Sức trẻ nơi biển đảo

K.LINH – T.ĐẠI 02/03/2015 09:44

Đến với xã đảo Tân Hiệp (Hội An) những ngày sau tết, chúng tôi không khỏi cảm phục khi bắt gặp những người giáo viên với niềm khao khát được khẳng định mình, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

1.Nhận bằng tốt nghiệp ngành sư phạm Ngữ văn (Trường Đại học Quảng Nam), Lê Thị Thu Trang (Hội An) từ chối một công việc trái ngành được gia đình lựa chọn để xin ra Cù Lao Chàm dạy học. Ngày nhận được quyết định ra Trường THCS Quang Trung, dù ba mẹ hết sức ngăn cản nhưng vẫn không làm Trang từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo dạy văn. Những ngày đầu ra đảo, công việc, cuộc sống với Trang đều bỡ ngỡ, xa lạ nhưng dần dần cái chất tự nhiên, mộc mạc của  con người nơi đây đã khiến cô xem đảo như là quê hương thứ hai của mình. Ngoài nhiệm vụ của một giáo viên, Trang còn là một đoàn viên thanh niên năng động, không chỉ đứng ra phát động mà còn tham gia thực hiện mọi công việc, sẵn sàng lắng nghe và ghi nhận những đóng góp của giáo viên trong trường. Trang chia sẻ: “Đa số giáo viên trong trường đều lớn tuổi, có hàng chục năm kinh nghiệm giảng dạy trên đảo. Hằng ngày được tiếp xúc, trò chuyện với các thầy cô, em học hỏi được kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy và học hỏi cách sống, xây dựng niềm tin, nghị lực vượt qua gian khổ để tự hoàn thiện bản thân”.

Lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Thu Sương tại thôn Bãi Hương. Ảnh: K.L
Lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Thu Sương tại thôn Bãi Hương. Ảnh: K.L

Trang tâm sự, nơi này trước mắt còn lắm khó khăn nhưng con đường mà cô lựa chọn đang cho mình nhiều niềm vui và hoài bão. Đi đến những vùng khó để gieo chữ cũng là tâm nguyện của bao thế hệ giáo viên. Nhiều giáo viên trẻ như Trang giờ đây đã ý thức được trọng trách lớn lao của mình khi mà ngành GD&ĐT đang tìm cách đổi mới mang tính bước ngoặt. “Muốn nâng cao chất lượng giáo dục vùng hải đảo, theo em, ngoài năng lực giảng dạy chuyên môn thì người giáo viên nơi đây phải có tâm với nghề, đặc biệt phải thực sự yêu quý học sinh, chấp nhận hy sinh hạnh phúc bản thân để mang đến cái chữ và gắn bó lâu dài với đảo” – Trang nói.

2.Cũng như Lê Thị Thu Trang, với cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu Sương – giáo viên Trường Tiểu học Tân Hiệp, dạy học nơi đảo là chấp nhận thiếu thốn, khó khăn, vì là một người con của đảo nên hơn ai hết cô thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ em nơi đây. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm Tiểu học (Trường Đại học Quảng Nam), khi biết thành phố có chủ trương tuyển giáo viên tiểu học ra đảo, Sương đã làm đơn xin về quê công tác. Với tình thương và trách nhiệm, xem học sinh như những đứa em của mình đã giúp Sương vượt qua vất vả ban đầu để cùng các đồng nghiệp của mình miệt mài theo đuổi công việc trồng người và mang đến niềm tin hy vọng về một sự thay đổi trong tương lai. Ba năm dạy học trên đảo là khoảng thời gian chưa dài, song với Sương có nhiều điều đáng nhớ và đầy ý nghĩa khi bản thân được trở về quê hương cống hiến sức trẻ, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục xã đảo đi lên. “Nhiều khi bạn học cùng khóa bảo do mình còn yếu chuyên môn nên phải ra đảo dạy nhưng em nghĩ ở đâu cũng là cống hiến, miễn là mình làm hết trách nhiệm chuyên môn để dạy tốt học sinh, chứ ai cũng chọn ở đồng bằng, thành phố thì những nơi miền núi, hải đảo trẻ em sẽ ra sao? Ngoài ra, bản thân em cũng muốn rèn luyện chính mình trong khó khăn, gian khổ để được trưởng thành hơn” - Sương tâm sự.

Nhận xét về giáo viên trẻ của mình, cô Hồ Thị Đào – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hiệp cho biết, Sương là một trong số ít con em xã đảo sau khi học xong đại học trở về quê công tác, đặc biệt chấp nhận giảng dạy tại các điểm trường thôn Bãi Hương – nơi xa và khó khăn nhất đảo. Đây không phải là điều dễ dàng với những người trẻ tuổi thích bay nhảy nếu không có tình yêu thương học sinh là sự hy sinh hạnh phúc bản thân. “Để phát triển sự nghiệp giáo dục trên đảo cần lắm những con người trẻ tuổi và tâm huyết như cô Sương hay cô Trang vì hành trình gieo chữ giữa biển đảo vẫn còn dài và lắm gian nan” - cô Đào nói.

K.LINH – T.ĐẠI

K.LINH – T.ĐẠI