"Gia đình" của thầy cô
Có một ngôi trường ở biên giới huyện Tây Giang mà ở đó thầy cô giáo chắt chiu từng đồng lương gom góp xây một thủy điện nhỏ để học sinh của mình có ánh điện học bài. Không những thế, vì điều kiện vùng cao khắc nghiệt, nhiều thầy cô phải đến nhà bạn học cũ xin từng tấm áo, đôi dép… để cùng học trò vượt rét, rồi chăm sóc các em như những người thân trong gia đình mình.
Ánh sáng của thầy
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lý Tự Trọng (xã A Xan, huyện Tây Giang) được xem là điểm trường ở “cổng trời”, giáp tận biên giới Lào. Ở độ cao 1.300m so với mực nước biển, bao bọc bởi núi rừng nên mùa lạnh ở đây nhiệt độ xuống dưới 10 độ. Buổi chiều, trước cổng trường từng tốp học sinh đốt lửa ngồi sưởi ấm, vậy mà dưới con suối Kanol chảy ầm ào, lạnh cóng, 4 thầy giáo cùng học trò bì bõm ôm từng viên đá ngăn dòng nước. Thầy Nguyễn Quang Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cơn mưa lớn chiều qua đã cuốn trôi toàn bộ đê chắn nước nên phải gia cố lại mới có điện để các em tối nay học bài. Cặm cụi dưới suối lạnh hơn một giờ, để các học trò về trường trước, các thầy ở lại hì hục vặn, sửa các mô tơ, nối các dây điện bị rò rỉ rồi cầm đèn pin về nhà khi đã hơn 8 giờ tối. Bên bữa cơm dưới ánh điện mờ mờ, thầy Tuấn tâm sự: “Điện lưới quốc gia vừa kéo vào đây năm ngoái nhưng có cũng như không. Bởi lịch cúp điện rất bất thường, có khi mỗi tháng cúp điện đến vài tuần. Dòng điện lại không ổn định nên có hôm điện lực đóng điện toàn bộ, hàng trăm bóng điện của nhà trường cháy trụi”.
Thầy cô và học trò sửa chữa lại đê dẫn nước vào tua bin của máy phát điện ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lý Tự Trọng (xã A Xan, Tây Giang). Ảnh: TRẦN QUANG TUÂN |
Phía dãy nhà tập thể, các học sinh đã bắt đầu ôn bài cũ. Không đủ bóng đèn nên hàng chục em phải chụm lại sát một bóng điện để học. Thầy Tuấn kể rằng ở đây có được ánh điện với nhà trường là một cuộc “cách mạng” rồi. Chín năm trước, khi mới đặt chân lên đây dạy, nhìn cảnh học sinh chong đèn hoặc đốt củi lấy ánh sáng để học, áo quần không đủ ấm, thầy cô ai cũng xót xa. Trước tình cảnh đó, thầy cô trong trường quyết định gom góp tiền lương hàng tháng của mình để mua một tua bin, mua dây điện, bóng đèn, ngăn suối lấy điện. Sau gần nửa tháng thi công, từng thầy cô ngoài giờ dạy học phải vác xi măng, trộn hồ, nhặt cát sạn, đổ bê tông và cuối cùng thủy điện nhỏ 2kW đã mang lại ánh sáng cho toàn trường. Ngày ánh điện bừng sáng, 312 học sinh nội trú và 46 giáo viên, nhân viên của nhà trường khấp khởi mừng rơi nước mắt. “Sợ nhất là mùa mưa lũ cuốn trôi tua bin. Có hôm một thầy giáo suýt bị đá đè chết vì loay hoay sửa chữa dưới suối trong khi đó bên trên đá tảng ầm ầm đổ xuống. May mà anh em kéo lên kịp. Nhiều đêm có khi điện đang sáng mà cúp đột ngột biết ngay cách gì cũng có cá chui vào, có hôm thì rắn, có hôm bắt được một con rái cá to mắc kẹt trong tua bin. Ở núi rừng là vậy” - thầy Tuấn kể.
Thầy Nguyễn Viết Trường - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lý Tự Trọng tâm sự: “Thì đến tháng trừ lương đều để mua vật tư. Thật ra tôi cũng không nhớ rõ mỗi thầy cô đóng góp bao nhiêu. Nhưng cái quý nhất là công sức tập thể, của nhiều thế hệ thầy cô, và vui hơn nữa được nhìn các em học sinh vui tươi dưới ánh đèn điện học bài. Từ ngày có ánh điện, việc dạy và học của trường cũng chuyển biến rõ rệt. Các em học sinh có thể đến lớp ban đêm để lớp trên có thể dạy cho lớp dưới học bài. Các em học giỏi kèm các em học yếu. Các thầy cô làm nhiệm vụ giám sát”.
Thầy và trò sửa chữa tua bin của máy phát điện. |
“Cái bang” cho học trò
Ở một trường vùng cao cách biệt, để lo cho gần 400 con người ăn ở, nhà trường phải sạch sẽ và ngăn nắp, mọi thứ sẵn sàng như một đơn vị quân đội. Là hiệu phó, ngoài việc dạy, công việc của thầy Nguyễn Quang Tuấn là lo hậu cần cho nhà trường. Để học sinh của mình không phải co ro trong cái rét, nhiều lần về quê công tác, thầy Tuấn tìm đến bạn bè ngày xưa để xin quyên góp. “Năm mới lên dạy, nhìn các em áo quần tả tơi, mặt mũi lấm lem, chân trần co ro lạnh, tôi quay về trường cũ ở thị trấn Hà Lam đặt vấn đề với thầy cô Trường Lê Quý Đôn. Mấy ngày sau, nhiều thùng áo quần của các bạn học sinh miền xuôi chuyển ngược lên cho các em học sinh ở đây” - thầy Tuấn kể.
Các em học sinh được học dưới ánh điện của thầy cô góp tiền tự làm thủy điện. |
Ở biên giới, chỉ cần một tháng mưa hoặc một cú sạt lở đường là lương thực cho các em bị thiếu hụt. Vì vậy việc dự trữ thức ăn đủ cho hai ba tháng là bắt buộc. Bầy heo của nhà trường nuôi hơn 10 con, để tận dụng biogas làm bếp nấu và đỡ cảnh nhọc nhằn thầy trò ra rừng tìm củi trong mùa mưa, thầy Tuấn quyết định tìm đến bạn. “Anh Quang Bùi, bạn học của mình lúc nhỏ bây giờ làm ăn cũng khá. Tôi tìm đến nhà đặt vấn đề, anh ủng hộ ngay. Một hệ thống biogas, cả hệ thống pin năng lượng mặt trời, không những cho trường này mà cả 4 xã vùng cao được anh ấy đồng ý. Vui mừng không thể tả. Ở nhà trường này tôi làm “cái bang” nhiều năm rồi. Thấy học trò mình đủ đầy hơn chẳng có gì phải hối tiếc” - thầy Tuấn tâm sự.
Ngày tết thầy cô 20.11, sân trường tràn ngập hoa rừng với đủ sắc màu được các em hái tặng. Thầy Tuấn đưa tấm hình vừa chụp trong điện thoại cho tôi xem, ảnh một trái tim xếp bằng kẹo ngọt với dòng chữ ngoằn ngoèo: “Chúng em yêu thầy cô lắm!”. Đây là dòng chữ của một học sinh khuyết tật, thiếu khả năng viết nhưng với sự thương yêu, kèm cặp của các thầy cô, hôm nay em đã tự viết được dòng chữ vào tờ giấy rồi xếp kẹo lên trên để ở bàn thầy. “Nhìn dòng chữ mà mừng rơi nước mắt. Làm thầy miền biên viễn vui chỉ chừng ấy thôi” – thầy Tuấn nói trong ánh mắt vui tươi. |
Dạy học ở vùng cao biên giới, cái vui chính là được các học trò thương yêu và gần gũi. Nếu không tâm huyết, giáo viên có thể bỏ việc bất kỳ lúc nào. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lý Tự Trọng là nơi chứng kiến bao cảnh đồng nghiệp chia lìa khi tất cả vì học sinh thương yêu. Năm 2006, khi cơn lũ dữ tràn về, trên đường đi công tác, một thầy giáo của nhà trường vĩnh viễn bị dòng nước cuốn đi. Rồi năm sau đó, một giáo viên khác của nhà trường bỗng nghe đau chân, đi khám bệnh phát hiện ung thư giai đoạn cuối, ít tháng sau thì mất. Dạy học ở đây có thầy cô 2 - 3 tháng mới được về đồng bằng. Chỉ việc về nhà không đủ vui rồi lên nói chuyện đi khám bệnh định kỳ là điều quá xa xỉ.
Không chỉ nuôi ăn, dạy chữ cho các em, thầy cô giáo ở đây còn lo luôn việc ốm đau bệnh tật cho từng học trò của mình. Cách đây một tháng, lại là thầy Tuấn phải dùng xe máy của mình chở 2 em học sinh vượt 200km đường rừng về Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam để chữa bệnh cho em Ríh Thị Vàng và em Pơlong Thị Phương. Hai em bị bệnh thận mà cha mẹ thì ngày ngày ra rẫy tìm cái ăn đã khó lấy gì lo chữa bệnh cho con. Chữ nghĩa, bệnh tật, ăn uống… tất cả nhờ thầy cô. Tiền viện phí, ăn ở, thuốc thang, 10 ngày nằm viện… thầy Tuấn lại đứng ra kêu gọi bạn giúp rồi tự tay mình chăm các em đến ngày khỏe mạnh trở về trường. Nói về thầy, Pơlong Thị Phương tâm sự: “Ở đây thầy cô chăm sóc các em như cha mẹ ở nhà. Được các thầy thương nên bọn em phải đến lớp học cho thầy cô vui”.
Ghi chép của HƯNG QUỐC