Nỗi lo nợ bảo hiểm xã hội

DIỄM LỆ 25/11/2014 10:12

Nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn là nỗi lo dai dẳng khi con số nợ đến hết tháng 10.2014 đã là 136,9 tỷ đồng.

Nợ kéo dài

Đến nay, còn 41 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Điện Bàn nợ BHXH trên 6 tháng với 8,7 tỷ đồng. Theo ông Lê Cao Diện - Giám đốc BHXH huyện Điện Bàn, tỷ lệ nợ BHXH hiện nay dừng ở 4,5%, chủ yếu tập trung vào diện nợ xấu, khó đòi. Những doanh nghiệp nợ chây ì nhất có thể kể đến như Công ty TNHH Dịch vụ Bảo Tiêu (Điện Ngọc) nợ 216 triệu đồng đã 35 tháng, Công ty TNHH Quang Minh (KCN Điện Nam - Điện Ngọc) nợ 79 tháng với 589 triệu đồng, Công ty TNHH Haba (Điện Hòa) nợ 313 triệu đồng đã 81 tháng... Những doanh nghiệp này BHXH huyện Điện Bàn đều đã khởi kiện ra tòa, đã có bản án nhưng không thể thi hành án vì không có tài sản hoặc tài sản thanh lý không được. Người lao động chờ chế độ lâu thì bỏ việc, bỏ luôn quyền lợi trong thời gian làm việc cho các công ty này, tìm việc khác. “Quyền lợi của người lao động bị xâm phạm trắng trợn như vậy đó, nhưng chế tài chưa mạnh nên doanh nghiệp cứ phớt lờ, dù có kiện nhưng chưa chắc thi hành án được để bảo vệ người lao động” - ông Diện cho hay.

Khi doanh nghiệp để nợ BHXH kéo dài, quyền lợi của người lao động bị xâm phạm nghiêm trọng. Ảnh: D.L
Khi doanh nghiệp để nợ BHXH kéo dài, quyền lợi của người lao động bị xâm phạm nghiêm trọng. Ảnh: D.L

Ở huyện Thăng Bình, câu chuyện nợ khó đòi cũng không khác. Đến cuối tháng 9.2014, số nợ khó đòi là 5,9 tỷ đồng. Các doanh nghiệp nợ kéo dài nhất như Công ty CP Sành sứ Thăng Bình (nợ 816 triệu đồng trong 24 tháng), Công ty TNHH Nguyên Bình (nợ 271 triệu đồng trong 35 tháng), Công ty TNHH Đông An (nợ 500 triệu đồng đã 37 tháng)... BHXH huyện Thăng Bình đã nộp hồ sơ kiện 3 đơn vị trên, nhưng đến nay tòa án chỉ mới xử một vụ của Công ty TNHH Nguyên Bình, vẫn chưa thi hành án được vì công ty này đã giải thể, tài sản đã bán cho người khác, người lao động nghỉ việc và đi làm nơi khác.

Người lao động thiệt thòi

Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến ngày 31.10.2014, nợ BHXH trên toàn tỉnh hơn 136,9 tỷ đồng, tăng hơn 9,6 tỷ đồng so với tháng 9.2014, chiếm 6,36% so với kế hoạch. Nợ xấu và kéo dài trên 6 tháng tập trung chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp. Mặc dù có doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng vẫn không trích đóng BHXH cho người lao động, lấy nguồn tiền này đưa vào sản xuất kinh doanh và chấp nhận nộp phạt do lãi suất thấp; hoặc có doanh nghiệp thực sự khó khăn, không có khả năng đóng bảo hiểm do sản xuất kinh doanh đình trệ; hoặc doanh nghiệp cố tình chiếm dụng, dù có thu của người lao động nhưng không trích nộp.

Gần hết năm, ông Dư Văn Lộc (nguyên là nhân viên Công ty CP Đầu tư xây dựng Quảng Nam) đến cơ quan BHXH tỉnh nhiều lần, tự nguyện đóng BHXH và giải quyết chế độ một lần. Tuy nhiên, yêu cầu của ông khó được giải quyết, vì công ty nơi ông từng công tác còn nợ tiền BHXH từ tháng 5.2010 đến tháng 10.2014 hơn 507 triệu đồng, có nhiều văn bản cam kết nhưng công ty không thực hiện việc trích đóng BHXH cũng như trả nợ. BHXH tỉnh đã khởi kiện công ty này, đang đề nghị thi hành án để thu hồi nợ. Vì thế, ông Lộc xin tự đóng từ tháng 5.2010 đến tháng 12.2010 để được chốt sổ BHXH là không đúng quy định. Sổ BHXH của ông Lộc đã được chốt đến thời điểm đơn vị nợ là tháng 4.2010, nếu ông muốn được đóng đến thời điểm tháng 12.2010 là thời gian ông nghỉ việc thì ông Lộc phải làm việc với công ty cũ, yêu cầu công ty này nộp đủ tiền cho ông để ông được chốt sổ BHXH và được giải quyết chế độ. Theo BHXH tỉnh, có hàng nghìn trường hợp như vậy trên địa bàn toàn tỉnh không được giải quyết chế độ khi các công ty để nợ kéo dài. Danh sách các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH cứ thế dài hơn, kéo theo đó là quyền và lợi ích của hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thời điểm cuối năm, mọi kế hoạch được đưa ra đều phải được thực hiện “nước rút”. Nhưng việc thu hồi nợ đọng dù có đặt quyết tâm cao từ BHXH tỉnh đến huyện vẫn không thể thực hiện do sự bất hợp tác từ phía doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã khởi kiện 27 doanh nghiệp nợ đọng kéo dài nhằm thu hồi số tiền gần 27 tỷ đồng, sau khởi kiện đã thu hồi được hơn 11 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm 2014, BHXH tỉnh phải kéo con số nợ BHXH về tỷ lệ 4,5% theo kế hoạch của BHXH Việt Nam giao. Ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: “Nhiệm vụ này không chỉ mỗi cơ quan BHXH có thể thực hiện, mà rất cần sự phối hợp của các doanh nghiệp trong toàn tỉnh, cũng như sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc của các cơ quan liên quan. Chúng tôi đã tham mưu và đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo hoặc thành lập các đoàn thanh tra liên ngành, kết hợp với tổ thu hồi nợ của BHXH để công tác thu hồi nợ khả quan hơn”.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ