Đổi thay vạn chài
Nghề vạn chài đã biến đổi nhiều theo thời gian, song ký ức, những giá trị văn hóa - đời sống của cư dân vùng sông nước bên dòng Vu Gia - Thu Bồn vẫn là nét đẹp của xứ Quảng.
Diện mạo mới
Vạn chài Tĩnh Yên (nay thuộc đội 11, thôn Tĩnh Yên, Duy Thu, Duy Xuyên), một xóm chài nằm ven sông Thu như được hồi sinh kể từ khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đất đai, nhà ở. Nếu trước, một góc bến sông nhỏ từng là nơi quần cư của hàng trăm hộ dân với cảnh nhà cửa sít sát, chen chúc và không gian sống chật chội, ô nhiễm môi trường thì giờ đây, tình trạng đó đã được cải thiện qua mấy đợt giãn dân của xã Duy Thu. Như đợt giãn dân gần đây nhất cuối năm 2014, có đến hàng chục hộ dân vạn chài được cấp đất ở, hỗ trợ tiền làm nhà, khiến niềm phấn khởi tràn ngập xóm nhỏ. Ông Phạm Văn Câu (75 tuổi), một ngư phủ có hơn 40 năm hành nghề ở làng chài chia sẻ: Suốt mấy chục năm ròng rã, đời sống vạn chài lao đao muôn phần. Thời trước giải phóng, dân vạn chài từng bị đối xử, phân biệt với cư dân sống trên bờ, việc lên bờ đã khó, huống gì nói đến việc kiếm miếng đất để cắm dùi. Thế là cả đại gia đình, vợ chồng và 12 đứa con quây quần trên chiếc ghe, vừa là phương tiện mưu sinh, cũng là nơi tránh mưa nắng. Quần quật mưu sinh, ngược xuôi đánh bắt trên sông nước vẫn khó kiếm đủ miếng cơm manh áo cho bầy con.
Ghe thuyền neo đậu nơi bến chài Tĩnh Yên (Duy Thu, Duy Xuyên).Ảnh: Hoàng Liên |
Hiện, phần lớn vạn chài ở Tĩnh Yên đã lên bờ, mưu sinh bằng nhiều việc khác, chỉ còn hơn 20 hộ bám trụ với nghề. “Có nhiều nguyên do, quan trọng là con tôm, con cá từ sông đã giảm đi nhiều rồi. Hồi trước, chỉ cần đánh bắt một chặp là được 5 - 7 ký cá tôm đủ loại, nay cả ngày chưa được như vậy”- ông Phạm Văn Câu lý giải. Ở Tĩnh Yên, những vạn chài bám trụ với nghề như ông Câu phần lớn thuộc lớp người lớn tuổi, trong khi người trẻ lại đầu tư vốn liếng nâng cấp ghe thuyền nhưng không phải phục vụ đánh bắt mà chủ yếu là khai thác cát sạn hoặc vận chuyển hàng hóa trên sông. Những ngày này, không khí sinh hoạt nơi xóm chài bắt đầu sôi động trở lại. Nhiều ghe thuyền neo đậu đang được sửa sang, chuẩn bị cho những chuyến lênh đênh trên sông nước. Như đã thành lệ, làng cũng vừa cúng tổ, cúng cầu an xong, ai nấy đều có thể yên tâm hành nghề trên sông nước. “Vợ chồng tôi tuổi đã cao, con cái đã yên bề gia thất, kinh tế ổn định, mưu sinh trên sông nước kiếm miếng ăn không còn là gánh nặng đối với hai thân già. Song có cái gì đó dường như là niềm vui tuổi già khiến chúng tôi không sao dứt bỏ được nghiệp sông nước” - ông Câu nói.
Cũng như đi khắp đầu thôn cuối xóm tổ 7, thôn Phiếm Ái 2, Đại Nghĩa (Đại Lộc) ngày nay, đời sống vạn chài đã khấm khá hơn rất nhiều. Tổ có 34 hộ sinh sống thì hiện 30 hộ vẫn còn giữ nghề, song bên cạnh nghề chài lưới trên sông, họ còn tranh thủ làm thêm nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Ai cũng có nơi định cư an toàn lúc mưa bão về, các em nhỏ được học hành tới nơi tới chốn, đường làng, cổng ngõ được bê tông sáng sủa. Trải gần 50 năm trong nghề, từng chứng kiến những thăng trầm, đổi thay của làng chài, có lẽ cụ Võ Một (85 tuổi) vui hơn ai hết. Nhấp ngụm trà nóng, cụ hồ hởi: “Đã qua rồi cái thời khó khăn phải quần quật kiếm miếng ăn, đời sống tiến bộ, những vạn chài như chúng tôi vui mừng, phấn khởi lắm. Chúng tôi cũng mong nguồn lợi thủy sản đừng bị xâm hại, tận diệt và xóm chài cần được quy hoạch để lưu giữ dấu tích thời khai mở”.
Lưu luyến nghề xưa
Những xóm chài ven sông dù gì cũng góp phần làm nên nét đặc trưng của cư dân vùng sông nước Vu Gia - Thu Bồn. Song giờ đây, trước đời sống mới, những xóm vạn chài cũng dần thay da đổi thịt, và tất nhiên, cũng có lắm người đã chuyển nghề. Người già bám nghề, vừa là mưu sinh, vừa như muốn níu giữ nghề cha ông từng nuôi sống bao thế hệ. Với vợ chồng ông Câu, ở tuổi thất thập cổ lai hy mà vẫn còn có sức khỏe đánh bắt trên sông nước, kiếm con cá, con tôm thì thú vị lắm. Mỗi lần quăng lưới, giăng câu, kéo lưới lên nghe nặng trịch nào cá mòi sông, cá dền, cá cầy, cá ngạnh… mắc lưới, giẫy đành đạch, hay đêm nghe tiếng cá quẫy trên sông, lòng nghe hồi hộp. Ông Câu nhớ rõ từng khúc sông Thu Bồn từ Tĩnh Yên lên Hiệp Đức, chỗ nào cá nhiều, chỗ nào sâu, chỗ nào cạn nước, hay chỗ nào có hang hốc, cá tụ vào đó trú ẩn, rồi ban đêm lần ra ăn. Ngày trước, mỗi lần đi đánh bắt, ông thường đi theo đoàn ghe 5 - 10 chiếc, từ bến chài Tĩnh Yên xuất phát lên tới Nông Sơn, qua tận Trà Linh (Hiệp Đức), bắt được ở đâu, bán ở đó. Những chợ Trung Phước, chợ Thơm, chợ Khánh Bình, chợ Bến Dầu, Phú Thuận… đã quá quen thuộc. Những rổ cá to vừa đánh bắt từ sông, cá còn giẫy đành đạch được bà con xúm lại mua rất đông, bởi cá sông tươi, ngọt, lại không chất bảo quản.
Do hành nghề sông nước nên dân vạn chài ai nấy mang nặng tín ngưỡng văn hóa tâm linh sông nước. Hằng năm, trước khi khởi hành chuyến đánh bắt đầu năm, cả làng đều làm lễ cúng tổ nghề, cúng cầu an, xong xuôi ai nấy mới bắt đầu công việc thường ngày. Lễ cúng tổ nghề, cúng thần diễn ra long trọng trên khúc sông Thu vào mùng 10 tháng Giêng hằng năm. Ở trên bờ cúng ông thần, dưới sông cúng bà thủy. Người già khăn đóng áo dài chỉnh tề, đặc biệt người đứng chánh bái như ông Câu đầu quấn khăn màu đen, vận áo dài đỏ, đội mũ đỏ. Bàn thờ trên bờ cúng thần, dưới bãi cát hướng về sông mẹ đặt bàn thờ có lọng che vọng về sông, cùng mâm hoa quả, hương đèn, nổ nẻ, trà phẩm, con gà luộc, 3 lạng thịt nướng… Những người dân chài Tĩnh Yên quan niệm, đó là nghi lễ tri ân tổ nghề, tri ân sông mẹ đã ban nhiều cá tôm nuôi sống bao thế hệ vạn chài.
HOÀNG LIÊN - HOÀNG YÊN