Những dấu ấn đáng nhớ

TƯỜNG VY 01/01/2015 11:12

Trong một năm có nhiều sự kiện lớn như Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD 17), Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ VII thì thể thao đất Quảng đã biết tạo cho mình những dấu ấn đáng nhớ trên bản đồ thể thao cả nước.    

Người Quảng tại ASIAD

Với thể thao Quảng Nam, SEA Games không còn xa lạ khi nhiều năm liên tiếp kỳ nào cũng có VĐV tranh tài và tạo được dấu ấn rõ nét trong bảng vàng thành tích của cả nước bằng nhiều tấm huy chương vàng với những gương mặt như Đặng Thị Thúy, Lê Thị Hồng Ngoan, Bùi Thị Triều. Tuy nhiên, ở sân chơi đẳng cấp hơn nhiều là ngày hội thể thao lớn nhất khu vực châu Á - ASIAD thì chưa bao giờ có VĐV Quảng Nam. Thế nên, lần đầu tiên võ sĩ Taekwondo Phạm Thị Thu Hiền góp mặt tại ASIAD 17 (được tổ chức tại Hàn Quốc vào năm 2014) thì đó là niềm tự hào không chỉ của bản thân VĐV mà còn của cả nền thể thao đất Quảng. Điều đáng nói hơn, cô gái trẻ người Quảng Nam là một trong hai VĐV của đội tuyển Taekwondo Việt Nam giành được huy chương đồng, cứu cho đội tuyển quốc gia khỏi “trắng tay” tại đấu trường ASIAD 17. Và càng ý nghĩa hơn khi đây là môn thể thao thuộc chương trình thi đấu Olympic, mở ra cơ hội lớn cho Thu Hiền trong cuộc đua đến sân chơi lớn nhất hành tinh mà bất cứ VĐV nào trên thế giới đều mong muốn một lần được góp mặt. Với thành tích này, Phạm Thị Thu Hiền còn đi vào lịch sử của thể thao đất Quảng khi trở thành VĐV đầu tiên giành huy chương tại một kỳ đại hội thể thao châu Á.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín tặng bằng khen và tiền thưởng của UBND tỉnh cho VĐV Phạm Thị Thu Hiền và huấn luyện viên Nguyễn Ngọc Đình với thành tích tại ASIAD 17.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín tặng bằng khen và tiền thưởng của UBND tỉnh cho VĐV Phạm Thị Thu Hiền và huấn luyện viên Nguyễn Ngọc Đình với thành tích tại ASIAD 17.

Bắn súng  trúng “vàng”

Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 là cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất cả nước 4 năm diễn ra một lần, vì vậy thể thao Quảng Nam chỉ đặt mục tiêu khá khiêm tốn ở một vài môn có thế mạnh như Taekwondo, Karatedo, Võ cổ truyền - nơi sở hữu một số gương mặt vàng những năm gần đây như Phạm Thị Thu Hiền, Trần Thị Mỹ Khanh, Bùi Như Mỹ, Nguyễn Phi Tuấn, Nguyễn Hồng Ninh. Còn với bắn súng, người có niềm tin và lạc quan đến mấy có lẽ cũng không bao giờ mơ về tấm huy chương nào chứ chưa nói huy chương vàng. Bởi, dù có sự chuẩn bị tích cực nhưng với lực lượng còn khá trẻ, gần như không có tên trên bản đồ môn bắn súng của cả nước nên bắn súng Quảng Nam khó có thể tranh chấp với các đơn vị có truyền thống như Quân đội, Công an, Hà Nội hay Hải Dương. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi xạ thủ trẻ mới 17 tuổi Hồ Viết Thanh Sang đến từ xứ Quảng đã vượt qua nhiều “cây đa, cây đề” của làng bắn súng nước nhà, thậm chí Sang còn nhỏ hơn gần 20 tuổi so với VĐV về nhì người Hải Dương để đoạt huy chương vàng. Có lẽ đây là một trong những bất ngờ, một “cú sốc” lớn nhất tại kỳ đại hội lần này.

VĐV bắn súng Hồ Viết Thanh Sang (người cầm cờ thứ 5 từ trái sang) tạo ra một trong những bất ngờ lớn nhất tại đại hội.
VĐV bắn súng Hồ Viết Thanh Sang (người cầm cờ thứ 5 từ trái sang) tạo ra một trong những bất ngờ lớn nhất tại đại hội.
Quang cảnh lễ khai mạc Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII.Ảnh: TƯỜNG VY
Quang cảnh lễ khai mạc Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII.Ảnh: TƯỜNG VY

Đại hội TD-TT và Lễ hội Văn hóa-Thể thao

Năm 2014 được coi là một năm khá “bận rộn” của ngành TD-TT khi diễn ra lễ khai mạc và  đồng loạt tổ chức các môn thi đấu trong chương trình Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII (năm 2013 đã tổ chức 5 môn trong tổng số 21 môn của đại hội). Song hành với Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII, cũng chu kỳ 4 năm một lần, Lễ hội Văn hóa-Thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII năm 2014 đã được tổ chức sôi nổi tại huyện Bắc Trà My. Diễn ra trong vòng một tuần, lễ hội là chuỗi ngày hội tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam.

Thi đấu môn đẩy gậy tại Lễ hội Văn hóa-thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII.
Thi đấu môn đẩy gậy tại Lễ hội Văn hóa-thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII.

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất tại kỳ đại hội và lễ hội này là lần đầu tiên, Ban tổ chức đưa ra thông điệp kiên quyết chống gian lận, tiêu cực trong đăng ký nhân sự, tổ chức thi đấu nhằm góp phần tạo ra sân chơi bình đẳng, công bằng giữa các VĐV, địa phương, đơn vị. Với quyết tâm giương cao “ngọn cờ” loại bỏ gian lận, tiêu cực, đại hội và lễ hội không chỉ khắc phục được tình trạng VĐV “hồn Trương Ba, da hàng  thịt” mà còn thể  hiện rõ rệt hơn tinh thần thi đấu hết mình, vì “màu cờ sắc áo”, góp phần tạo ra một kỳ đại hội và lễ hội thành công nhất từ trước đến nay. Qua đó góp phần tạo ra phong trào rèn luyện thân thể, tập luyện thể thao mạnh mẽ hơn trong người dân cả tỉnh.

“Thương hiệu” Việt dã Báo Quảng Nam

Năm 2014, giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam đã bước sang năm thứ 18 và sự lớn mạnh về quy mô, tổ chức của giải là điều mà rất nhiều người có thể cảm nhận được. Vượt ra khỏi tầm vóc của một giải đấu phong trào của tỉnh, Việt dã Báo Quảng Nam giờ đây đã trở thành thương hiệu, thu hút nhiều VĐV đỉnh cao đến từ nhiều địa phương trên cả nước, VĐV đội tuyển quốc gia của các trung tâm huấn luyện quốc gia tham gia tranh tài. Quy mô của giải đấu hoành tráng đến mức, một vị khách đến từ Tây Nguyên - ông Hồ Văn Chương, Trưởng đoàn việt dã tỉnh Lâm Đồng lần đầu tiên tham gia giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam đã phải thốt lên: “Tôi không nghĩ giải có sự chuyên nghiệp và quy mô lớn đến như vậy. Nếu mời thêm được 2 tỉnh Thanh Hóa và Khánh Hòa nữa thì đây trở thành giải việt dã tầm quốc gia rồi”. Điều đáng nói hơn là những nhà tổ chức, nhà tài trợ chưa bao giờ bằng lòng với những gì đang có mà luôn mong muốn mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng bằng việc mời thêm nhiều tỉnh, thành phố tham gia.

Các VĐV đội tuyển các tỉnh, thành phố tranh tài tại Giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam năm 2014.
Các VĐV đội tuyển các tỉnh, thành phố tranh tài tại Giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam năm 2014.

TƯỜNG VY

TƯỜNG VY