, được tập kết tại các trại buôn người trên đất Thái.
Giới hữu trách Indonesia cung cấp thức ăn, thuốc men cho những người di cư bất hợp pháp (ảnh: Reuters). |
Chỉ trong 10 ngày qua, giới hữu trách Indonesia chặn được những chiếc tàu chở tổng cộng gần 3.000 người di dân và tỵ nạn từ Myanmar, đa số là sắc dân thiểu số Rohingya và Bangladesh, đang ở ngoài khơi phía bắc tỉnh Aceh. Trước mắt, chính quyền tại đây đã cung cấp thực phẩm, nước và tiếp liệu y tế để cho họ có thể đi tiếp, theo lời của người phát ngôn cơ quan hải quân tại Aceh. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Malaysia khi lực lượng chức năng nước này phát hiện khoảng 500 di dân trên một thuyền ngoài khơi bang Penang và một tàu khác chở 300 người nhập cư bị ngăn cản vào bờ ở gần đảo Langkawi. Hầu hết người di cư bị phát hiện luôn trong trạng thái hoảng loạn, kêu cứu, ốm đau và tuyệt vọng, trong số họ có cả những người già yếu và trẻ em.
Xung đột sắc tộc, nghèo đói là nguyên nhân dẫn đến làn sóng di cư trái phép ồ ạt, qua bàn tay dẫn dắt rất khắc nghiệt của những kẻ buôn người, đang gây nên những thảm kịch nhân đạo tại khu vực, khiến các nước chật vật để tìm hướng đối phó. Nhiều nước bày tỏ quan điểm không dung túng cho các hành vi phạm tội buôn người đồng thời không tiếp nhận những người di cư trái phép vì lo ngại những hệ lụy xã hội trong khi những nước này còn đang phải đương đầu với những vấn đề khác trong nước. Ngoài ra, chính phủ các nước cũng không thể chu cấp thức ăn, thuốc men, thực phẩm cho những người di cư trái phép trong nhiều ngày.
Đáng lo ngại không kém, theo thống kê của Tổ chức Di trú quốc tế, trong những ngày qua, có thêm nhiều người nhập cư bỏ mạng trên vùng biển Đông Nam Á, khoảng 1.600 di dân được cứu sống và khoảng 8.000 người khác được cho là đang lênh đênh ngoài khơi trong điều kiện hết sức khó khăn. Tàu chở người nhập cư trái phép của bọn buôn người tìm mọi cách lẩn trốn mọi sự trợ giúp hoặc tìm kiếm của các cơ quan chức năng. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc bày tỏ quan ngại về số phận người nhập cư và kêu gọi khẳng định giải cứu người trên biển là một nghĩa vụ quốc tế.
Trước vấn nạn báo động trên, Thái Lan cho biết ngày 29.5 tới sẽ tổ chức cuộc họp khu vực khẩn cấp tại thủ đô Bangkok với nhiều nước tham dự để tìm cách ứng phó và giải quyết. Cũng liên quan đến câu chuyện nhập cư, Ủy ban châu Âu vừa mới thông qua quyết định sẽ đồng ý tiếp nhận 20 nghìn người nhập cư mỗi năm, dựa trên các tiêu chí của Liên hiệp quốc để đảm bảo đó thực sự là những người cần bến đỗ để sinh sống. Sự phân bổ đến các quốc gia thành viên sẽ dựa vào căn cứ phân loại về GDP, diện tích, dân số và tỷ lệ thất nghiệp. Đây là bước tiến mới của châu lục nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư.
QUỐC HƯNG