Kết nối Á - Phi
Hôm nay (22.4), Hội nghị Cấp cao Á-Phi (ACC) chính thức được khai mạc tại thủ đô Jakarta của Indonesia, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển trong giai đoạn mới cho cả hai châu lục.
Cách đây 60 năm, ACC lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Bandung, miền tây Java của Indonesia, khởi đầu cho quá trình hợp tác mới và được xem như một biểu tượng về sự hồi sinh của các quốc gia châu Á và châu Phi, chống lại ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Sự kiện này đã tạo động lực đưa đến những biến đổi to lớn trên bản đồ chính trị thế giới với sự ra đời của một loạt quốc gia độc lập ở châu Á và châu Phi. Qua đó tạo tiền đề cho sự ra đời Phong trào không liên kết và hợp tác Nam-Nam vào năm 1961, cùng chung nguyện vọng hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước, thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu. Phong trào này hiện quy tụ hầu hết quốc gia đang phát triển với 120 thành viên, chiếm 2/3 tổng số thành viên của Liên hiệp quốc.
Hội nghị Bộ trưởng ACC, một trong các sự kiện liên quan của ACC 2015. (Ảnh: rappler) |
Dẫu vậy, các nhà lãnh đạo Á - Phi thừa nhận rằng, các nước của hai khu vực từ nhiều thập kỷ qua vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cũng như không ít những thách thức ở phía trước. Ví như, kinh tế của nhiều nước còn phát triển rất thấp, đời sống của nhiều người dân ở mức nghèo đói hay cận nghèo, do đó Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) của nhiều quốc gia còn thấp. Hơn nữa, các điểm nóng, nơi diễn ra các cuộc giao tranh xung đột kéo dài, bùng phát, nhất là tại khu vực Trung Đông và nhiều nơi ở châu Phi… đã ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển, hợp tác và kết nối nói chung của hai châu lục Á - Phi.
Bên cạnh những khó khăn trên, Á - Phi được đánh giá là khu vực có rất nhiều tiềm năng to lớn, nguồn tài nguyên phong phú. Á - Phi là thị trường chiếm ¾ trong tổng số 7,2 tỷ người trên thế giới hiện nay. Trong khi châu Á được xem là động lực của kinh tế thế giới thế kỷ 21 thì châu Phi được Quỹ tiền tệ quốc tế đặt nhiều hy vọng về một châu lục phát triển nhanh nhất thế giới. Do đó, niềm tin là yếu tố rất cần thiết hiện nay để đẩy mạnh hợp tác, kết nối Á - Phi trong thời đại mới.
Bởi vậy, hợp tác và phát triển là chủ đề chính xuyên suốt ACC lần này. Qua đó bảo đảm người dân Á Châu và Phi Châu bớt nghèo khó, rút ngắn khoảng cách phát triển và đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai châu lục. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, bà Retno L.P. Marsudi nói, mở rộng hợp tác Á - Phi không chỉ dừng lại ở hợp tác Nam - Nam mà còn mở rộng hơn trở thành hợp tác ba bên hiện được cho là công cụ hữu hiệu để thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các nước mà còn góp phần gìn giữ hòa bình, thịnh vượng của khu vực.
ACC đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, với sự tham sự của các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo, đại diện hơn 100 quốc gia châu Á - Phi cùng 17 nước quan sát viên và 25 tổ chức quốc tế, 1.300 nhà báo. Đặc biệt, vào ngày 24.4 sẽ diễn ra kỷ niệm 60 năm ACC tại thành phố Bandung, 10 năm quan hệ đối tác chiến lược mới Á - Phi.
KIM OANH