Đồng lòng vượt khó

NGUYỄN QUANG VIỆT 19/03/2015 08:39

Hôm nay 19.3, xã Bình Sa (Thăng Bình) tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương (19.3.1975 - 19.3.2015). Qua 40 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Sa bền bỉ lao động, đoàn kết, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Nền tảng phát triển

Ông Võ Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Bình Sa cho biết, sau ngày quê hương giải phóng, Bình Sa đối diện với vô vàn khó khăn, cơ sở vật chất vừa yếu lại vừa thiếu. Từ xuất phát điểm đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Sa đã đoàn kết, đồng lòng vượt khó. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được ưu tiên đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Nhà nước cũng như đóng góp tài trợ của các tổ chức và cá nhân. Toàn xã có hơn 63km đường giao thông nông thôn thì đến nay đã kiên cố bằng bê tông được gần 52km. Tuyến đường giao thông chính dọc theo chiều dài của xã được xây dựng kiên cố, thuận lợi cho giao thương và làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc. Các tuyến đường nối Bình Sa với Bình Triều, Bình Trung và Bình Nam hoàn thiện, thuận tiện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đường về Bình Sa hôm nay. Ảnh: Q.VIỆT
Đường về Bình Sa hôm nay. Ảnh: Q.VIỆT

Trên lĩnh vực xã hội, cơ sở hạ tầng giáo dục cũng đã được xã đầu tư kiên cố; quy mô, số lượng, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Đến nay, Trường Mẫu giáo Bình Sa đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1. Mạng lưới trường lớp được sắp xếp, quy hoạch hợp lý và từng bước được đầu tư xây dựng, hoàn thiện dần. Hiện nay, xã đã có 100% số trường học được kiên cố hóa, trong đó hơn 70% được tầng hóa. Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục không ngừng được đầu tư, ngay cả máy chiếu và phòng học công nghệ thông tin cũng được đầu tư ngày càng đồng bộ. Xã Bình Sa là đơn vị nhiều năm liền đạt chuẩn quốc gia về chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được chú trọng; Trạm Y tế xã Bình Sa là một trong 3 trạm y tế đầu tiên của huyện Thăng Bình được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Các chương trình y tế cộng đồng ngày càng được quan tâm, chất lượng khám chữa bệnh nâng cao hơn.

Đến thời điểm này, qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo của xã đã có nhiều thay đổi. Hiện nay, trục đường xã, liên xã của Bình Sa đã được bê tông hóa 100%. Đội ngũ cán bộ y tế ở xã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở.

 Vượt khó vươn lên

Anh hùng trong kháng chiến
Ông Trần Ngọc Thọ - Bí thư Đảng ủy xã Bình Sa cho biết, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Bình Sa có 688 liệt sĩ, 109 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Toàn xã có 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1 dũng sĩ diệt Mỹ, 4 tập thể được tặng Huân chương Quân công và Cờ mưu trí dũng cảm. Ghi nhận thành tích và cống hiến của địa phương, ngày 15.8.2003, xã Bình Sa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. “Đất và người Bình Sa đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Trong kháng chiến, hàng nghìn con người với lớp cha trước, lớp con sau, tiếp bước quân hành lên đường giết giặc. Hàng trăm người con Bình Sa bị tù đày tra tấn đến chết vẫn lòng son, dạ sắt với cách mạng. Hàng nghìn con người đứng trước đầu lê, mũi súng vẫn hiên ngang xông tới, người trước ngã, người sau tiến lên. Họ sống trung trinh, gông cùm xiềng xích không làm vơi đi niềm tin yêu với Đảng, cách mạng. Những địa danh Gò Tiền, An Thạch, đình Tây Giang, đình Ấp Hội, Tiên Thọ, Cồn Soi, An Tráng… sẽ mãi ghi dấu thời oanh liệt và những cống hiến, hy sinh của con người Bình Sa” - ông Trần Ngọc Thọ nói.

Hạ tầng ngày một kiện toàn đã tạo đà cho phát triển sản xuất tại xã Bình Sa. Kinh tế của xã đang có bước phát triển khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng dần giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Năm 2014 thu nhập bình quân đầu người đạt 21,1 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo từ 23% năm 2009 giảm xuống còn 9,7%; 100% số hộ dân có nhà ở ổn định, nhiều nhà kiên cố; 100% số hộ dân có điện sử dụng cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ Bình Sa tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật nên có nhiều chuyển biến. Chỉ canh tác rau dền, rau húng, xà lách, cải bẹ trên 6 sào diện tích nhưng gia đình ông Trần Văn Phát ở thôn Tiên Đỏa thu được hơn 7 triệu đồng/tháng. Trồng rau trái vụ cũng đã đem lại thu nhập khá cho nhiều gia đình trên địa bàn xã. Nhiều năm qua, với 6 sào đất canh tác, gia đình bà Võ Thị Thuận ở thôn Châu Khê cơ cấu trồng cà chua. Qua 3 tháng chăm sóc, sau khi trừ chi phí, 6 sào cà chua đã đem lại cho gia đình bà Thuận khoản thu nhập gần 20 triệu đồng. Chủ trương của xã Bình Sa trong sản xuất nông nghiệp là giảm diện tích đất canh tác nhưng phải tăng sản lượng thu hoạch. Để thực hiện điều đó, các nông hộ trên địa bàn đã chú trọng thâm canh, áp dụng các thành tựu khoa học trong các khâu, từ làm đất, gieo trồng cho đến thu hoạch.

Trong giai đoạn mới 2015 - 2020, Bình Sa định hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp từ 65% hiện nay xuống còn 35% vào năm 2020. Ngược lại, các ngành thương mại - dịch vụ sẽ được chú trọng đầu tư, kỳ vọng tăng lần lượt là 27% và 32% vào năm 2020. Theo ông Hà Như Diêu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sa, giải pháp mà địa phương sẽ ứng dụng là tổ chức lại họp chợ theo quy củ, mở rộng mạng lưới buôn bán, tổ chức kinh doanh đa dạng hàng hóa. Cùng với đó, nâng cao giá trị các sản phẩm truyền thống của xã. Địa phương cũng sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp - xây dựng bằng nhiều giải pháp linh hoạt.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT