Động lực cho xã đảo

NGUYỄN QUANG VIỆT 11/12/2014 08:36

HĐND tỉnh đang xem xét các tiêu chí, điều kiện để thông qua nghị quyết công nhận 2 xã Tân Hiệp (TP.Hội An) và Tam Hải (Núi Thành) là xã đảo. Đây là động lực để giúp các địa phượng này phát huy tiềm năng, có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Động lực phát triển du lịch

Xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) sở hữu Khu bảo tồn biển của Việt Nam và Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Tận dụng các ưu điểm do thiên nhiên ban tặng, nhiều năm qua, Tân Hiệp ưu tiên phát triển ngành du lịch. Theo thống kê của UBND xã Tân Hiệp, trong năm 2013, có đến 170 nghìn lượt khách đến tham quan đảo. Tổng lượt khách lưu trú trong năm 2013 là 2.250 lượt. Hiện tại, toàn xã có 96 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch. Hoạt động du lịch cộng đồng tại Tân Hiệp đã giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tân Hiệp có sức thu hút đặc biệt với du khách. Ảnh: N.Q.V
Tân Hiệp có sức thu hút đặc biệt với du khách. Ảnh: N.Q.V

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống giao thông trên đảo chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, tuyến đường nối 2 điểm du lịch chính của xã là thôn Bãi Làng và Bãi Hương xuống cấp. Nhiều năm qua, tuyến đường dài 5km này không được đầu tư, gia cố nên xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi, nhiều đoạn bị xói lở. Xã Tân Hiệp còn gặp nhiều trở ngại trong phát triển du lịch do các di tích bị xuống cấp nhưng chưa đủ kinh phí để trùng tu. Hệ thống nước sạch dù đã được đầu tư ở thôn Bãi Bìm và đưa vào sử dụng từ năm 2013 đến nay nhưng luôn bị thiếu nước ở mùa khô. Trong khi đó, đội ngũ y, bác sĩ ở đảo còn thiếu, trang thiết bị y tế còn hạn chế… nên đời sống của người dân vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, với điều kiện cách xa đất liền đến 20km, giao thông cách trở nên đời sống vật chất và tinh thần của quân và dân ở Cù Lao Chàm còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, các điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội của xã cũng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Để phát triển du lịch cũng như ổn định đời sống của quân và dân trên đảo, rất cần nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng. Song vấn đề này vượt quá khả năng của xã, cần sự hỗ trợ của tỉnh và trung ương theo cơ chế đặc thù đối với xã đảo. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Nếu Tân Hiệp được công nhận là xã đảo, chúng tôi sẽ khẩn trương hoàn thiện đề án phát triển kinh tế - xã hội của xã theo các nội dung mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trong Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 trình các cấp có thẩm quyền. Theo đó, địa phương ưu tiên đầu tư hạ tầng kinh tế để Tân Hiệp hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho quân và dân trên đảo, tạo điều kiện phát triển du lịch”.

Khai thác thế mạnh thủy, hải sản

Các tiêu chí và điều kiện để công nhận xã đảo
Căn cứ vào Quyết định số 569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để được công nhận là xã đảo, xã Tân Hiệp đáp ứng được 2 tiêu chí. Thứ nhất là có 1.549,13ha diện tích tự nhiên là đảo (100%); thứ 2 là trên địa bàn xã có 594 hộ, 2.284 nhân khẩu sinh sống, đồng thời có 2 đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo. Đối với xã Tam Hải, địa phương đáp ứng được 2 tiêu chí là có 1.330/1.560,7ha diện tích tự nhiên là đảo; Tam Hải có 2.260 hộ với 7.385 nhân khẩu định cư sinh sống, đồng thời có 2 đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn.

Xã Tam Hải cách trung tâm huyện Núi Thành khoảng 12km về phía đông bắc. Đây là địa phương có vị trí địa lý rất đặc biệt khi bốn bề được bao bọc bởi sông và biển. Ngành kinh tế mũi nhọn của xã là phát triển thủy, hải sản. Theo thống kê của UBND xã Tam Hải, đến thời điểm này, toàn xã có 415 phương tiện khai thác hải sản, trong đó có 26 phương tiện đánh bắt xa bờ với tổng công suất 11.523CV. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm của xã đạt khoảng 3 nghìn tấn. Về nuôi trồng thủy sản, những năm qua, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân, nhưng hệ lụy của nghề này là làm ô nhiễm môi trường.

Theo ông Phan Như Tường - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, thời gian qua các nghề khai thác thủy sản như rớ, lưới câu của người dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do việc nạo vét luồng lạch ở cảng Kỳ Hà, do sông Trường Giang ngày càng biến động. Ngoài ra nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn, nhiễm sắt rất nặng. Người dân ở 2 thôn ốc đảo là Xuân Mỹ và Long Thạnh Tây thiếu nước sinh hoạt, phải thường xuyên chèo thuyền đi mua nước về khiến đời sống càng khó khăn hơn. “Tam Hải là xã có đặc thù để phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do người dân không đủ nguồn lực nên kinh tế chậm phát triển. Do kinh tế chưa ổn định nên tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương vẫn còn cao. Cùng với đó là các điều kiện hạ tầng như điện, nước, giao thông hết sức bấp bênh, trạm y tế xuống cấp, trường lớp chật hẹp… Căn cứ vào các tiêu chí và điều kiện theo quy định để công nhận là xã đảo, chúng tôi rất mong được công nhận là xã đảo. Từ đây, địa phương sẽ lập nên đề án phát triển kinh tế - xã hội, qua đó có điều kiện đầu tư cho các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, thúc đẩy quá trình phát triển, đặc biệt là lĩnh vực thủy, hải sản” - ông Tường nói.

Ông Phan Như Tường cũng cho biết, xã Tam Hải đang phối hợp với các cấp ở huyện và ở tỉnh để lập hồ sơ, xem xét các trường hợp vay vốn của ngư dân theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ. “Xã Tam Hải được UBND tỉnh phân cấp đóng mới, cải hoán nâng cấp 6 tàu cá có công suất từ 400CV trở lên để hoạt động tại các vùng biển xa. Chúng tôi đang đề xuất với huyện và tỉnh, căn cứ cụ thể vào điều kiện phát triển thủy sản của địa phương để có thể phân bổ thêm. Bởi đây là điều kiện tiên quyết để ngư dân hiện đại hóa phương tiện đánh bắt hải sản, giải quyết thêm lao động và tăng thu nhập” - ông Tường nói thêm.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT