Lò mổ heo "chui" trong khu dân cư
Người dân khối phố 2 (phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) rất bức xức về một cơ sở giết mổ gia súc ngang nhiên hoạt động trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
Theo phản ảnh của người dân, lò mổ heo “chui” của gia đình ông Nguyễn Xuân Quyền (thuộc khối phố 2, phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) nằm ngay trong lòng khu dân cư trung tâm của thành phố, đối diện với Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Việc xả chất thải, nước thải sau khi giết mổ gia súc của ông Quyền đã bị chính quyền địa phương tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, sau đó buộc tháo dỡ, không được phép tái hoạt động. Thế nhưng, lò mổ heo vẫn lén lút hoạt động. Vì không chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ lò mổ heo này nên một số nhà cửa của người dân sinh sống chung quanh then cài cửa đóng. Bà Luận (một người dân địa phương) nói: “Tôi sống ở đây rất lâu. Hơn 8 năm nay ông Quyền làm lò mổ heo ngay tại nhà mình. Trước đây khi chưa có khu giết mổ tập trung của TP.Tam Kỳ tại Cụm công nghiệp Trường Xuân thì số lượng heo mà ông Quyền giết mổ mỗi ngày nhiều lắm. Chất thải từ lò mổ này bốc mùi hôi hám, ruồi muỗi sinh sôi nhiều. Ngay sát cạnh nhà ông Quyền ở giữa khu dân cư có một ao tù, nước thải từ lò mổ đổ ra đây đọng lại, trời nắng gặp gió hắt lên không ai chịu thấu”.
Người dân trong khu dân cư bức xúc vì sống chung với ô nhiễm từ lò giết mổ heo của ông Quyền. |
Nhiều người dân ở đây than phiền, để đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực trung tâm thành phố, TP.Tam Kỳ đã có khu giết mổ gia súc tập trung ở Trường Xuân, ông Quyền cũng có đăng ký lên đó giết mổ nhưng vẫn lén lút đưa heo sống về lò mổ của gia đình. Ở giữa thành phố mà nhà lúc nào cũng đóng kín cửa thế này thì làm ăn sao được… Trong khi đó, đối diện lò mổ heo tại gia của ông Quyền là Trường Tiểu học Lê Văn Tám, mỗi ngày có hàng trăm học sinh đến lớp, thường xuyên chịu cảnh ô nhiễm môi trường từ lò giết mổ gia súc.
Ao nước sát lò giết mổ heo “chui” của ông Nguyễn Xuân Quyền luôn trong tình trạng ô nhiễm. Ảnh: T.NGUYỄN |
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 795 điểm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phân bố chủ yếu ở các huyện đồng bằng như Đại Lộc Thăng Bình, Núi Thành, Điện Bàn, Duy Xuyên, Phú Ninh, Quế Sơn… Ngoài 2 cơ sở giết mổ tập trung tại phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) và xã Cẩm Châu (TP.Hội An), phần lớn điểm, cơ sở còn lại chủ yếu có quy mô nhỏ (công suất giết mổ 1 - 3 con gia súc/ngày đêm), không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và ô nhiễm môi trường do hầu hết nằm rải rác trong khu dân cư. Tuy nhiên, lực lượng thú y không đủ để thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ thường xuyên do số lượng điểm, cơ sở giết mổ quá lớn. |
Ông Đoàn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường An Sơn cho biết, chính quyền phường nhiều lần tổ chức kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với lò giết mổ của ông Nguyễn Xuân Quyền, kèm theo bắt ông ký cam kết không giết mổ heo tại nhà nữa. Nhưng sau đó ông vẫn giấu giếm đưa heo sống về lò mổ tự phát của gia đình. Cũng theo ông Ngọc, khi biết ông Quyền đưa heo về nhà giết mổ, địa phương huy động lực lượng xuống bắt quả tang nhưng khi vào nhà ông Quyền để kiểm tra thì thấy họ có biểu hiện bất hợp tác. Chưa nói, ông Quyền nuôi chó rất hung dữ, không ai dám vào.
Những năm gần đây, để xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp, chính quyền TP.Tam Kỳ chủ trương đưa hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ ra ngoài khu dân cư. Ông Quyền cũng có đăng ký vào khu giết mổ tập trung tại phường Trường Xuân nhưng lợi dụng khâu kiểm tra lỏng lẻo của các ngành chức năng và địa phương, ông luôn tái diễn việc đưa heo về nhà giết mổ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn phường An Sơn bây giờ chỉ còn mỗi lò giết mổ heo trái phép của ông Quyền tồn tại. Theo lãnh đạo chính quyền phường An Sơn, thẩm quyền xử phạt hành chính của phường với trường hợp này chỉ tối đa 2 triệu đồng nên không đủ sức răn đe. Tuy nhiên, địa phương cũng đặt quyết tâm “xóa sổ” lò giết mổ trái phép của ông Quyền trong thời gian sớm nhất.
TRẦN NGUYỄN