Tâm sự người lính
Mùa hè năm đó, các bạn tôi nô nức nộp hồ sơ thi đại học, còn tôi gia đình quá nghèo lấy gì mà học đại học. Tôi buồn và khóc rất nhiều. Ba mẹ tôi mong tôi có thêm cái chữ cho cuộc sống sau này bớt khổ, để không phải quanh năm với con trâu, cái cày, cái cuốc ngoài đồng ruộng, song cũng đành bất lực vì nhà đông con, ba mẹ gồng lưng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Tôi đành từ bỏ ước mơ vào giảng đường đại học.
Năm ấy, có một đơn vị bộ đội về làng giúp dân khắc phục bão lũ. Hình ảnh những anh bộ đội khoác trên mình bộ quân phục người lính trông chững chạc và đẹp biết bao. Dân trong làng ai cũng mến vì các anh vừa gần gũi, vừa thân thương, giúp dân hết lòng, hết sức. Trong tôi trỗi lên nỗi khát khao được như các anh. Đêm về, tôi mơ thấy mình mặc bộ quân phục của người lính thật đẹp và kiêu hãnh. Những ngày sau đó tôi không thể làm được việc gì, trong đầu cứ hiện lên hình ảnh của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Tôi ước được như những người lính ấy, được yêu thương và được mến trọng.
Tôi nhớ mãi ngày 2.3.1992, ngày ước mơ thành sự thật - tôi trở thành anh bộ đội. Lúc tôi lên đường đến đơn vị, mẹ chạy theo nước mắt ngắn dài, quần xăn ống xổ đưa tôi nắm xôi mà dặn rằng: “Con ơi, cố gắng lên con, đừng làm mất mặt gia đình, xóm làng…”.
Những ngày đầu vào quân ngũ tôi đã khóc rất nhiều, vì vào đây được ăn no, mặc ấm (lúc ấy dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước vẫn dành sự chăm lo đặc biệt ưu ái cho bộ đội) và mỗi lần như thế tôi lại trào nước mắt. Tôi nhớ ba mẹ và thương những đứa em ở nhà đang phải lo chạy từng bữa cơm, gian nhà dột nát mùa đông không đủ ấm. Nhất là trong những ngày hành quân xa, qua mỗi xóm làng, nhìn thấy khói bếp nhà ai tỏa lên, lòng tôi lại da diết nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người con gái mà tôi thầm yêu, trộm nhớ… và nhớ lời mẹ dặn.
Nỗi nhớ nhà cũng nguôi dần nhờ tình cảm đồng đội và sự quan tâm, yêu mến của những người dân nơi chúng tôi đi qua. Hạnh phúc và tự hào khi được khoác trên mình màu xanh áo lính, được mọi người âu yếm gọi với cái tên “chú bộ đội”, được nghe các cháu nhỏ nghêu ngao hát bài “Chú bộ đội đi xa”. Tôi thấy thiêng liêng biết bao khi đồng đội gọi nhau là “đồng chí”. Nhìn tôi đĩnh đạc trong bộ quân phục, mũ gắn sao vàng, vai đeo quân hàm... có lẽ ba mẹ tôi sẽ rất tự hào. Tôi tự thấy mình đã lớn lên, thấy mình đang làm một nhiệm vụ hết sức lớn lao và cao cả.
Người con gái sau này là vợ tôi, mặc dù cha mẹ cô ấy hết sức ngăn cản, bởi ông bà đã trải qua cuộc chiến, chịu nhiều mất mát, đau thương. Ông bị nhiễm chất độc da cam, sinh ra những đứa con hình hài không đầy đặn. Ông bà chỉ còn một mụn con, vì vậy luôn khuyên nhủ cô ấy đừng lấy chồng bộ đội. Vợ tôi ngày ấy đã cười mà rằng “Bộ đội thời bình mà lo gì”.
Năm 1998, lụt dữ dội, miền Trung ngập trắng lũ, thiệp hồng đã gửi đi khắp nơi, chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày cưới mà tôi cùng đồng đội đang ở vùng ngập lụt nhất của tỉnh để giúp nhân dân dọn dẹp dựng nhà sau lũ. Đơn vị tôi chạy đua với thời gian vì hàng nghìn người dân đang phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”... Cuối cùng, nhiệm vụ cũng kịp hoàn thành, đồng đội về chia vui trong ngày cưới của chúng tôi, gương mặt ai cũng đen đúa nhưng đầy sự hân hoan trong niềm vui chung của đồng đội. Đám cưới ngập tràn trong sắc lính - màu xanh của hy vọng, của tương lai và niềm tin.
...Ngày đứa con đầu lòng tròn tháng, tôi nhận quyết định tăng cường về công tác ở Tây Nguyên. Vợ tôi khóc, con còn đỏ hỏn mà chồng đã đi xa. Vợ tôi hiểu đây là nhiệm vụ quan trọng nhưng cô ấy cần tôi, cần một bờ vai nương tựa cho hai mẹ con khi trái gió, trở trời.
Vùng đất mà tôi cùng đồng đội “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số” là xã Thuận An, huyện Đắk Mil (nay thuộc tỉnh Đắc Nông; giáp biên giới với Campuchia). Tôi ở trong ngôi nhà sàn của một gia đình đồng bào dân tộc Mơ Nông. Gia đình này và cùng nhiều gia đình khác bị bọn xấu lợi dụng chiêu bài tôn giáo để lừa gạt đồng bào nhẹ dạ, cả tin chống lại đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, lôi kéo bỏ làng, bỏ nương rẫy để đi đến xứ sở “hào hoa”, “tráng lệ”, nơi không cần làm mà có ăn, nhưng rồi ê chề sống trong những trại tỵ nạn, đói khát, bệnh tật... Bằng tình thương và trách nhiệm chúng tôi đã dần cảm hóa, vận động những người lầm đường, lạc lối trở về với buôn làng, với vợ con. Chúng tôi học tiếng của đồng bào và tìm hiểu phong tục, tập quán; cùng bà con lên nương, xuống ruộng, hướng dẫn bà con định canh định cư, biết trồng cây lúa nước; dạy các em học chữ... Chúng tôi là con, là em của nhân dân, “xa dân nhớ, ở dân thương”.
Nhiều người hỏi tôi có ngại hy sinh, gian khổ khi nhận nhiệm vụ ở nơi nguy hiểm, có thấy thiệt thòi khi con còn quá nhỏ? Tôi xin được tự hào trả lời rằng, để bảo vệ Tổ quốc thì dù nơi hải đảo, biên giới, hay trên bất cứ mặt trận nào, người lính chúng tôi luôn sẵn sàng. Nhiệm vụ của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc và nhân dân.
HÀ AN