Hơn nửa thế kỷ…

GS-TSKH. NGUYỄN ĐĂNG HƯNG 17/02/2015 15:20

Tháng 12.2014, tôi lại khởi hành qua Bỉ. Dịp này trùng hợp với thời điểm tôi sang Bỉ du học, tháng 12.1960.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Trời mùa đông bên Bỉ cũng tương tự như thế kỷ trước, mưa lạnh, sương mù đêm dài ngày ngắn. Chỉ có khác, ngày trước tôi là chàng trai mới 19 tuổi, nay đã là ông già “thất thập cổ lai hy”.

Ngày trước đến sân bay Bruxelles tôi đã ngỡ ngàng khám phá ra thế nào là tự do ngôn luận ở Tây Âu, khi đi vòng xem ki ốt đầy báo chí phơi bày mọi chuyện. Lúc đó, nước Bỉ đang có lễ lớn, nữ quý tộc Fabiola người Tây Ban Nha đã trở thành hoàng hậu Vương quốc Bỉ. Trong các cửa tiệm thành phố Bruxelles, đâu đâu cũng có hình đôi uyên ương vua Beaudouin đệ nhất và hoàng hậu Fabiola. Năm nay hoàng hậu vừa qua đời được gần 3 tháng. Ngày trước vừa đến Bruxelles là thấy có biến cố lớn: Vụ đình công chống đạo luật duy nhất của chính phủ. Thợ thuyền bãi công gần 2 tuần lễ, có nơi công nhân đập phá dinh thự nhà ga. Năm nay cũng có một vụ đình công chống quyết định mới của chính phủ: dời thời điểm tính hưu trí thêm hai năm - phải đến tuổi 67 thay vì 65 như luật hiện hành… Nhưng lần này đình công không thành công. Công đoàn đã yếu đi nhiều sau nửa thế kỷ tranh đấu, tuy đã giành được những phúc lợi xã hội đáng kể, nhưng những phúc lợi này dần dần trở nên gánh nặng cho nền kinh tế Bỉ.

Tác giả (áo trắng) chụp ảnh lưu niệm với Thái tử Philippe của Vương quốc Bỉ, trong chuyến Thái tử dẫn đầu đoàn kinh tế doanh nhân Bỉ thăm Việt Nam tháng 3.2012.
Tác giả (áo trắng) chụp ảnh lưu niệm với Thái tử Philippe của Vương quốc Bỉ, trong chuyến Thái tử dẫn đầu đoàn kinh tế doanh nhân Bỉ thăm Việt Nam tháng 3.2012.

Ngày nay tiếng nói của doanh nhân trở thành quan trọng hơn. Phải có tăng trưởng mới có phúc lợi và khi tăng trưởng ngưng trệ chỉ có một giải pháp là điều chỉnh phúc lợi. Nước Bỉ không tuyên bố rầm rộ, nhưng thực chất đã là một nước xã hội, do dân và vì dân. Dân được hưởng tất cả quyền tự do, tất cả phúc lợi xã hội  mà luật đã cho phép. Dân bầu ra chính phủ và khi chính phủ không hợp lòng dân thì phải ra đi.

GS-TSKH. Nguyễn Đăng Hưng, sinh năm 1941, tại Điện Bàn, Quảng Nam. Ông có hơn 40 năm qua giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) về Toán và Cơ học, trở thành một trong những nhà Cơ học xuất sắc của châu Âu và thế giới, một trong “10 người làm thay đổi nước Bỉ”. Ông được nhận danh hiệu Giáo sư Ưu tú (Professor Emeritus) và Huân chương cao quý của Vương quốc Bỉ dành cho các nhà khoa học cùng với nhiều giải thưởng quốc tế khác.BTV

Sau nửa thế kỷ, tổ chức đảng phái ở Bỉ có những đổi thay. Những đảng phái có yếu tố liên bang dần dần được thay thế bằng những đảng phái có yếu tố cục bộ địa phương. Sự phân liệt ngôn ngữ đã chi phối nền chính trị nước Bỉ và các đảng phái cục bộ cánh nói tiếng Hà Lan đã dần dần lớn mạnh tạo ra một tình trạng ly khai đang tác động nghiêm trọng đến tính thống nhất của nước Bỉ. Có lúc cả năm vẫn không thành lập được chính phủ. Cũng may nước Bỉ có một nền hành chính dân sự cực kỳ ổn định. Không có chính phủ, nhưng mọi chuyện vẫn chạy đều, thuế vẫn thu, lương vẫn trả, công sở hành chính vẫn bình thường. Ngân sách đã được ấn định bởi chính phủ trước và chính phủ tạm thời hiện hành vẫn điều động tốt guồng máy quốc gia. Các đảng phái chỉ trích nhau thẳng thừng, các chính trị gia tha hồ phản biện phê bình nhau kịch liệt. Tuy nhiên, sợi dây thống nhất vẫn còn đó: Hoàng gia Bỉ, đại diện cho nhà nước liên bang.

Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người của Bỉ năm 2010 là  42.600USD, của Mỹ là 47.200USD, của Trung Quốc là 4.300USD, của Việt Nam là: 1100USD. Những con số biết nói đó tỏ rõ  sức mạnh kinh  tế của Bỉ, một nước không có tài nguyên thiên nhiên nào đáng kể, một nước đệm giữa Đức và  Pháp, mới được thành lập chỉ hơn 180 năm thôi. Đâu là bí quyết? Một nền giáo dục tuyệt vời, những người dân với ý thức dân chủ mang trong máu…

GS-TSKH. NGUYỄN ĐĂNG HƯNG

GS-TSKH. NGUYỄN ĐĂNG HƯNG