Di sản ký ức

LÊ MAI 01/04/2015 08:43

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa xuất bản tập sách ảnh “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960 - 1975”. Tập sách đã tuyển chọn nhiều tác phẩm của các họa sĩ - chiến sĩ một thời sống, chiến đấu, hoạt động trên mảnh đất Quảng Nam trong giai đoạn lịch sử ấy.

Bìa tập sách “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960 - 1975”.
Bìa tập sách “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960 - 1975”.

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp cùng họa sĩ Giang Nguyên Thái sưu tầm các ký họa của 14 họa sĩ sáng tác trên chiến trường Quảng Nam thời kỳ chống Mỹ, đây là tập tư liệu về đề tài chiến tranh cách mạng. Chịu trách nhiệm chỉ đạo biên tập và xuất bản, ông Ngô Văn Hùng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chia sẻ: “Ra mắt trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam, tập sách ảnh không những có giá trị mỹ thuật mà còn có giá trị lịch sử, tư tưởng rất lớn. Bởi nó là tư liệu, là ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù ghi lại chân thực và sinh động các hoạt động của Đảng bộ, quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà trong một giai đoạn chống Mỹ rất ác liệt”.

Một sự tri ân

Tập sách với những ký họa của các họa sĩ, ghi lại rất nhiều hình ảnh mộc mạc của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, qua đó, càng thấy rõ vai trò to lớn của người dân xứ Quảng trên quê hương “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Qua các tư liệu ảnh, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, hoạt động của các binh chủng, chiến sĩ trên các mặt trận, nhất là trong các trận đánh, chiến dịch trên đất Quảng anh hùng đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tập sách được xuất bản như một sự tri ân với quá khứ hào hùng của lớp cha, anh trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Tri ân các văn nghệ sĩ, họa sĩ, cán bộ, chiến sĩ một thời xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, đã sống, chiến đấu, hoạt động, chịu nhiều gian khổ, hy sinh làm nên đất Quảng anh hùng.

Tập sách dày 200 trang với hơn 300 ký họa, được trình bày khoa học, theo thứ tự thời gian vào Nam chiến đấu của các tác giả. Mỗi ký họa thể hiện những sắc thái tình cảm khác nhau. Mỗi lần lật giở và quan sát từng bức ký họa, tôi lại có những cảm nhận khác nhau, khi thì nhìn ký họa dưới góc độ lịch sử, lúc lại nhìn nhận dưới góc độ nghệ thuật, văn hóa. Từ những hình ảnh con người, các sự kiện lịch sử trong ký họa, tôi như cảm thấy có sự phập phồng hơi thở và mạch đập trẻ trung của trái tim người lính năm nào.

Với người họa sĩ, mỗi bức ký họa là một kỷ niệm sâu sắc. Bởi nó không những gắn với tên đất, tên người mà còn ẩn chứa những câu chuyện khác nhau về con người, số phận, dấu ấn sâu sắc về một vùng, miền họ đã từng sống, chiến đấu. Qua ký họa chiến trường, người xem không chỉ thấy được tâm trạng nhân vật, mà còn hiểu được tâm trạng người cầm bút. Thông qua ngòi bút, tay cọ của các họa sĩ với nhiều chất liệu khác nhau như màu nước, bút sắt, bút dạ, bút chì, mực nho…, những hình ảnh sống động, các sắc thái tình cảm khác nhau, tâm tư và góc nhìn, sự thăng hoa của người họa sĩ, từ nghệ thuật xử lý độ đậm nhạt, khiến cho những bức ký họa giản dị mà tinh tế, tràn đầy xúc cảm.

Tái hiện chân thực lịch sử

Không khí của cuộc kháng chiến hiện lên sinh động và chân thực, từ hình ảnh người dũng sĩ đánh tăng, bộ đội hành quân trên sông, đường Trường Sơn, trên đường ra tiền tuyến…, đến anh du kích lấy thuốc bom làm mìn tự tạo, gài mìn đánh tăng, tổ trực chiến bắn máy bay, tổ thông tin quyết tâm không để mất liên lạc… Hay hình ảnh những chiến sĩ tiểu đoàn Bà Thao trên đường gùi cõng, cuộc họp trong căn cứ Dốc Voi, những ca mổ cho thương binh dưới hầm, nhà in, nhà sàn Nước Oa… cứ như trải ra trước mắt người xem. Chân dung các đồng đội, chân dung má Chước, má Hòa, bác Chính, bác Lệnh, già làng vùng cao, các đồng chí xã đội trưởng… trở thành những hình ảnh đầy niềm xúc động.

Tác phẩm “Gặp gỡ cán bộ cách mạng ở Kỳ Sanh, Nam Tam Kỳ”, chất liệu màu nước; ký họa của nhà điêu khắc Phạm Hồng (quê Hà Nội), nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Quảng Nam.
Tác phẩm “Gặp gỡ cán bộ cách mạng ở Kỳ Sanh, Nam Tam Kỳ”, chất liệu màu nước; ký họa của nhà điêu khắc Phạm Hồng (quê Hà Nội), nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Quảng Nam.

Những bức tranh truyền tải nhiệt huyết cách mạng của một giai đoạn lịch sử, giờ đây trở thành những kỷ vật vô giá.  Nhiều nhân vật trong số các tác phẩm, cũng như rất nhiều họa sĩ, đã hy sinh trong chiến tranh, hoặc đã ra đi vì tuổi tác. Nhưng gương mặt họ trong ký họa thật kiên nghị. Họ bình dị đi qua bộn bề năm tháng. Bình dị mỉm cười khi nằm xuống. Và bây giờ, nụ cười, gương mặt họ rạng ngời trong tập sách.

Vẽ trong mưa bom, lửa đạn của quân thù là chuyện khó, giữ được những bức ký họa trong chiến tranh cũng là điều không hề đơn giản. Họa sĩ Giang Nguyên Thái kể: “Có lần đang vẽ chân dung một bà mẹ trụ bám ở Gò Nổi thì đụng giặc. Cả ba hướng đều có xe lội nước M113 kéo đến. Chúng bắn đạn như vãi cát! Đôi lúc có tiếng súng của du kích chống trả, tiếng mìn nổ dữ dội. Hẳn là xe tăng địch vấp phải mìn của ta. Chạy đến bờ sông Thu Bồn thì đạn đã bắn rát rạt sau lưng. Phải nhảy đại xuống sông... Một lần đi vẽ ở vùng B Đại Lộc, khi nghe tiếng pháo địch, mọi người nhanh chóng vào hầm trú ẩn, còn tôi không thể chui người vào được vì bị kẹt chiếc ba lô đựng đồ vẽ bên ngoài”. Có không ít bức ký họa thời chiến đã phải đánh đổi bằng máu của người họa sĩ. Trong tập sách, nhiều ký họa vẫn còn nhưng tác giả của nó mãi mãi không trở về. Những họa sĩ đã ra đi vì tuổi tác, vì sức khỏe như họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh, họa sĩ Trần Hoàng Sơn, Trần Việt Sơn… nhưng tranh của họ sẽ mãi ở lại với hậu thế.

Ký họa thời kháng chiến ở Quảng Nam đã góp phần tái hiện một cách chân thực nhất về giai đoạn lịch sử trên chiến trường Quảng Nam. Đây là minh chứng để con cháu đời sau hiểu được một thời ông cha chúng ta đã sống, chiến đấu, lao động và học tập trong muôn vàn khó khăn nhưng vẫn lạc quan, vượt lên tất cả để làm nên những chiến công hiển hách. Không đơn thuần mang ý nghĩa một tư liệu quý, “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960 - 1975” là một di sản ký ức quý giá cần được gìn giữ và phát huy giá trị…

LÊ MAI

LÊ MAI