Người Việt trong "tâm bão" của đồng rúp

QUỐC HƯNG 19/12/2014 10:23

Việc đồng ruble (rúp) của Nga vừa bắt đầu hồi phục nhẹ sau khi trượt giá kỷ lục so với đồng USD chưa thể xóa tan nỗi lo lắng của cộng đồng người Việt kinh doanh tại Nga.

Ngay sau khi Ngân hàng Trung ương Nga “bơm” gần 2 tỷ USD để can thiệp và điều tiết tiền tệ, đồng thời tăng lãi suất từ mức 10,5% hiện nay lên 17% - mức tăng mạnh nhất trong vòng 15 năm qua, đồng rúp giao dịch ngày 17.12 ở mức 72,7 rúp so với đồng USD, mất khoảng 50% giá trị so với đồng USD tính từ đầu năm nay, bắt đầu tăng nhẹ và hiện ở mức khoảng 60 rúp/USD.

Một góc chợ tại Moscow (Nga). (Ảnh: tuwien.ac)
Một góc chợ tại Moscow (Nga). (Ảnh: tuwien.ac)

Trong cuộc họp với khối tài chính - kinh tế của chính phủ, ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương và những người đứng đầu của các công ty lớn thuộc ngành năng lượng và công nghiệp luyện kim, Thủ tướng Nga D.Medvedev khẳng định, hai nguyên nhân khiến đồng rúp mất giá phi mã như hiện nay là giá dầu mỏ thế giới giảm mạnh cùng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga. Để khôi phục và ổn định tỷ giá đồng rúp, ông D.Medvedev cho biết sẽ “thông qua một loạt các quyết định, bao gồm việc tăng khối lượng tái cấp vốn ngoại tệ cho các ngân hàng, bảo đảm cân đối cung cầu ngoại tệ, tăng thanh khoản ngoại tệ trong trường hợp cấp tín dụng”.

Sự biến động của đồng rúp không những khiến người dân Nga hoang mang mà cộng đồng kinh doanh người Việt tại Nga cũng vô cùng lo lắng. Hiện có hàng chục nghìn người gốc Việt sinh sống và làm ăn tại Nga và phần lớn là các tiểu thương bán lẻ. Trong bối cảnh nền kinh tế Nga gặp khó khăn, khắp các khu chợ lớn của Moscow, nơi có bà con người Việt làm ăn bán buôn như  Trung tâm thương mại Moscow, tức chợ Liu, và Trung tâm thương mại Sadovod tức chợ Chim, tình hình buôn bán hiện diễn ra rất ảm đạm.
Một chủ tiệm hàng hóa tại khu chợ Moscow cho biết, khi đồng rúp mất giá, việc thu được tiền nợ hàng hóa của khách hàng khiến người bán không thể lấy lại được giá trị như ban đầu của nó. Hay như người bán hàng sẽ không biết tính giá thế nào là vừa, tính giá cao quá thì người ta không mua, tính giá thấp quá thì bị lỗ. Hơn nữa, hàng hóa nhập khẩu tăng giá lên trong khi lương của dân chúng bằng rúp không thay đổi, như vậy sức mua càng giảm. Nhiều tiểu thương còn cho biết, khi tết cổ truyền đã cận kề, họ cần bán được nhiều mặt hàng để kiếm tiền gửi về gia đình ở quê nhà và chuẩn bị cho năm mới đến.

Anh Thanh, một doanh nhân buôn bán và làm việc tại Nga hơn 20 năm nay cho biết, áo quần là một trong những mặt hàng rất bán chạy tại Nga. Điểm đáng mừng là mùa đông năm nay tại các quầy hàng của những người Việt, mẫu mã các mặt hàng do người Việt sản xuất rất bắt mắt, màu sắc rất được ưa chuộng và chất lượng giờ đây có thể cạnh tranh với mặt hàng từ các nước, nhất là từ Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc, đồng rúp rớt giá, các tiểu thương người Việt ở các chợ tại Nga phải thuê chỗ bán hàng, nên gặp càng nhiều khó khăn. Mọi người hy vọng là tình hình sẽ mau chóng được giải quyết. Bởi từ trước đến nay, những người Việt kinh doanh tại Nga đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng tiền tệ như thế, nên hy vọng nước Nga sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng lần này.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG