"Cửu vạn" vùng biên
Từ khi nóc Kon Bin, Măng Lùng (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My) có hàng quán, đồng bào bản địa Xê Đăng có thêm công việc mới - cõng thuê, mưu sinh mỗi ngày.
Chiếc gùi đựng đầy chai nước ngọt nặng trĩu vừa được thả xuống, chị Hồ Thị Cang lau vội mồ hôi. Nắng ngày hè oi bức, gương mặt phụ nữ Xê Đăng khắc khổ hiện rõ sự mệt mỏi. Chừng năm phút, cuộc hành trình tiếp tục. Trên những con dốc dựng đứng, bóng người và hàng hóa đổ dài phía sau, chậm chạp lê từng bước chân nặng nhọc. Hoàn tất mọi công việc ở nhà, mỗi tuần những phụ nữ Xê Đăng lại vượt hàng chục cây số đường rừng xuống núi cõng hàng thuê cho các chủ quán trong làng. Anh Long, một chủ quán tạp hóa ở nóc Măng Lùng cho hay, mỗi ký hàng được người dân cõng về từ trung tâm xã Trà Linh đến nóc được trả với giá 3 nghìn đồng, đa số là những mặt hàng giải khát. Dù là cõng hàng thuê, nhưng anh Long cho biết rất ít khi họ lấy tiền mặt. Tất cả số tiền thù lao thường đều được quy đổi bằng những gói muối, mì chính, mì tôm và... rượu. “Ngày nào có đàn ông cõng hàng, rượu gạo luôn được chuẩn bị sẵn. Họ uống cả dọc đường đi” - anh Long nói. Ở Trà Linh, tôi từng được nghe câu chuyện về người dân bản địa uống rượu thay nước giải khát, kể cả khi lên rừng, lên rẫy. Rượu gắn liền với họ như một phần của cuộc sống đời thường, không thể thiếu. “Hồi trước, khi sâm Ngọc Linh còn nhiều, họ thường đến đây xin ứng rượu uống cả ngày, đợi đến mùa sâm rồi trả. Sống ở đây gần chục năm, tui chưa thấy đàn ông nào... lơ rượu”- anh Long cho biết thêm.
Hành trình vượt núi của những “cửu vạn”. |
Hành trình đến với nóc Măng Lùng, chúng tôi phải đi với một trăm phần trăm sức lực. Mồ hôi, chảy ướt lưng áo. Những phụ nữ Xê Đăng vẫn bền bỉ leo núi. Họ nói rằng, cuộc sống sinh tồn đã rèn cho họ tính chịu khó, sự dẻo dai để chinh phục hàng chục đỉnh núi mỗi ngày. Như chị Cang, tôi ước tính cân nặng chưa đầy 50kg nhưng đủ sức cõng trên lưng hơn 60 ký hàng trên quãng đường dài 4 giờ đi bộ. Chị bảo, mùa giáp hạt không cõng hàng thuê cũng chỉ ở nhà ngồi... chết đói. Mùa giáp hạt, vì thế trở thành nỗi ám ảnh cho người vùng cao. Tôi đã từng đi và chứng kiến, ở nhiều làng bản vùng cao, đồng bào đều dự trữ kho thóc riêng, đặt ở vị trí gần nhà. Nhưng cũng chỉ đến khi nào thực sự cần thì mới lấy ra dùng. Người Xê Đăng ở Trà Linh cũng vậy, có thóc dự trữ nhưng tiết kiệm đến mức có thể. Mùa giáp hạt, tranh thủ dăm ba bữa lại xuống núi cõng hàng thuê. Chị Hồ Thị Lành (30 tuổi, ở nóc Măng Lùng) cho hay, trung bình mỗi tuần chị xuống núi ba lần để cõng hàng cho chủ quán. Lúc nào sức khỏe tốt, một mình chị gùi cả 6 thùng hàng, nặng có khi gần cả tạ. Đàn ông trong làng, một ngày nếu đi từ sáng sớm cũng cõng được hai lượt. Cả đi và về, tính ra cũng gần đến tối mới tới được nhà. “Cõng mệt rứa nhưng ngày giỏi lắm cũng chỉ được vài gói muối, mắm, mì chính mang về nhà. Người dân trên này đi đường núi quen rồi nên cũng thấy công việc này bình thường như công việc khác thôi” - chị Lành nói. Nghề cửu vạn cũng lắm gian nan, đối mặt với những hiểm họa. Bởi con đường về nóc luôn là những dốc đá chênh vênh, hiểm trở. Bất kể nắng mưa, chỉ một chút sơ suất nhỏ cũng có thể trượt chân gây tai nạn. Do vậy, để cõng được hàng không phải là chuyện dễ đối với nhiều người.
Nụ cười của Hồ Văn Thới lúc dừng chân ven đường. |
Trưa. Nắng trải vàng trên cánh ruộng bậc thang dọc theo sườn đồi. Nóc Kon Bin đẹp như tranh vẽ. Chúng tôi quyết định dừng chân lâu hơn vài phút để chiêm ngưỡng. Phía đồng cỏ rộng lớn dưới bóng cây cổ thụ bóng mát, những phụ nữ Xê Đăng chia nhau món “ká c’râu”. Đã thành tục lệ, người Xê Đăng ở núi Ngọc Linh không bao giờ hút thuốc, mà họ chỉ “ăn thuốc”. Bởi vậy, thuốc lá với họ cũng được xem là món “nhị khoái”, sau rượu - giống như tục nhai trầu của đồng bào Kinh ở miền xuôi. Quán tạp hóa duy nhất của nóc Kon Bin xập xệ nhưng có đầy đủ những thứ mà người dân bản địa kiếm tìm. Những thứ nước giải khát, mì tôm, mắm muối... cho đến thùng bia lon, rượu gạo. Tất cả đều được cõng lên từ trung tâm xã Trà Linh mỗi ngày, phục vụ nhu cầu của đồng bào trên đỉnh núi Ngọc Linh. Suốt hành trình leo núi, những “cửu vạn” chỉ đi trong sự im lặng. Một bất ngờ khiến chúng tôi tò mò. Dừng chân nghỉ trên một đỉnh đồi, câu chuyện liên tục bị ngắt quãng. Vẻ mệt mỏi thể hiện rõ theo nhịp thở và nét mặt của những “cửu vạn”. Tôi chú ý đến Hồ Văn Thới, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Măng Lùng. Nhỏ nhất đoàn nhưng Thới luôn là người “dẫn đầu” đoàn người cõng hàng thuê vượt dốc trở về nóc. Bên trong chiếc ba lô của cu cậu là thùng hàng nặng cả gần chục ký, nhưng Thới vẫn sải những bước chân mạnh mẽ. Thới cho hay, chỉ theo mẹ cõng hàng vào những ngày nghỉ cuối tuần. Ngày hè, nếu không giữ em, Thới trở thành “cửu vạn nhí”, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Năm ngoái, kỳ nghỉ hè Thới cũng tự sắm được đôi dép cùng bộ quần áo mới đến trường. Kể cũng là niềm tự hào của trẻ em miền núi Trà Linh còn nhiều gian khó. Gói bánh mà chúng tôi đưa cho Thới vẫn còn nắm chặt trên tay suốt hành trình về nóc. Thới bảo, để dành cho đứa em của mình.
Ngoài hàng giải khát, dân “cửu vạn” ở Trà Linh còn cõng bất kể thứ gì chủ quán giao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Bữa cơm chiều đạm bạc chỉ có rau rừng cùng nồi canh mì tôm. Măng Lùng sương chiều xuống nhanh hơn, phủ khắp làng. Trời nhá nhem tối, những “cửu vạn” tranh thủ xếp đồ nghề, chuẩn bị cho chuyến xuống núi cõng hàng đợt sau. “Ngày mai con đi nữa. Mẹ nhớ đánh thức con dậy sớm nghe!” - tiếng đứa trẻ vọng ra từ căn nhà bên cạnh, tiếng của những côn trùng rả rích đồng vang...
ALĂNG NGƯỚC