Kinh tế châu Á đang trỗi dậy
Bất chấp sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) vẫn tăng trưởng ở mức cao, thúc đẩy tăng trưởng của châu lục.
Các công nhân xây dựng ở Campuchia- nơi dự báo tăng trưởng 7,5% năm 2015. (Ảnh: Reuters) |
Trên đây là đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo “Triển vọng kinh tế châu Á năm 2015” vừa được công bố. Châu lục này sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ tăng trưởng 6,3% trong năm 2015 và năm 2016. Một điểm đáng chú ý trong báo cáo năm nay là nền kinh tế lớn của khu vực là Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng với dự báo ở mức 7% năm 2015.
Dẫu vậy, với đà tăng trưởng như hiện nay, kinh tế châu Á được dự báo phát triển vững chắc trong giai đoạn 2015-2016. Kể từ mức đáy cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009, châu Á đang phát triển đóng góp 2,3 điểm % vào tăng trưởng GDP toàn cầu, tương đương gần 60% tốc độ tăng trưởng 4%/năm của kinh tế thế giới. Kinh tế Trưởng của ADB, ông Shang Jin-Wei nói, bên cạnh những tiến bộ đạt được trong chính sách phát triển của nhiều nước trong khu vực, áp lực lạm phát thấp, châu Á đang hưởng lợi từ việc giá dầu giảm mạnh nên nhiều nước trong khu vực như Ấn Độ và Indonesia cắt giảm trợ giá dầu, cải thiện thành tích tài chính và ngân sách và mở đường cho việc chi tiêu nhiều hơn vào các dịch vụ xã hội. Sự phục hồi ấn tượng của các nền công nghiệp như Mỹ, Anh kích thích tăng trưởng kinh tế châu Á.
Kinh tế Ấn Độ dự báo sẽ tăng trưởng 7,8% trong năm tài khóa 2015 trước khi tiếp tục tăng lên 8,2% trong năm tài khóa 2016. Thậm chí, Ấn Độ được cho là sẽ vượt Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng, nhờ những nỗ lực cải cách cơ cấu ban đầu của chính phủ nước này đã lấy lại được lòng tin của các nhà đầu tư. GDP chung của 10 nước ASEAN dự báo tăng trưởng 4,9% trong năm 2015 và 5,3% trong năm 2016 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Indonesia và Thái Lan. Đây được xem là bước khởi đầu ấn tượng khi Cộng đồng kinh tế ASEAN, theo lộ trình, chính thức ra mắt vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, ADB cảnh báo rằng nền kinh tế châu Á vẫn có thể gặp nhiều yếu tố rủi ro như việc giá dầu tăng trở lại có thể làm đảo lộn triển vọng tăng trưởng của khu vực. Hay một mối quan ngại khác là khả năng lãi suất ở Mỹ có thể tăng trong thời gian tới khiến các quỹ đầu tư bị rút ra khỏi châu Á và gây bất ổn cho các thị trường tài chính. Ngoài ra, châu Á có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Cũng từ năm 2009 đến 2013, các khoản vay ngân hàng và trái phiếu tăng nhanh ở 14 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất châu Á đã làm cho số nợ trong nước tăng gần gấp đôi, từ 18.300 tỷ USD lên 34.100 tỷ USD. Chính điều này đang mang lại rủi ro khủng hoảng tài chính cho nền kinh tế châu lục.
QUỐC HƯNG