Siết chặt quản lý cơ sở mầm non tư thục

VĂN HÀO 27/11/2014 08:33

Sau vụ việc một cháu bé tử vong tại cơ sở mầm non, UBND TP.Tam Kỳ vừa yêu cầu các xã, phường phối hợp với Phòng GD-ĐT thành phố tăng cường công tác quản lý, chỉnh đốn hoạt động của các trường lớp, nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bàn.

Tăng cường giám sát

Vụ việc cháu bé 15 tháng tuổi Phạm Bảo H. tử vong tại nhóm lớp mầm non Hồng Hà (phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) vừa qua khiến không ít bậc phụ huynh có con gửi trẻ phải “giật mình”. Qua đó cũng đặt ra nhiều suy nghĩ cho các nhà quản lý giáo dục, chính quyền sở tại trực tiếp quản lý nhóm lớp mầm non tư thục này. Còn dư luận thì đang thắc mắc, hiện tại ở Tam Kỳ còn bao nhiêu cơ sở mầm non tư thục chưa được cấp giấy phép hoạt động như cơ sở Hồng Hà?

Nhóm trẻ Sen Hồng (phường Trường Xuân) là một trong những cơ sở tư thục được ngành giáo dục TP.Tam Kỳ đánh giá cao về chất lượng hoạt động. Ảnh: V.H
Nhóm trẻ Sen Hồng (phường Trường Xuân) là một trong những cơ sở tư thục được ngành giáo dục TP.Tam Kỳ đánh giá cao về chất lượng hoạt động. Ảnh: V.H

Ông Nguyễn Thọ Pha - Phó Chủ tịch UBND phường An Sơn cho biết đến thời điểm này, địa phương đã cấp giấy phép hoạt động cho 4 nhóm lớp, 7 nhóm lớp còn lại đang chờ thẩm định hoặc trong quá trình củng cố hồ sơ. Sau sự cố đáng tiếc vừa qua, địa phương đã tiến hành kiểm tra, tổng rà roát lại và mời đại diện tất cả cơ sở trên đến làm việc, cùng tìm giải pháp giám sát, phương hướng hoạt động. Ông Pha cho biết: “Khách quan mà nói, những cơ sở mầm non tư thục này đã giải quyết đáng kể nhu cầu gửi trẻ của người dân. Với gần 900 trẻ 0 - 5 tuổi, nếu đóng cửa các cơ sở chưa được cấp phép thì tình trạng quá tải tại địa phương là điều hiển nhiên. Vì những cơ sở trên đã làm hồ sơ, thủ tục chờ được cấp phép nên địa phương vẫn đang tạo điều kiện để các nhóm lớp này hoạt động. Tuy nhiên sắp tới, khi phối hợp với Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ đi thẩm tra, kiểm định, nhóm lớp nào không hội đủ tiêu chuẩn thì chúng tôi sẽ cho giải thể ngay”. Ông Pha cho biết thêm, địa phương đang rốt ráo xử lý những trường hợp trông trẻ tại nhà, không bằng cấp, không đảm bảo yêu cầu. “Qua đợt kiểm tra ngày 18.11, chúng tôi phát hiện và lập biên bản một chỗ giữ trẻ tự phát không đủ tiêu chuẩn tại khối phố 8. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức hội như phụ nữ, cảnh sát khu vực, cựu chiến binh… vào cuộc quyết liệt để tăng cường vai trò giám sát” - ông Pha nói.

Thực chất vai trò giám sát của các tổ chức hội ở nhiều địa phương chưa được phát huy đúng mức, vẫn còn thờ ơ. Và nếu cứ quẩn quanh chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” thì những sai phạm vẫn còn hiện hữu. Về phía các bậc phụ huynh, ít ai quan tâm đến chuyện bằng cấp người trông trẻ hay giấy phép hoạt động. Họ gửi con dựa trên mối quen biết, đến khi xảy ra sự cố thì mới vỡ lẽ. Còn với cơ quan trong ngành, ông Bùi Tấn Nhã - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ cho biết, sắp tới sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành tổng kiểm tra để đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép đối với những nhóm lớp không đảm bảo quy định.

Nâng cao năng lực người trông trẻ

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn TP.Tam Kỳ hiện có 85 nhóm lớp mầm non tư thục, trong đó có đến 58 cơ sở chưa được cấp giấy phép hoạt động (chiếm 68,2%). Ngày 18.11.2014, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - ông  Nguyễn Văn Lúa ra công văn gửi các ban ngành, địa phương yêu cầu tăng cường công tác quản lý trường lớp, nhóm lớp mầm non ngoài công lập. Theo đó yêu cầu các xã, phường thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với những nhóm lớp chưa được cấp phép để người dân biết, theo dõi.

Theo quy định, những người trực tiếp giữ trẻ phải có trình độ từ trung cấp sư phạm mầm non trở lên. Ông Bùi Tấn Nhã cho rằng, để nâng cao hơn nữa năng lực trông giữ trẻ thì không chỉ dừng lại ở chuyện bằng cấp mà đội ngũ này cần phải thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, cần tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ, ứng biến kịp thời với những tình huống. “Khi trẻ bị sặc cơm, sặc cháo hay xảy ra bất cứ một sự cố nào thì đòi hỏi “bảo mẫu” phải có tâm lý vững vàng để xử lý một cách khoa học. Phòng Giáo dục thành phố những năm qua cũng đã tổ chức những lớp tập huấn để nâng cao năng lực giữ trẻ mầm non” - ông Nhã nói.

Trước những vụ bạo hành trẻ em trên phạm vi cả nước gây bức xúc dư luận, tháng 3.2014, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo “Quản lý nhóm lớp mầm non tư thục độc lập”, trong đó mổ xẻ đến vấn đề đạo đức, tư cách người giữ trẻ. Tháng 5.2014, Bộ GD-ĐT ra Quyết định số 1923/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Thực hiện quyết định này, tại Quảng Nam, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh đã hợp đồng với các giáo viên giàu kinh nghiệm từng công tác tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng vào tham gia giảng dạy khóa đầu tiên bắt đầu từ tháng 9 - 12.2014. “Hiện chúng tôi đang bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc trẻ cho 36 học viên. Sau sự cố tại nhóm lớp mầm non Hồng Hà, nhu cầu người đến đăng ký học tăng và chúng tôi dự tính sắp xếp mở lớp kế tiếp vào đầu năm 2015” - ông Huỳnh Ngọc Thục, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh nói.

VĂN HÀO

VĂN HÀO