Đất Quảng tri ân
Dài hơn 40 năm, vững chắc hơn một tượng đài, sâu hơn những phong trào, chính sách… là tấm lòng tri ân của các thế hệ người dân Quảng Nam với lớp cha, anh đã ngã xuống cho độc lập - tự do, cho hòa bình xứ sở…
Hai công trình - một điểm đến
Chính thức khánh thành vào 24.3, quần thể khu Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, nhưng từ hơn 2 tháng trước, người dân khắp nơi đã đến tri ân bằng cả tấm lòng…
Về bên Mẹ
Không ngày nào khu Tượng đài Mẹ VNAH thưa người. Chân dung Mẹ uy nghi giữa đỉnh núi Cấm (Tam Phú, TP.Tam Kỳ). Mẹ hiền từ đứng đó nhìn cảnh đất nước thanh bình, lớp lớp cháu con về với Mẹ từng ngày để tưởng nhớ, tri ân những người Mẹ VNAH.
Những hàng bia mộ khang trang trong Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. |
Nghe thông tin Tượng đài Mẹ VNAH được xây dựng xong, mẹ liệt sĩ Võ Thị Hường (86 tuổi, xã Tiên Lộc, Tiên Phước) bắt con cháu chở bà đến tận nơi để được một lần thỏa ước mong. Đứng trước Tượng Mẹ uy nghiêm, bà Hường ngắm mãi không muốn rời mắt. “Tôi cũng là người mẹ có con hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ quê hương, nên tôi hiểu sự chịu đựng, hy sinh vô bờ bến của những người mẹ. Một lần đến đây để ngắm chân dung người Mẹ VNAH hiền từ, bao dung là mơ ước của tôi, bởi từ lúc nghe nói đến việc xây tượng đài, tôi đã già rồi, không biết có còn sống tới ngày Tượng đài Mẹ được xây xong. May sao, hôm nay tôi vẫn còn đây để một lần được ngắm rồi chết cũng thỏa lòng”. Trong những ngày Tượng đài Mẹ VNAH sắp khánh thành, có rất nhiều những đoàn người đi theo hành trình du lịch định sẵn, hoặc đi theo đoàn tự phát, những bạn trẻ đi bằng xe máy đến tham quan, viếng hương. Từ Đà Nẵng, đôi bạn trẻ Nguyễn Hiếu và Mai Khánh Hiền chở nhau bằng xe máy đến thăm Tượng đài Mẹ. Hiếu tâm sự: “Nếu không có những bà mẹ, làm sao có những anh hùng, làm sao có được những chiến công đưa đất nước đến ngày toàn thắng. Quả thực nhiều thông tin liên quan đến Tượng đài Mẹ VNAH tôi vẫn đọc, vẫn thấy hằng ngày trên internet, nhưng phải đến một lần thì mới cảm nhận hết. Nhìn chân dung Mẹ không khác gì ngoài đời thực. Xúc động lắm!”.
Các đoàn đến viếng thăm khu Tượng đài Mẹ VNAH không chỉ ở các huyện trong tỉnh, mà đã xuất hiện rất đông các đoàn lữ hành. Chị Lê Kiều Ly, một hướng dẫn viên du lịch đến từ tỉnh Bình Định, cho hay: “Đến thời điểm này, các công ty du lịch dù chưa chính thức nhưng đã giới thiệu khu Tượng đài Mẹ VNAH thành một điểm đến trong hành trình du lịch tâm linh đối với du khách”. Trong đoàn khách Bình Định hôm ấy, ông Cao Thái Viết dẫn theo cả gia đình, ông nói: “Có một nơi để giáo dục truyền thống cho con cháu thế này rất đáng quý! Mấy đứa cháu tôi cứ trầm trồ mãi, trên đường đến đây tôi đã kể cho chúng nghe về mẹ Thứ, là nguyên mẫu của tượng đài này. Nghe xong, chúng háo hức lắm, mong cho mau tới nơi để được nhìn Tượng đài Mẹ”.
Nghìn đời ghi nhớ
Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) tỉnh - nơi các anh nằm giờ đây đã thành một điểm đến vô cùng ý nghĩa. Với một tỉnh có đến 22% dân số là người có công, trong đó có hơn 65 nghìn liệt sĩ, một NTLS cấp tỉnh là mong mỏi không chỉ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ mà còn là của nhân dân. Sau 40 năm giải phóng, cuối cùng một NTLS tỉnh đã được xây dựng ở một địa thế vô cùng đẹp, khớp nối với quần thể khu Tượng đài Mẹ VNAH, được triển khai đầu tư đồng bộ tạo thành quần thể kiến trúc liên hoàn, có quy mô hoành tráng, vĩnh cửu và đạt trình độ kiến trúc, mỹ thuật cao. Đây là hai công trình vừa có ý nghĩa tri ân, giáo dục sâu sắc về lịch sử cho mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời là điểm danh thắng, kiến trúc văn hóa đặc sắc phục vụ nhân dân và du khách.
Khuôn viên NTLS tỉnh được xây dựng đầy đủ hạng mục gồm đài tưởng niệm, sân hành lễ, tường rào, sân đường nội bộ, nhà đặt chuông, trống, chòi nghỉ, hệ thống điện, chiếu sáng, cổng chính, và hoa viên với các lại cây xanh, hoa cỏ. NTLS tỉnh được đầu tư theo hướng nghĩa trang công viên, nhằm tạo thành một khối liên hoàn cùng với khu Tượng đài Mẹ VNAH, thành một điểm đến tâm linh, một điểm du lịch ấn tượng của Việt Nam.
Ấm chỗ anh nằm
Một công việc rất lặng lẽ nhưng chưa bao giờ bị quên lãng trong suốt 40 năm qua của nhân dân Quảng Nam là chăm sóc mộ phần ở các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS)…
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viếng hương tại nghĩa trang và thắp hương các phần mộ liệt sĩ tại Quảng Nam trong năm 2014. |
NTLS Điện Bàn cây xanh rợp mát. Trong lối đi giữa những hàng mộ, chị Nguyễn Thị Nhỏ đang cặm cụi nhổ từng cây cỏ mọc chen ngang lối đi và mọc trên các mộ phần liệt sĩ. Lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán sau hơn nửa buổi làm việc, chị Nhỏ cười nói: “Tôi làm việc ở đây gần 10 năm. Công việc của tôi là phải giữ cho khuôn viên nghĩa trang sạch đẹp, các phần mộ không bị cây cỏ mọc lên làm mất mỹ quan. Cả đội có 5 người chăm sóc nghĩa trang, thay phiên nhau làm việc liên tục, đảm bảo làm sao cho NTLS luôn sạch sẽ, khang trang”. Theo chị Nhỏ, ngày nào NTLS huyện Điện Bàn cũng có người tới thăm viếng mộ, đông nhất là vào cuối tuần, vì thế phần mộ của các anh hùng liệt sĩ luôn ấm khói hương. Với người dân xung quanh, NTLS trở thành công viên, người dân thường xuyên đến thăm viếng, tản bộ ở khuôn viên phía trước khu mộ phần bởi khung cảnh xanh mát, trong lành. NTLS huyện Điện Bàn được như hôm nay chính là nhờ sự tài trợ hơn 6 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, giúp cho huyện Điện Bàn có thêm nguồn lực đầu tư một công viên nghĩa trang đúng như mong muốn. Ông Trần Văn Chiến - Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: “Các NTLS được tôn tạo với đầy đủ hạng mục tường rào, nhà bia, cổng ngõ. Đặc biệt, các địa phương rất chú trọng việc trang trí thêm hệ thống điện chiếu sáng trong NTLS, đồng thời huy động nhân dân, các đoàn thể trồng cây xanh, tạo lối đi, hệ thống thoát nước nhằm đảm bảo cho NTLS luôn sạch và xanh. Khi có bóng cây xanh mát, NTLS không còn là nơi lạnh lẽo chỉ toàn những nấm mộ bê tông, mà trở thành một “mái nhà” của các anh hùng liệt sĩ, nơi không chỉ thân nhân liệt sĩ mà tất cả người dân đều lui tới thường xuyên để viếng thăm các anh”. Toàn tỉnh hiện có 130 NTLS từ tỉnh đến huyện, xã, và 6 đền thờ, khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ cấp huyện. Đặc biệt những năm gần đây, công tác xã hội hóa đối với việc xây dựng, tôn tạo các NTLS, đền thờ, nhà bia ghi danh anh hùng liệt sĩ rất được quan tâm. Hầu như địa phương nào có điều kiện kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng đều cố gắng tối đa trong huy động nguồn lực để thực hiện. Như ở xã Điện Quang (Điện Bàn), NTLS xã mới được nâng cấp hạng mục tường rào, cổng ngõ, 2 nhà bia ghi danh anh hùng liệt sĩ, làm mới phù điêu trong NTLS, tất cả đều bằng nguồn kinh phí xã hội hóa gần 3 tỷ đồng, huy động từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tại Quảng Nam, và sự giúp đỡ của TP.Đà Nẵng.
Chị Nguyễn Thị Nhỏ từng ngày vẫn cặm cụi chăm sóc các phần mộ trong nghĩa trang. Ảnh: D.LỆ |
Hoặc như đối với công trình Nhà bia ghi danh anh hùng liệt sĩ đang được xây dựng ở xã Điện Thắng Nam (Điện Bàn), lãnh đạo xã quyết tâm xây dựng công trình này từ nguồn xã hội hóa, cùng với việc xin thêm kinh phí từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, huyện. Ông Hà Đức Dũng - Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Nam, cho biết: “Điện Thắng Nam ở gần NTLS huyện nên tất cả anh hùng liệt sĩ của xã đều nằm ở NTLS huyện. Vì thế mà ở xã khi muốn cho học sinh đến một nơi nào đó để giáo dục truyền thống thì chỉ còn cách đưa lên huyện. Chủ trương của tỉnh là nơi nào chưa có NTLS thì xây dựng nhà bia tưởng niệm, nhưng kinh phí còn khó khăn thì xã cố gắng kêu gọi, vận động xây dựng Nhà bia tưởng niệm để có được một nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau này”.
Ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH bày tỏ nỗi băn khoăn: “Ngoài việc chăm lo tôn tạo, nâng cấp các NTLS, nhà bia, đền đài tưởng niệm thì việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ đều được các địa phương chú trọng. Đây cũng là nỗi băn khoăn lớn nhất của những người làm công tác thương binh liệt sĩ, của những đồng chí đồng đội còn có người nằm lại một nơi nào đó trong chiến trường xưa. Quảng Nam là chiến trường ác liệt của miền Trung nên những liệt sĩ còn nằm lại chiến trường, chưa tìm ra được để đưa vào các NTLS còn khá nhiều, dù đã có nhiều cố gắng tìm kiếm”.
Nghĩa vụ thiêng liêng
Tròn 40 năm, công tác chăm sóc, phụng dưỡng người có công (NCC) đã trở thành một nghĩa vụ thiêng liêng.
“Nàng dâu” hiếu thảo
Năm nay đã 101 tuổi, Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Trần Thị Tàu (thôn Thanh Vân, xã Đại Cường, Đại Lộc) đau ốm thường xuyên nên chỉ nằm một chỗ. Mẹ Tàu không còn ai thân thích, sống đơn chiếc, nhưng chỗ nằm của mẹ lúc nào cũng tươm tất, sạch sẽ. Tất cả là nhờ một tay “nàng dâu” Hứa Thị Liễu. Tính ra đã gần 20 năm chị Liễu nhận chăm sóc mẹ Tàu. Nhà chị Liễu sát vách nhà mẹ Tàu, sớm hôm cơm bưng nước rót. Mấy năm gần đây, mẹ Tàu nằm một chỗ, chị Liễu phải túc trực ở nhà mẹ để tiện bề chăm sóc. Lúc chị bận công việc thì con cái chị thay phiên nhau chăm sóc, riêng phần lo bữa ăn, phải chính tay “nàng dâu” này làm. Bởi chỉ có chị Liễu mới biết cách bón cho mẹ từng thìa cơm, muỗng cháo. Chị Liễu tâm sự: “Người già, đau ốm thường xuyên nên tính tình khó chịu, mình phải hiểu và chăm sóc đúng cách thì họ sẽ vui vẻ và sống lâu thêm”.
Một “Nàng dâu hiếu thảo” của Hội LHPN huyện Đại Lộc chăm sóc cho Bà mẹ VNAH. |
Cũng ở thôn Thanh Vân này, “nàng dâu” Nguyễn Thị Sáu toàn tâm toàn ý lo cho Bà mẹ VNAH Lê Thị Liễu (90 tuổi) đến từng miếng ăn, giấc ngủ. Không chỉ chị Sáu, mà chồng con của chị hết sức ủng hộ, những lúc chị lo đi làm đồng thì ở nhà có chồng con giúp chị chăm cho mẹ. Mẹ Liễu dù ngồi một chỗ nhưng vẫn còn rất minh mẫn, mẹ tấm tắc khen: “Không có con Sáu, mẹ chưa chắc sống được đến hôm nay đâu. Chỉ có nó mới hiểu mẹ, không bao giờ làm mẹ buồn lòng. Mẹ nằm, ngồi cũng trên cái giường này, từ ăn uống, tắm rửa, giặt giũ đến vệ sinh cá nhân của mẹ nó lo chu đáo hết. Thôi thì mẹ không còn con nhưng bù lại mẹ có đứa con dâu này, cũng là an ủi tuổi già rồi”.
Xã hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt dành cho người có công. Ảnh: D.LỆ |
Phong trào “Nàng dâu hiếu thảo” được phát động ở Đại Lộc từ 15 năm nay, được Hội LHPN các xã đặc biệt hưởng ứng, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các Bà mẹ VNAH hay gia đình chính sách neo đơn. Ông Mai Văn Anh - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, cho hay: “Hơn 15 năm nay, các chị vẫn làm những công việc thầm lặng như thế, không có bất cứ chế độ hỗ trợ nào, có chăng chỉ là động viên, thăm hỏi. Từ khi Pháp lệnh NCC mở rộng, năm 2014 các chị mới có được chế độ người phục vụ, dù không đáng bao nhiêu nhưng cũng là niềm động viên các chị làm tốt hơn việc mà họ đã tự nguyện làm bao năm qua”.
Uống nước nhớ nguồn
Sau giải phóng, Quảng Nam là một tỉnh nghèo nhưng lại có đông NCC nhất cả nước, 22% dân số là NCC, trong đó có hơn 265 nghìn Bà mẹ VNAH, thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh, NCC giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, bị nhiễm chất độc hóa học… Đối với chính sách dành cho NCC, lúc nào cũng được Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu, bởi có thực hiện tốt chính sách này thì mới có thể đảm bảo được nhiệm vụ an sinh xã hội. Điều đó thể hiện qua việc kịp thời thực hiện xác nhận, giải quyết chế độ trợ cấp cho NCC hơn 1.200 tỷ đồng mỗi năm, giúp họ yên tâm sống và làm việc, cống hiến cho xã hội, noi gương cho thế hệ trẻ.
Ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Việc chăm sóc NCC đã từng bước được xã hội hóa với nhiều phong trào sâu rộng có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân đối với NCC, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Đến nay, có 97,28% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. Từ khi có Quỹ đền ơn đáp nghĩa, các đơn vị và cá nhân hưởng ứng rất tích cực, trong những năm qua đã vận động hơn 88 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách; hỗ trợ thân nhân chủ yếu của liệt sĩ, thăm viếng mộ liệt sĩ; thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ khám chữa bệnh”. Ngoài ra, cuộc vận động tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cũng được các ngành, địa phương, đơn vị hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn tỉnh đã vận động hơn 12.300 sổ tiết kiệm tình nghĩa, với tổng trị giá trên 9,6 tỷ đồng tặng cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 1976 đến nay, đã có hơn 46 nghìn trường hợp NCC được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở từ nhiều nguồn ngân sách và nguồn vận động, giúp NCC an cư, ổn định cuộc sống.
Chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của NCC qua những đợt điều dưỡng tập trung, điều dưỡng tại gia đã được thực hiện đảm bảo. Ông Tôn Thất Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC tỉnh, thông tin: “Trong những năm gần đây, mỗi năm toàn tỉnh tổ chức điều dưỡng cho gần 20 nghìn lượt NCC, trong đó điều dưỡng tập trung tại trung tâm mỗi năm hơn 2,5 nghìn lượt người, góp phần chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần cho người có công. Ngoài việc chăm sóc về thể chất, việc tổ chức cho người có công tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh được tổ chức trong các đợt điều dưỡng, đồng thời các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng thường xuyên được đổi mới, giúp NCC khi đi điều dưỡng cảm thấy khỏe hơn và vui hơn. Những NCC đơn thân được nuôi dưỡng tại trung tâm luôn được chăm sóc tốt về sức khỏe, tinh thần, để trung tâm là mái nhà chung của NCC”.
DIỄM LỆ