Cuộc hội ngộ và bài học từ lịch sử

VINH ANH 23/03/2015 08:45

Trong chiến tranh chống Mỹ, có những con người đã kiên trì đấu tranh với kẻ thù không phải bằng súng đạn mà chỉ dựa vào sức mạnh tinh thần cùng ý chí và tình yêu son sắt với Đảng, với cách mạng…

Hội ngộ

Trong không khí hân hoan chào mừng 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam, Tỉnh ủy, UBND và Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt những cán bộ Ban Dân vận, Ban Đấu tranh chính trị và Ban Binh địch vận thời kỳ chống Mỹ - những con người đã cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân cho cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng tỉnh Quảng Nam. Để tri ân công lao to lớn ấy, Quảng Nam tổ chức buổi gặp mặt vào ngày 18.3, nhằm ôn lại những năm tháng hào hùng, anh dũng đấu tranh của đội ngũ làm công tác dân vận, đấu tranh chính trị và binh địch vận… Dù buổi gặp mặt dự kiến diễn ra lúc 8 giờ vì điều kiện nhiều đại biểu ở xa, nhưng mới hơn 7 giờ sáng, gần như mọi người đã có mặt đầy đủ. Mỗi người một nơi, có nhiều người ở tận Đà Nẵng, số còn lại sống ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Năm năm mới có một lần gặp gỡ như thế, nên khi gặp lại nhau, những đồng chí, đồng đội năm xưa đã ôm chầm lấy nhau không kìm được nước mắt. Phần lớn trong số họ đều đã lớn tuổi, tóc bạc da mồi, nhiều người trí nhớ không còn minh mẫn, sức khỏe cũng yếu đi nhiều. Nhưng những khuôn mặt của đồng đội, đồng chí dường như vẫn in đậm trong tâm trí khiến ai cũng cố đưa mắt, ngó nhìn xung quanh để tìm lại những đồng chí vì đã lâu rồi mới lại được gặp nhau. Trong những cái ôm, những lời hỏi thăm nhau, họ lại nghẹn ngào khi nghe tin nhiều đồng đội đã qua đời vì ốm đau, bệnh tật và tuổi già…

Những đồng chí, đồng đội năm xưa chụp hình lưu niệm tại buổi gặp mặt. Ảnh: VINH ANH
Những đồng chí, đồng đội năm xưa chụp hình lưu niệm tại buổi gặp mặt. Ảnh: VINH ANH

Năm nay 75 tuổi, đôi mắt không còn sáng như lúc trẻ nhưng bà Huỳnh Thị Kim Xuân, quê ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành (đang sống ở TP.Đà Nẵng) vẫn cố nhìn cho thật rõ từng người một để tìm đồng đội cũ. Đến lúc buổi lễ diễn ra, bà cũng nhìn xuôi, nhìn ngược trong hội trường xem còn ai mình chưa thấy. Bà Xuân bảo: “Nhiều lắm, thời chiến đấu, đồng đội, anh em nhiều nhưng lâu rồi không được gặp lại nên không biết ai còn ai mất. Giờ gặp được đồng chí, đồng đội là mừng lắm”. Cùng tâm trạng, ông Đỗ Thế Vĩnh (SN 1937, quê Núi Thành), nguyên Phó Trưởng ban Binh địch vận Quảng Nam (1969 - 1975), xúc động nói: “Hôm nay được gặp lại đồng đội cũ còn hơn cả gặp những người thân ruột thịt lâu ngày. Trong số họ có nhiều người vẫn còn khỏe mạnh, rồi nghe kể còn có con, cháu đầy đàn, học hành thành đạt, cả chuyện họ được giải quyết chế độ chính sách nữa… Tôi không còn gì mừng hơn!”.

Giây phút gặp lại đồng đội cũ của những cán bộ dân vận, đấu tranh chính trị và binh địch vận thời chống Mỹ. Ảnh: VINH ANH
Giây phút gặp lại đồng đội cũ của những cán bộ dân vận, đấu tranh chính trị và binh địch vận thời chống Mỹ. Ảnh: VINH ANH

Mỗi người dân là viên ngọc

Phẩm chất kiên trung
Nguyên là Trưởng ban Đấu tranh chính trị huyện Nam Tam Kỳ (Núi Thành ngày nay) thời kỳ 1966 - 1973, có thể nói bà Huỳnh Thị Kim Xuân là đại diện cho sự gan dạ, dũng cảm của lớp lớp chị em phụ nữ Quảng Nam thời kỳ chống Mỹ. Sinh ra trong gia đình cách mạng, cha là đảng viên ưu tú, năm 15 tuổi, bà Xuân tham gia làm công tác giao liên, chuyển thư từ, tài liệu, chèo thuyền đưa cán bộ qua sông. Quê bà ở Tam Giang (Núi Thành), lúc trước gọi là xã Kỳ Xuân - một trong những địa bàn cuộc chiến diễn ra ác liệt.
Bà Huỳnh Thị Kim Xuân (ngoài cùng bên phải) cùng các chị em đồng đội cũ ôn lại kỷ niệm chiến đấu. Ảnh: VINH ANH
Bà Huỳnh Thị Kim Xuân (ngoài cùng bên phải) cùng các chị em đồng đội cũ ôn lại kỷ niệm chiến đấu. Ảnh: VINH ANH
Ngoài nhiệm vụ giao liên, chuyển thư từ, tài liệu, bà còn lãnh đạo “đội quân tóc dài” trong xã tham gia biểu tình, đấu tranh chống bọn ác ôn cướp bóc, giết người. Với phẩm chất kiên trung, anh dũng, gan dạ, bà được tổ chức kết nạp vào Đảng năm 1965. Đến năm 1966, bà được phân công phụ trách Ban Đấu tranh chính trị của huyện Nam Tam Kỳ. Đây là thời kỳ đấu tranh chính trị, binh địch vận diễn ra cam go, bởi lúc này Mỹ đưa quân vào Chu Lai trực tiếp tiến hành chiến tranh, đàn áp, khủng bố cách mạng. Nguyên nhân chính là vì bất đồng ngôn ngữ nên mọi hình thức đấu tranh chính trị với lính Mỹ hết sức khó khăn. Đặc biệt, bởi sự tàn ác, hung bạo từ những trận càn quét của lính Mỹ nên người dân ở các vùng giải phóng bỏ đi bất hợp pháp với địch. Phụ nữ, trẻ em, người già... tất cả đều vì sợ lính Mỹ hãm hiếp, giết hại mà bỏ đi khiến cho làng xã trắng dân. Lúc này, nhiệm vụ hàng đầu là phải làm sao đưa quần chúng trở về vùng giải phóng, nhằm quay trở lại đấu tranh phản đối Mỹ. Những cán bộ như bà Xuân cũng được tổ chức cử người xuống dạy tiếng Anh thông dụng để truyền lại cho chị em. Mỗi lần gặp lính Mỹ, họ có thể dùng những từ tiếng Anh học được để nói chuyện và đưa truyền đơn (bằng tiếng Anh) tố cáo tội ác của lính Mỹ, và phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của nhà cầm quyền Mỹ...

Nhắc lại lịch sử giai đoạn này mới thấy hết được vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh chính trị với Mỹ. Nếu không giữ được lòng dân, không an dân thì rất khó để đấu tranh chính trị, binh địch vận. Trong Hồi ký “Những năm tháng hào hùng trên quê hương Tiên Phước” của ông Nguyễn Thành (85 tuổi, nguyên Trưởng ban Dân vận, Đấu tranh chính trị và Binh địch vận Quảng Nam thời kỳ 1967 - 1975) có nêu: “Thời kỳ này ở chiến trường Quảng Nam, quân Mỹ từ căn cứ Chu Lai cùng với quân ngụy liên tục mở nhiều chiến dịch càn quét đánh phá, sử dụng tối đa phi pháo, cả pháo đài bay B52 vào vùng giải phóng, nhằm xúc tát dân tạo vùng trắng. Ở quận lỵ, thị xã và vùng địch kiểm soát thì chúng tăng cường kìm kẹp, đánh phá cơ sở, làm cho công tác dân vận, đấu tranh chính trị, binh địch vận gặp nhiều khó khăn. Nhất là giữ thế hợp pháp với quân viễn chinh Mỹ, trong lúc quân Mỹ càn đến, quần chúng bỏ chạy “xà đùa” vừa bị thương vong dưới bom đạn của chúng, vừa bị đói khát bệnh tật”.

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Thành đã bàn bạc với tổ chức để đưa ra phương án đấu tranh mới. Theo đó, ông Thành phụ trách lãnh đạo khối dân vận, đấu tranh chính trị, binh địch vận của tỉnh quyết bám trụ để bám dân, bám cơ sở, tổ chức học tập thư của Đảng cho nhân dân ở vùng giải phóng, vùng tranh chấp và cơ sở trong vùng địch, phân tích chỗ mạnh, chỗ yếu của quân đội Mỹ, đồng thời tổ chức cho nhân dân vùng giải phóng và cơ sở vùng địch học tiếng Anh với những câu thông thường để trao đổi với lính Mỹ khi chúng càn đến. “Trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, chúng tôi đã đề ra các biện pháp vận động, giáo dục nhân dân. Đối với vùng giải phóng thì quyết tâm khắc phục khó khăn, trụ bám với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”, kiên quyết giữ dân, xem mỗi người dân như một viên ngọc. Đối với nhân dân ở vùng địch tạm thời kiểm soát thì xây dựng cán bộ hoạt động hợp pháp bên trong tuyên truyền nhân dân nhận rõ những âm mưu thủ đoạn của địch, hợp pháp đấu tranh trực diện với chúng, động viên con em thoát ly gia nhập các lực lượng cách mạng…” - ông Thành nói.

Chỉ là lát cắt nhỏ trong chặng đường lịch sử để thấy rõ hơn về vai trò của công tác dân vận, đấu tranh chính trị, binh địch vận trong thời kỳ chống Mỹ. Hơn lúc nào hết, những người làm công tác dân vận ngày trước đều thấy rằng dân vận là nhiệm vụ chiến lược của mọi thời kỳ cách mạng. Tuy nhiên, làm sao để dân vận hiệu quả, liệu đội ngũ làm dân vận hiện nay đã quán triệt rõ sự nghiệp cách mạng là của nhân dân và vì nhân dân hay chưa, đã đặt lợi ích của nhân dân lên trước chưa, đó là những vấn đề mấu chốt của công tác dân vận mà những thế hệ của ông Thành, bà Xuân,… kỳ vọng thế hệ đi sau sẽ thấm nhuần.

VINH ANH

VINH ANH