Mở rộng quyền lợi cho đối tượng

DIỄM LỆ (thực hiện) 23/12/2014 09:24

Từ ngày 1.1.2015, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực thi hành lần đầu năm 2009) chính thức có hiệu lực thi hành. Ông Phạm Văn Lại - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh có một cuộc trao đổi về vấn đề này.

Ông Phạm Văn Lại - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Ông Phạm Văn Lại - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Sau 5 năm thực hiện Luật BHYT (2009 - 2014), chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại nhiều quyền lợi thiết thân đối với người tham gia BHYT. Luật BHYT mang lại nhiều thuận lợi song hành với những bất cập nảy sinh như tình trạng trùng thẻ, nhiều đối tượng thuộc diện bắt buộc nhưng không tham gia, rắc rối về thủ tục khi chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT…

Ông Phạm Văn Lại - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: “Nghị định 299 của Chính phủ năm 1992 có quy định về chính sách BHYT. Qua nhiều lần thay đổi, đến năm 2009 chính sách BHYT đã thành Luật BHYT. Từ khi có Luật BHYT, chính sách được đưa đến toàn dân một cách thuận lợi hơn, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Luật BHYT đã giúp mở rộng đối tượng tham gia trong toàn tỉnh, đặc biệt là đối tượng tự nguyện tham gia ngày càng đông, với diện bao phủ hiện nay đã đạt trên 78% dân số (tỷ lệ chung của cả nước là 70%). Đồng thời quyền lợi và mọi điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng tham gia BHYT cũng được quy định rõ ràng, giúp đối tượng được thụ hưởng quyền lợi một cách tối đa.

PV:Điểm mấu chốt nhất trong sự thay đổi của Luật BHYT lần này là gì?

Đó là mở rộng quyền lợi cho đối tượng tham gia BHYT về thẻ BHYT, quyền lợi và mức hưởng BHYT, thông tuyến khám chữa bệnh BHYT… Sự thay đổi này nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với các nhóm đối tượng. Một điểm mới quan trọng nữa là quy định bắt buộc tham gia BHYT, thể hiện quyết tâm chính trị nhằm thúc đẩy thực hiện BHYT toàn dân theo Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị. Tính bắt buộc cũng mang ý nghĩa nhân văn vì tính chia sẻ cộng đồng. Chẳng hạn như trong một gia đình, Luật BHYT khuyến khích tham gia BHYT theo hộ do UBND cấp xã lập danh sách, nhằm khắc phục trùng thẻ, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm đau mới tham gia BHYT, bảo đảm sự sẻ chia ngay trong gia đình và tính bền vững của chính sách BHYT. Luật quy định bắt buộc nhằm tiến đến lộ trình BHYT toàn dân nhưng sẽ có sự hỗ trợ của Nhà nước đối với từng nhóm đối tượng cụ thể. Ngoài ra, các tỉnh được sử dụng kết dư BHYT ở mức 20% để hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT.

Quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng là điểm mấu chốt nhất của Luật BHYT sửa đổi. Ảnh: D.LỆ
Quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng là điểm mấu chốt nhất của Luật BHYT sửa đổi. Ảnh: D.LỆ

PV:Ông có thể nói rõ hơn quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng như thế nào?

Cụ thể, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo được cấp thẻ BHYT miễn phí. Người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số sinh sống ở những vùng như trên không phải cùng chi trả 5% như trước, được mở thông tuyến (không cần giấy giới thiệu từ tuyến dưới) đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương khi điều trị nội trú. Luật BHYT sửa đổi bãi bỏ mức 20% cùng chi trả đối với thân nhân chủ yếu của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ. Thân nhân khác của người có công, người thuộc hộ cận nghèo được giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5%. Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong 1 năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Ví dụ như trước đây quy định cùng chi trả giới hạn 20 triệu đồng cho 1 lần khám hay nhiều lần khám trong 1 năm ở tổng mức khám chữa bệnh là 100 triệu đồng; thì bây giờ chỉ phải chi trả giới hạn từ 7 triệu đồng trở xuống, khoản còn lại do quỹ BHYT chi trả. Các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đều được quỹ BHYT thanh toán. Trẻ em dưới 6 tuổi được quỹ BHYT chi trả cho điều trị bệnh lác, cận thị, tật khúc xạ; được cấp thẻ BHYT cho đến kỳ nhập học đầu tiên vào lớp 1 dù đã đủ 72 tháng tuổi ở khoảng thời gian trước ngày 31.9 của năm đó. Từ ngày 1.1.2016 sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh có BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Đến ngày 1.1.2021, quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng cho người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong cả nước.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

DIỄM LỆ (thực hiện)

DIỄM LỆ (thực hiện)