Đi tìm hy vọng

K.LINH - T.ĐẠI - Q.QUỲNH - A.ĐÔNG 16/12/2014 12:19

Mỗi người mỗi cảnh, dù tật nguyền hay lành lặn, họ đều biết tìm niềm vui sống cho riêng mình.

1. Bán báo nuôi con vào đại học

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Nam (xã Tiên Hiệp, Tiên Phước) tại Hội An khi ông vừa đi bán báo về. Câu chuyện về ý chí, nghị lực và tình yêu thương của người bố tật nguyền thắp sáng ước mơ cho con đủ sức làm xúc động nhiều người. Mới sinh ra ông Nguyễn Đình Nam đã mắc phải căn bệnh bại liệt. Lớn lên như bao đứa trẻ quê khác, hằng ngày ông vẫn phải ra đồng lao động cùng ba mẹ như những người bình thường. “Dù đi lại khó khăn nhưng bố mẹ ra đồng là tôi cũng đi theo để tập làm. Bố mẹ đứng cuốc đất, thì mình ngồi cuốc tuy làm được ít nhưng cũng thấy vui. Ngoài công việc đồng áng, tôi còn phụ giúp gia đình nuôi heo, gà, đi hái chè” - ông Nam kể. Nhờ siêng năng, ông Nam không chỉ phụ giúp gia đình và tự nuôi sống bản thân mà còn rèn luyện cho mình một nghị lực sống mãnh liệt. Ông trở thành tấm gương điển hình về ý chí vượt khó cho thế hệ thanh niên Tiên Hiệp lúc bấy giờ.

Nhưng khi lập gia đình, gánh nặng mưu sinh khó khăn hơn với một người tật nguyền như ông. Để lo cho con cái ăn học, vợ chồng ông suốt ngày lam lũ làm việc nhưng vẫn không đủ thiếu gì. Sau nhiều đêm trăn trở không ngủ, ông quyết định xuống Hội An tìm việc làm, kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Người lành lặn đã không dễ dàng, với người khuyết tật như ông công việc còn khó khăn gấp bội, nhưng nghĩ đến vợ con ông như được tiếp thêm sức mạnh. Hết bán vé số rồi bán báo, trên chiếc xe lăn ông len lỏi khắp phố phường, dành dụm mỗi tháng 700 - 800 nghìn đồng gửi về nhà cho vợ nuôi con. Hơn 14 năm lặn lội nơi phố phường mưu sinh, bất kể trời nắng hay mưa, niềm vui và cũng là động lực lớn nhất đối với ông Nam là hai con đều học hành đến nơi đến chốn. Cô con gái đầu Nguyễn Thị Nhã Ca thi đậu vào ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng với số điểm cao càng giúp ông có thêm sức mạnh bền bỉ cho những năm tháng tới của mình. “Tôi năm nay đã 58 tuổi, sức khỏe cũng yếu lắm, ráng vài năm nữa cho con bé ra trường ổn định việc làm rồi tôi cũng về quê nuôi gà vịt nghỉ cho nhẹ nhàng… ”- ông Nam tâm sự.

2. Làm giàu từ… gỗ phế liệu

Tốt nghiệp Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh năm 2006, anh Đặng Ngọc Thọ (thôn Quý Hương, xã Bình Quý, Thăng Bình) có hơn 6 năm bôn ba làm việc xa quê. Một ngày đầu năm 2012, anh quyết định rời phố về quê phấn đấu làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Về quê, Thọ suy nghĩ khá nhiều trong vấn đề chọn nghề, chọn hướng làm ăn. Anh đã bỏ nhiều thời gian tìm nghề, nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, cuối cùng anh nhận thấy các xưởng sản xuất các sản phẩm từ gỗ loại ra rất nhiều phế liệu từ đó xuất hiện ý tưởng tận dụng phế liệu gỗ nói trên để phục vụ cho ngành mây tre đan. Ban đầu, Thọ chỉ mở xưởng chế biến gỗ phế liệu nhỏ nhưng đến nay anh đã thành lập công ty. Gỗ phế liệu được công ty của Thọ mua về từ nhiều nguồn ở khắp các địa phương, mỗi loại sẽ được xử lý và sẽ có giá trị sử dụng riêng. Có lẽ trong suy nghĩ của nhiều người, những mảnh gỗ phế liệu thì chỉ có vứt đi hoặc dùng để làm vật liệu đun nấu. Nhưng ở cơ sở này, từng mảnh gỗ phế liệu sẽ được công nhân tỉ mỉ nhổ từng cây đinh, cắt gọt và mài dũa cho ngay ngắn và tập kết lại vận chuyển đến nơi sản xuất.

Hiện nay, công ty của Thọ đang hoạt động ổn định với tổng thu nhập hằng năm khoảng 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 600 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, công ty của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động với mức thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng. Nhân công ở đây chủ yếu là những người lớn tuổi, ở địa phương không xin được việc ở các khu công nghiệp, những người có hoàn cảnh khó khăn. Một vài người biết làm nghề, có sức khỏe thì vận hành máy xẻ gỗ, người có tay nghề cao phụ trách những công việc kỹ thuật, còn phụ nữ, người lớn tuổi thì đánh giấy ráp, thu gom phế liệu, mùn cưa… “Công việc cũng tương đối nhẹ nhàng, không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật. Khi về làm ở đây, mình thấy cuộc sống ổn định” - anh Nguyễn Văn Sỹ, một nhân công chia sẻ.

Mô hình kinh tế khá mới mẻ đã được Thọ đầu tư đúng hướng và cho ra những kết quả khá bất ngờ. Thọ chia sẻ: “Làm gì cũng phải biết nắm bắt cơ hội, sau khi suy nghĩ thật kỹ thì phải quyết đoán. Tôi nghĩ làm kinh tế nếu có kế hoạch, lộ trình rõ ràng thì phải mạnh dạn đầu tư. Mình còn trẻ chẳng may thất bại vẫn còn đủ thời gian làm lại từ đầu”. Vừa qua, anh Thọ vinh dự được Huyện đoàn Thăng Bình tuyên dương là một trong những thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Thọ chia sẻ, anh mong muốn các ngành liên quan và Đoàn Thanh niên cần tăng cường giới thiệu các mô hình kinh tế, hỗ trợ kiến thức giúp cho thanh niên tiếp cận được những cơ chế chính sách để phát triển kinh tế.

3. Chàng sinh viên đam mê công nghệ thông tin

Gần 4 năm nay, người dân ở gần Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã quen thuộc với hình ảnh chàng sinh viên đặc biệt Phan Anh Toàn, quê Ái Nghĩa, Đại Lộc (Khoa Công nghệ thông tin) mỗi sáng, chiều nhẫn nại kéo đôi chân teo tóp đến trường. Năm 2 tuổi, Toàn mắc bệnh bại liệt. Đến năm 10 tuổi, Toàn mới vào lớp 1. Sau 12 năm nỗ lực học tập, Toàn luôn đạt những thành tích đáng nể cùng với nghị lực, ý chí kiên cường. Theo Toàn, động lực để vượt qua khó khăn và đạt thành tích chính là những tấm gương sáng của các anh chị khuyết tật đi trước đã giúp em vượt lên số phận. “Mỗi tối trước khi ngủ em thường nhủ lòng, nhiều người còn thiếu may mắn, bị dị tật nặng hơn mà vẫn đứng dậy, vẫn thành công thì tại sao bản thân mình lại không làm được. Mình phải làm được” - Toàn tâm sự.

Ngoài giờ học trên lớp, em tích cực nhắn tin qua điện thoại, e-mail hoặc gặp trực tiếp để hỏi bài. Khâm phục trước nghị lực vượt khó của Phan Anh Toàn, thầy cô và bạn bè trong lớp luôn tạo điều kiện giúp đỡ. Sinh viên Lê Việt Tuấn, bạn học cùng lớp Toàn nhận xét: “Toàn dù không lành lặn nhưng tinh thần nỗ lực, lạc quan của bạn ấy luôn là tấm gương sáng cho chúng tôi ngưỡng mộ học tập”. Noi gương anh, người em trai của Toàn là Phan Anh Tuyên cũng thi đậu vào Trường Cao đẳng Kinh tế kế hoạch Đà Nẵng. Tuyên tâm sự: “Em quyết tâm học tập thật tốt để không phụ sự mong chờ của ba mẹ, nhất là tình cảm của anh trai, bởi anh Toàn không chỉ là người bạn học tập mà còn là thần tượng của em”.

K.LINH - T.ĐẠI - Q.QUỲNH - A.ĐÔNG

K.LINH - T.ĐẠI - Q.QUỲNH - A.ĐÔNG