Đổi mới tổ chức hoạt động khoa học - công nghệ công lập

HOÀNG LIÊN 12/03/2015 08:47

Sau 10 năm triển khai Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức  KH-CN, nhiều tổ chức KH-CN công lập vẫn ì ạch trong cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Hội nghị trực tuyến về cơ chế tự chủ KH-CN công lập ở đầu cầu Quảng Nam. Ảnh: H.L
Hội nghị trực tuyến về cơ chế tự chủ KH-CN công lập ở đầu cầu Quảng Nam. Ảnh: H.L

Chưa thể tự “bơi”

Thông tin từ Bộ KH-CN, qua 10 năm thực hiện Nghị định 115, vẫn còn hàng trăm tổ chức KH-CN công lập chưa đủ sức để “bơi” trong cơ chế tự chủ. Tính đến 12.2014, trong tổng số 642 tổ chức KH-CN công lập, có 488 tổ chức đã được phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ (chiếm tỷ lệ 76%). Hiện vẫn còn 154 tổ chức khác đang xây dựng hoặc đang trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, mặc dù Nghị định 115 sửa đổi quy định hạn cuối các tổ chức phải được phê duyệt đề án là 12.2013.

Tuy nhiên, thực tế trong tổng số 488 tổ chức đã được phê duyệt đề án nói trên, chỉ 295 tổ chức là có thể tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên, còn 193 tổ chức thuộc loại hình tổ chức KH-CN hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách, nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành, phục vụ quản lý nhà nước và được ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí thường xuyên theo phương thức khoán. Đó là câu chuyện về những tổ chức đã được phê duyệt đề án. Cả nước còn 154 tổ chức chưa được phê duyệt. Thậm chí có nhiều địa phương vẫn chưa phê duyệt được đề án như Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nam, Khánh Hòa, Lai Châu…

Quảng Nam hiện có 35 tổ chức KH-CN công lập trên 9 lĩnh vực gồm: y - dược, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, công nghệ thông tin - truyền thông, công thương, xây dựng, văn hóa, KH-CN. Tuy nhiên, cho tới nay, các tổ chức KH-CN của tỉnh chưa đủ điều kiện để thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115. Cả tỉnh chỉ mới có 2 đơn vị sự nghiệp KH-CN công lập trực thuộc Sở KH-CN đã hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH-CN Quảng Nam và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng…

Sẽ sáp nhập hoặc giải thể

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Quốc Khánh nhìn nhận, rào cản khiến Nghị định 115 chậm đi vào thực tiễn, nhiều tổ chức, địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Trước hết là do một số bộ ngành, địa phương còn chưa nhận thức đúng và đầy đủ các quy định của Nghị định 115 cùng các văn bản hướng dẫn, thậm chí không nắm rõ đối tượng phải thực hiện Nghị định 115 nên áp dụng không đúng đối tượng. Thứ hai là nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng, là trở lực lớn trong quá trình thực thi là sự chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn Nghị định 115. Ví như, Nghị định 115 ban hành năm 2005, năm 2006 mới có Thông tư liên tịch số 12 hướng dẫn; Nghị định 96 được ban hành năm 2010 nhưng đến năm 2014 mới có Thông tư 121 hướng dẫn xây dựng, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức KH-CN công lập, trong khi đây là một vấn đề có ý nghĩa quyết định để tổ chức KH-CN công lập thực hiện tự chủ theo Nghị định 115. Hay như sự thiếu đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật. Trong khi Luật KH-CN năm 2013 đã cho phép bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KH-CN là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài. Song Luật Cán bộ, công chức thì quy định người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải là công dân Việt Nam… Đến nay, 100% các tổ chức KH-CN đã được tự chủ trong thực hiện các nhiệm vụ KH-CN. Còn lại, các tổ chức đều gặp vướng trong việc tự chủ về tài chính, tài sản; tự chủ về quản lý tổ chức và nhân lực; tự chủ về hợp tác quốc tế…

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, năm 2015 là năm cuối cùng các tổ chức KH-CN công lập chưa chuyển đổi phải hoàn thành việc chuyển đổi. Nếu tổ chức nào không đủ điều kiện sẽ sáp nhập hoặc giải thể. Và sau năm 2015, Nhà nước sẽ không cấp ngân sách cho những tổ chức này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tại sao 10 năm qua, vẫn không hoàn thành những bước ban đầu? Bây giờ phải làm quyết liệt, không gia hạn, hết năm này nếu tổ chức nào không chuyển đổi thì cắt ngân sách. Thời gian tới, sẽ công khai danh sách các địa phương, tổ chức chưa thực hiện được cơ chế tự chủ, kể cả những tổ chức đã được phê duyệt đề án cơ chế tự chủ rồi, song hoạt động vẫn không hiệu quả”.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN