Bàn chuyện… trở trời
Không ai ngờ được cuối tháng 3 Quảng Nam lại bị lũ lụt. Mà chuyện rất lạ, sau đợt nắng nóng kéo dài, tiếp mấy ngày mưa, là lụt tới liền. Thiệt hại của bà con nông dân ở nhiều vùng khá lớn, do lũ làm hư thối dưa hấu, rau màu trên biền bãi và lúa ở ruộng trũng đang kỳ trổ bông… Vấn đề đặt ra là không thể chỉ “ngửa mặt kêu trời” vì trời có giúp được gì đâu.
Câu chuyện sẽ cần những nhà quan trắc khí tượng, các nhà khoa học, các nhà quản lý và người sản xuất cùng phân tích, mổ xẻ, suy nghĩ, tìm tòi để có giải pháp ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan này.
Ai cũng biết biến đổi khí hậu đang ngày một tác động rất rõ đến sản xuất và đời sống. Hiện tượng nắng cháy da, mưa thối đất; tiếp theo khô hạn là lũ lụt ngay, sẽ tiếp tục gây bất ổn dân sinh trầm trọng và là thách thức của hành trình phát triển bền vững. Nắng mưa trở nên bất thường, hạn hán, bão lũ, sóng thần xuất hiện với cường độ dữ dội hơn, bất ngờ hơn. Tác động của biến đổi khí hậu không chừa một quốc gia hay vùng đất nào. Nước biển dâng và lũ lụt gây sạt lở cửa biển ở nhiều vùng duyên hải trong đó có Quảng Nam. Nguy cơ đồng bằng sông Cửu Long bị đe dọa vì nước biển dâng, triều cường thì đã rõ. Nam Bộ không có bão chỉ còn là câu chuyện xưa cũ. Bão, lụt, hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn và động đất,… đều là những hiện tượng thiên tai, đang ngày một gia tăng tần suất và cường độ.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiên tai ngày khốc liệt có yếu tố do biến đổi khí hậu nhưng cũng có phần do tác động của con người gây ra. Vì thế chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, gắn với việc thay đổi nhận thức, hành vi, quản lý bảo vệ môi trường sinh thái nghiêm ngặt… đang là vấn đề hệ trọng cho phát triển bền vững. Đồng thời cần phải tổ chức sản xuất theo mô hình thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai cần rất nhiều tiền vì dường như ở đâu cũng bức xúc, tỉnh nào cũng đưa ra công trình cần đầu tư. (Toàn quốc có khoảng 500 dự án được đề nghị, tuy nhiên danh mục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ còn 62 công trình, dự án, cần nguồn vốn đến 20 nghìn tỷ đồng. Hai năm qua 2013 - 2014, chỉ có 16 công trình, dự án đã được triển khai, với số vốn gần 1 nghìn tỷ đồng).
Trong khi đó, chuyện “trời trở chứng” ngày một dữ dội hơn.
Vì thế làm thế nào để tạo sinh kế bền vững cho người dân, nhất là đối tượng dễ tổn thương trong sản xuất nông nghiệp, đang đặt ra bức thiết. Với vùng đất Quảng Nam vốn thường chịu thiên tai khắc nghiệt, đây cũng là câu chuyện phải giải quyết song hành với mục tiêu phát triển thành tỉnh công nghiệp. Ở cái điểm giữa của “chiếc đòn gánh” Việt Nam, Quảng Nam luôn trong thế đi gập ghềnh bên núi và biển. Phía đông, với các dự án, công trình hạ tầng lớn đang và sẽ triển khai, có tác động không nhỏ đến sinh thái vùng bờ, với hệ sinh thái Trường Giang và khu dự trữ sinh quyển từ Cửa Đại đến Cù Lao Chàm. Phía tây, các nhà máy thủy điện đã tạo ra áp lực về thay đổi dòng chảy, tác động mạnh sinh khối rừng. Đi trong thế như vậy, yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, tổ chức sản xuất theo mô hình thích ứng biến đổi khí hậu là bài toán luôn phải đặt ra bên cạnh các dự án đang và sẽ thực thi. Vấn đề quan trọng nữa, trước mắt là con đường thoát lũ từ tây – đông, đang có những “điểm nghẽn” cần phải tháo gỡ. Chẳng hạn, vùng đầu nguồn cần giữ rừng để chắn “nước trút ống”; hạ lưu cần tính toán nạo vét các dòng sông và mở những cống thoát với khẩu độ lớn qua các tuyến quốc lộ, cao tốc… để lũ thoát nhanh.
ĐĂNG QUANG