Nỗi đau từ bom mìn còn sót lại
Mặc dù thế giới có rất nhiều nỗ lực để quét sạch bom mìn còn sót lại, nhưng hàng ngày vẫn có nhiều người thương vong, trong đó có trẻ em, vì bom mìn phát nổ.
Vào năm 2007, một ngày trên con đường đi bộ từ nhà đến trường khoảng 8km, Hasen - một cậu bé 6 tuổi của đất nước nghèo Eritrea (châu Phi), chẳng may bị mất cả đôi chân do giẫm đạp phải bom mìn còn sót lại. Đau đớn thể xác đến tột cùng, hai năm sau khi gặp nạn, Hasen năn nỉ bố mẹ cho cậu đến trường để tiếp tục học hành. Thương cho con trẻ đã sớm trở thành nạn nhân của cuộc chiến, gia đình lại quá khó khăn nên bố của Hasen hàng ngày vẫn đưa cậu đến trường, trên lưng con lạc đà mà ông thuê hàng ngày. Nhờ nỗ lực và ý chí bản thân, Hasen vừa hoàn thành cấp tiểu học. Hasen nói: “Trên lưng con lừa, với đôi chân giả đã đưa em đến trường rất nhanh. Em không còn đau, không còn trễ học nữa. Bây giờ em rất khỏe và hạnh phúc khi nhận được nhiều sự giúp đỡ. Nhưng làm ơn hãy nói với mọi người hãy chấm dứt xung đột, chiến tranh. Những quả bom mìn không phải là của các em”.
Học sinh ở Eritrea được hướng dẫn cách nhận biết và hậu quả mà bom mìn còn sót lại gây ra. (Ảnh: UNICEF) |
Trường hợp của Hasen là một trong những câu chuyện thương tâm và đau lòng của rất nhiều trẻ em ở Eritrea nói riêng và trên thế giới nói chung. Những nỗi đau tột cùng, dai dẳng và tổn thất do bom mìn gây ra cho bản thân các nạn nhân, gia đình và xã hội và cho môi trường là rất lớn. Trong đó, mỗi ngày trên thế giới có hàng trăm trẻ em tử vong và bị thương tật vĩnh viễn do bom mìn. Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc cho biết, hiện có hàng chục quốc gia và lãnh thổ còn đối mặt nghiêm trọng do bom mìn vẫn còn sót lại. Chỉ tính riêng trong năm 2013, có hơn 3.000 người là nạn nhân của bom mìn và các vật liệu nổ khác còn sót lại sau chiến tranh tại 39 quốc gia và 3 vùng lãnh thổ. Trong số đó có hơn 1.112 nạn nhân là trẻ em: với 333 em thiệt mạng và 779 em bị thương.
Nhiều tổ chức quốc tế phối hợp với chính phủ các nước tiếp tục rà soát và quét sạch bom mìn nhưng công việc này chưa thể chấm dứt trong nay mai, thậm chí kéo dài đến hàng chục năm. Bên cạnh đó, người dân ở những khu vực có nguy cơ cao do bom mìn còn sót được hướng dẫn và tư vấn về thông tin, hậu quả và cách nhận biết những vũ khí chết người này để người dân được sống an toàn hơn trong khu vực đó.
Vào ngày 4.4 vừa qua, nhân kỷ niệm 10 năm ngày quốc tế nâng cao nhận thức phòng tránh bom mìn và hỗ trợ tháo gỡ bom mìn, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon khuyến cáo rằng, nhiều người, trong đó có phụ nữ và trẻ em ở nhiều nước tiếp tục trở thành nạn nhân của bom mìn còn sót lại. Hơn nữa, hiện nay vũ khí, các thiết bị gây nổ tự chế… vẫn đang được sử dụng một cách bừa bãi trong các cuộc xung đột, bạo lực. Đây sẽ vẫn là mối đe dọa sinh mạng cũng như cuộc sống của người dân cho đến khi chúng ta có thể loại bỏ chúng.
QUỐC HƯNG