Điểm sáng miền duyên hải
Trong thời điểm tổ chức Đoàn, Hội của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ nói chung đang gặp nhiều khó khăn đối với việc đoàn kết, tập hợp thanh niên, tìm kiếm mô hình hoạt động, nhất là đối với chi đoàn địa bàn dân cư, đã có không ít chi đoàn tìm được hướng đi mới nâng cao chất lượng hoạt động.
Đổi mới sinh hoạt chi đoàn là một trong những cách tập hợp thanh niên hiệu quả nhất. Ảnh: LÊ THIÊN NGÂN |
Tạo “thương hiệu”
Chi đoàn thôn Quang Châu (xã Hòa Châu, Hòa Vang) là chi đoàn duy nhất trên địa bàn TP.Đà Nẵng có trụ sở riêng với tổng diện tích khoảng 200m2, nằm ngay đầu đường dẫn vào thôn. Trụ sở này được xây dựng từ năm 2002 với 2 phòng rộng rãi, có thư viện, điện thoại… Tuy nhiên, điều làm nên “thương hiệu” của Chi đoàn thôn Quang Châu là 2 sáng kiến có giá trị thực tiễn cao, đã được nhân rộng trên địa bàn huyện Hòa Vang, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đó là công trình “Ánh sáng kiệt hẻm”, xây dựng “Nhà chứa rác cộng đồng”. Từ ý tưởng của Chi đoàn Quang Châu, qua 4 năm thực hiện, đến nay hơn 80% các đoạn đường kiệt, hẻm trên địa bàn huyện Hòa Vang đã được phủ sáng, nhiều đoàn xã đã và đang tiến hành xây dựng “Nhà chứa rác cộng đồng”.
Chính nhờ chủ động, sáng tạo trong việc đề xuất, thực hiện các hình thức tổ chức sinh hoạt đoàn nên trong khi ở những nơi khác rất khó tập hợp thanh niên, duy trì hoạt động Đoàn, Hội thì Chi đoàn thôn Quang Châu còn tiếp tục thành lập thêm 4 phân đoàn cơ sở. Sinh hoạt chi đoàn định kỳ không phải hằng tháng mà hằng tuần. Số lượng đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt thường xuyên tại chi đoàn là 40 người, khi cần có thể huy động gấp đôi. “Mỗi phân đoàn trưởng là một thủ lĩnh thanh niên ở cơ sở, có nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn, Hội” - Bí thư Chi đoàn Quang Châu, Ngô Văn Thành, cho biết.
Vì môi trường xanh
Vào lúc 20 giờ tối nay 24.11, tại Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn), Trung ương Đoàn tổ chức tuyên dương 70 chi đoàn mạnh tiêu biểu cụm duyên hải Nam Trung Bộ. Trước đó, các đại biểu tham gia hành trình về nguồn tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước), Khu sinh hoạt truyền thống Thanh thiếu nhi Nước Oa (Bắc Trà My) và Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (Tam Kỳ). |
“Môi trường xanh” là tên một câu lạc bộ (CLB) do Chi đoàn thôn Nguyên Hà (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) quản lý. Hiện CLB thu hút 40 đoàn viên thanh niên tham gia. CLB có ý tưởng sáng tạo tái chế phế liệu thành vật dụng hữu ích như tranh làm bằng giấy vụn, lò nướng bằng hộp kim loại, móc khóa bằng nắp bia… Các hoạt động này góp phần xử lý chất thải cứng có khoa học và hữu ích. Ý tưởng này của anh Nguyễn Bá Nha - Bí thư Chi đoàn thôn xuất phát từ thực trạng người dân có thói quen xả rác thải sinh hoạt bừa bãi ở khắp đường làng. Hàng ngày, anh Bá Nha cùng đoàn viên chi đoàn đi thu gom rác thải; đồng thời cử đoàn viên hướng dẫn người dân cách phân loại, xử lý rác thải và xử lý đúng quy định. Số tiền bán phế liệu sau khi phân loại được chi đoàn trích sử dụng vào việc mua quà đi thăm, tặng gia đình chính sách, trẻ em nghèo… Việc làm ý nghĩa của Chi đoàn thôn Nguyên Hà đã lôi cuốn nhiều người cùng tham gia. Nhờ đó mà đường làng, ngõ xóm ở Nguyên Hà bây giờ đã không còn rác. Anh Lương Tấn Đạo - người dân thôn Nguyên Hà nói: “Việc làm thiết thực của đoàn viên thanh niên trong thôn đã giúp chúng tôi hình thành thói quen chung tay giữ cho môi trường sạch, đẹp hơn”.
Năng động làm kinh tế
Chi đoàn thôn Tân An (xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) là chi đoàn luôn quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế trong thanh niên với việc tham gia hỗ trợ thành lập nhiều mô hình, tổ hợp tác thanh niên làm kinh tế như mô hình liên kết nước đá, nước đóng chai, tổ đoàn kết đánh bắt trên biển. Chi đoàn cũng đi đầu trong việc giúp đoàn viên, thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay và tập huấn nghề nghiệp. Bản thân anh Hồ Văn Lâm - Bí thư Chi đoàn thôn hiện là “ông chủ” nhỏ ở xã biển Bình Minh với cơ sở sản xuất nước đá có quy mô khá lớn. Anh Lâm cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất 100 - 250 cây đá; những lúc vào mùa, có ngày cơ sở sản xuất gần 300 cây đá mới đủ cung ứng. “Thời gian đến tôi dự định tiếp tục mở rộng sản xuất, tăng sản lượng. Đó cũng là cách giải quyết việc làm cho thanh niên tại địa phương” - anh Lâm nói.
Ngoài việc trợ sức thanh niên làm kinh tế, Chi đoàn thôn Tân An còn thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới với việc huy động nguồn lực làm 4,5km điện đường thắp sáng liên xóm. Bên cạnh vận động chi phí lắp đặt, thanh niên còn đứng ra đảm nhận khâu sửa chữa, kiểm tra định kỳ đảm bảo an toàn cho các đường điện chiếu sáng. Đều đặn hằng ngày, vào mỗi buổi chiều, anh Hồ Văn Lâm cùng đoàn viên thanh niên trong thôn, tiến hành kiểm tra, sửa chữa lại hệ thống đường dây, bóng đèn tại các khu dân cư trong toàn thôn.
LÊ THIÊN NGÂN