Nhiều tình tiết cần được làm rõ
(QNO) - Ngày 21.1, TAND tỉnh đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa ông Nguyễn Công Hương (SN 1970, trú tổ 5, thị trấn Hà Lam) với ông Phan Xuân Tình (SN 1995, trú xã Bình Dương, Thăng Bình,) tòa phúc thẩm đã quyết định hủy án để tòa cấp sơ thẩm xử lại.
Xử quá yêu cầu của nguyên đơn
Bản sán sơ thẩm số 91/2014/DSST, ngày 29.9.2014 của TAND Thăng Bình về vụ án “Yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” giữa nguyên đơn là ông Tình với bị đơn là ông Hương. Theo đó, hội đồng xét xử buộc ông Nguyễn Công Hương tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) lập ngày 11.12.2012 như đã cam kết với ông Phan Xuân Tình”. Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Phạm Hồng Lâm - đại diện pháp luật cho ông Hương cơ đơn kháng cáo.
Ông Nguyễn Công Hương (bên phải) không đọc được nội dung trong tờ giấy tại phiên tòa sáng 21.1. |
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Phạm Xuân Linh cho rằng cấp sơ thẩm không đưa công chứng viên Lê Hữu Láng - Văn phòng công chứng Quảng Nam tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vì thời điểm ký hợp thồng công chứng, ông Tình chưa đủ 18 tuổi và không có người đại diện theo pháp luật ký vào hợp đồng công chứng là vi phạm điều cấm của pháp luật.
Trong khi đó, ông Tình khởi kiện yêu cầu TAND Thăng Bình giải quyết buộc ông Nguyễn Công Hương phải tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 11.12.2012, chứ chưa chuyển nhượng, mua bán nhà ở và sẽ làm thủ tục mua bán sau. Tuy nhiên, bản án số 91 của TAND Thăng Bình lại buộc ông Hương giao luôn ngôi nhà cấp 4 nằm trên diện tích đất đã làm thủ tục chuyển nhượng cho ông Tình là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Qua đó cho thấy, tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết vụ án vượt quá đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Trước đó, TAND Thăng Bình ban hành Quyết định số 2-2014/QĐDS-ST ngày 5.8.2014 buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch dân sự. Cụ thể, buộc ông Tình và ông Hương làm thủ tục mua bán nhà gắn liền với QSDĐ như đã thỏa thuận cho đúng với hình thức và thủ tục pháp luật quy định, nhưng các bên không thực hiện. Nhưng bản án số 91 của TAND huyện Thăng Bình lại buộc ông Nguyễn Công Hương tiếp tục thực hiện hợp đồng là chưa phù hợp với quy định tại Điều 134 Bộ luật dân sự quy định.
Lợi dụng người mù chữ và tâm thần nhẹ
Kết quả xác minh tại địa phương nơi ông Nguyễn Công Hương cư trú cho thấy, ông Hương là người không biết chữ (không viết được và không đọc được). Tuy nhiên, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 11.12.2012 của ông Hương và Tình không có người đại diện là vi phạm khoản 1, điều 9, Luật công chứng quy định. Còn theo ông Phạm Hồng Lâm, người giám hộ ông Hương cho biết, ông Hương không biết chữ và bị tâm thần ở dạng nhẹ có giấy chứng nhận sức khỏe tâm thần ngày 6.10.2014 của Bệnh viện tâm thần tỉnh Quảng Nam.
Mặt khác, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, thì các khoản tiền do ông Nguyễn Công Hương đã nhận của bà Phan Thị Chín (mẹ ông Tình) được trừ vào số tiền 145 triệu đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 11.12.2012 giữa ông Tình và ông Hương chưa được làm sáng tỏ đó là những khoản nợ gì? Các khoản nợ này có hợp pháp hay không? Trong khi đó, tại phiên tòa ông Nguyễn Công Hương và ông Phạm Hồng Lâm đều khẳng định tất cả là những khoản nợ xem bói toán của bà Phan Thị Chín từ năm 2011 đến ngày 11.12.2012.
Điều 134, Bộ luật Dân sự quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”. |
Thẩm phán Cao Thị Huyền - chủ tọa phiên tòa chất vấn vì sao ở Thăng Bình có nhiều nơi công chứng mà mẹ con ông Tình phải vào TP.Tam Kỳ công chứng? “Vì có thể mẹ con ông Tình biết rằng, nếu thực hiện hợp đồng tại Thăng Bình, người dân hoặc chính quyền địa phương phát hiện và cản trở giao dịch đối với người không biết chữ, người bị bệnh tâm thần ở dạng nhẹ, nhận thức không ổn định như anh Nguyễn Công Hương” - luật sư tại phiên tòa đặt nghi vấn.
Với những vi phạm nghiêm trọng cả về thủ tục tố tụng và nội dung của bản án số 91/2014/DSST ngày 29.9.2014 của Thăng Bình về “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” cùng như một số nghi vấn chưa được làm sáng tỏ, TAND tỉnh Quảng Nam đã quyết định hủy toàn bộ nội dung bản án số 91 để trả hồ sơ vụ án về cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án lại theo quy định của pháp luật.
TAM THĂNG