Ứng xử với rác thải

TRẦN NGUYỄN 03/02/2015 09:02

Phát ngôn của người có trách nhiệm của Sở Công Thương gần đây cho rằng chậm đem mẫu 60 tấn hóa chất cyanua của Tập đoàn Bersa Việt Nam mua từ Trung Quốc về được cho là hàng giả đến các trung tâm độc lập do không có kinh phí, đã phần nào hé lộ yếu kém trong quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường. Hóa chất giả đến mức độ nào, ảnh hưởng đến môi trường ra sao nhiều tháng qua vẫn chưa có cơ quan nào kết luận, bất chấp sự cầu cứu của người dân và chính quyền sở tại. Có quả thật ngân sách nhà nước thiếu tiền kiểm chứng, phân tích môi trường độc lập không? Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh khẳng định, lấy mẫu phân tích độc lập vụ 60 tấn hóa chất cyanua bao nhiêu tiền cũng không thiếu, cán bộ chuyên môn tham mưu bây giờ “thụ động đáng sợ” quá. Tại sao cứ phải đợi vào kết quả phân tích một phía của doanh nghiệp? Cho dù doanh nghiệp có đưa ra “bằng chứng” kiểu nào, thì nguyên tắc của nhà nước là phải đối chứng, kiểm chứng và phân tích độc lập về môi trường. Dẫn ra câu chuyện này để thấy rằng, cảm giác đâu đó vẫn còn tình trạng ứng xử thiếu tôn trọng với môi trường và cách người ta giải quyết “hậu sự” còn phụ thuộc quá nhiều vào đồng tiền, chứ không phải trong tâm thế của những người có trách nhiệm với môi trường.

Đề án xử lý chất thải rắn các vùng nông thôn của tỉnh triển khai được 2 năm, chuẩn bị sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm. Điều đáng ghi nhận là việc thực hiện đề án này đã góp phần làm cho đường làng ngõ xóm sạch sẽ, người dân có ý thức trong việc ứng xử với rác thải. Tuy nhiên, hạn chế mà đề án này mổ xẻ cũng tập trung vào khâu thiếu kinh phí, nguồn thu tiền rác trong nhân dân hạn chế. Đường nông thôn nhỏ hẹp, phương tiện chuyên dụng không vào tận nơi nên chưa thể thu gom hết rác thải xả ra. Mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác thu gom rác thải lúng túng xoay xở do thiếu tiền chi trả cho người lao động. Thực tế, phần lớn người dân ở xa đường giao thông chính, xã điểm tập kết rác thải đã tự xử lý rác thải bằng hình thức thủ công, hoặc lén lút vứt xuống dòng sông, con suối, cánh đồng vắng… Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 15 khu xử lý rác, trong đó chỉ có 6 khu xử lý với hình thức chôn lấp hợp vệ sinh chủ yếu tập trung. Các bãi rác ở miền núi hầu như xử lý theo kiểu đốt thủ công không đảm bảo môi trường, dễ gây cháy trong khu dân cư. Trong khi đó, khu vực đồng bằng, khoảng cách vận chuyển từ nơi thu gom đến điểm xử lý lại khá xa, dẫn đến tình trạng ứ đọng rác, gây bốc mùi. Cho nên, để đề án quản lý chất thải rắn vùng nông thôn có bản thành tích đẹp như trong báo cáo, ngoài nâng cao ý thức cho người dân, bắt buộc đóng phí bảo vệ môi trường, những đơn vị được giao chức năng thu gom, xử lý rác thải cần trang bị đa dạng dụng cụ thu gom, vận chuyển, không vì mục địch kinh tế mà quên lợi ích cộng đồng.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN