Không bột khó gột nên hồ

ANH SẮC 21/11/2014 13:33

Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh hàng năm tập trung đào tạo, huấn luyện cho khoảng 160 vận động viên (VĐV) của 9 bộ môn, trong đó hầu hết là các môn võ. Ngoại trừ môn điền kinh tập luyện ngoài trời nhiều hơn, các môn còn lại đều phải tập luyện trong nhà. Dù vậy, lâu nay trường chỉ có một địa điểm để luyện tập là Nhà tập luyện TD-TT tỉnh với diện tích khiêm tốn 800m2. Trong đó, gần 300m2 để lắp đặt trang thiết bị, chỉ còn lại hơn 500m2 cho các VĐV tập luyện. Nhằm giảm tải, bên cạnh đưa bộ môn Taekwondo sang tập luyện tại Nhà thi đấu TD-TT tỉnh, tận dụng nhà bếp cũ làm nơi tập luyện của bộ môn Wushu, nhà trường chia các bộ môn thành nhiều ca tập luyện trong ngày. Thế nhưng, do diện tích Nhà tập luyện TD-TT tỉnh quá chật hẹp khiến cho việc luyện tập gặp không ít khó khăn. Chứng kiến hình ảnh các VĐV luyện tập trong không gian khá chật chội nhiều người không khỏi băn khoăn về chất lượng.

Các VĐV Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh tập luyện trong không gian khá chật chội.Ảnh: A.SẮC
Các VĐV Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh tập luyện trong không gian khá chật chội.Ảnh: A.SẮC

Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh chỉ là một trong những đơn vị đang khó khăn về cơ sở vật chất bởi hiện nay nhiều địa phương, đơn vị cũng gặp tình trạng tương tự. Kể từ khi sân vận động Tam Kỳ chuyển giao cho Câu lạc bộ bóng đá QNK Quảng Nam quản lý, gần như mọi hoạt động liên quan đến bóng đá của tỉnh đều “chia tay” sân Tam Kỳ. Giải bóng đá vô địch tỉnh Quảng Nam những năm gần đây đưa về Hội An, Quế Sơn, hoặc ra Thăng Bình để tổ chức. Đưa các giải thể thao về cơ sở để phát động phong trào, giúp cho người dân các địa phương được thưởng thức là một chủ trương đúng của ngành TD-TT. Tuy nhiên, người dân TP.Tam Kỳ cũng cần được xem bóng đá phong trào của tỉnh nói chung, đội bóng thành phố nói riêng. Cách đây hơn 1 năm, đội bóng Tam Kỳ đại diện cho tỉnh Quảng Nam thi đấu với đội bóng đại diện cho tỉnh Quảng Ngãi tại trận tranh siêu cúp Pha Din nhưng phải ra tới sân huyện Thăng Bình để đá khiến cho nhiều người không khỏi bức xúc.

Nhân nói tới TP.Tam Kỳ, cũng cần nhắc lại là khi tái lập tỉnh hồi năm 1997, địa phương này “nhường” sân Tam Kỳ cho tỉnh quản lý, sử dụng. Ban đầu, giải bóng đá Tam Kỳ cũng được tổ chức tại đây nhưng một thời gian sau, không hiểu vì lý do gì không đá trên sân Tam Kỳ nữa. Theo lãnh đạo TP.Tam Kỳ, tỉnh có hứa hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng sân mới cho thành phố để “trả” lại cho việc lấy sân Tam Kỳ. Vậy nhưng đến nay, Tam Kỳ vẫn chưa có sân vận động để tổ chức các hoạt động TD-TT của địa phương. Vì thế, địa phương phải thuê chỗ này, mượn chỗ kia, thậm chí ra tận huyện Thăng Bình mượn sân để thi đấu trận siêu cúp Pha Din như đã đề cập.

Trong điều kiện khó khăn của tỉnh thì việc đầu tư cơ sở vật chất cho ngành TD-TT bị hạn chế là điều mà nhiều người hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, không thể vì khó khăn mà thiếu sự quan tâm. Chẳng hạn, ngân sách tỉnh mỗi năm đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho công tác đào tạo VĐV của Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh thì không thể chấp nhận lý do thiếu kinh phí để không xây thêm nhà tập luyện cho các VĐV. Sự đầu tư chưa “đến đầu đến đũa” chẳng những không đem lại hiệu quả, chất lượng mà còn có thể xem là một sự lãng phí. Còn với những người trong cuộc, yêu cầu thành tích cao nhưng trong điều kiện tập luyện như vậy thì khó mà đáp ứng, bởi “không bột khó gột nên hồ”.

ANH SẮC

ANH SẮC