Bạo lực làm tan vỡ hạnh phúc

CHIÊU THỤC ANH 21/11/2014 08:24

Hôm nay 21.11, UBND tỉnh tổ chức phát động Tháng hành động phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng BLGĐ, mục tiêu chung của Tháng hành động là huy động cả hệ thống chính trị và cộng đồng cùng vào cuộc...

Diễn biến phức tạp

Kết quả khảo sát của Bộ VH-TT&DL và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc mới đây đối với gần 10 nghìn hộ dân về vấn đề BLGĐ cho thấy, cứ 5 gia đình thì có một cặp vợ chồng có hành vi bạo lực như đánh đập, nhục mạ, đe dọa tinh thần hoặc bị ép quan hệ tình dục. Có 21,2% cặp vợ chồng xảy ra các hiện tượng bạo lực như đánh, mắng chửi, ép quan hệ tình dục khi người kia không có nhu cầu, trong số này có 7,3% cặp vợ chồng thường xuyên xảy ra cả hai hiện tượng bạo lực trên. Có 85% trẻ cho biết cảm thấy buồn, lo lắng khi phải sống trong môi trường bạo lực, 20% trẻ cảm thấy sợ hãi, 5,5% trẻ muốn bỏ nhà đi, 8,5% xa lánh cha mẹ và 4,2% không còn kính trọng cha mẹ nữa. Ngoài ra, tỷ lệ người vợ đánh chồng ở thành phố cũng cao hơn gần 4 lần so với nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ vợ đánh chồng chỉ chiếm rất nhỏ (0,6%) so với con số chồng đánh vợ (4,3%). Trong đó say rượu là nguyên nhân chủ yếu của hành vi chồng đánh vợ (chiếm tới 37,5%) và lý do này cũng nảy sinh các vụ vợ đánh, mắng chồng, tỷ lệ cũng tương đương. Còn trên địa bàn Quảng Nam, theo thống kê của TAND tỉnh, trong năm 2014 có 4.235 vụ ly hôn thì quá phân nửa lý do là BLGĐ. Chủ yếu là người chồng ham mê cờ bạc, rượu chè, cá độ bóng đá, ma túy về đánh đập, hành hạ vợ con.

Ảnh minh họa. (Ảnh internet)
Ảnh minh họa. (Ảnh internet)

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Đã đến lúc các ngành, các cấp và cả cộng đồng phải tích cực can thiệp để giảm thiểu tệ nạn này. Theo ông Đinh Hài, Quảng Nam có đặc thù địa hình, kinh tế xã hội khá phức tạp. Tại những khu, cụm công nghiệp, lực lượng di dân đông, điều kiện sinh sống cũng như tình trạng hôn nhân - gia đình của những người dân lao động khá phức tạp. Đặc biệt là những công nhân trẻ, quá trình tìm hiểu và đến với nhau nhanh chóng, dễ dàng nên không coi trọng đời sống hôn nhân, thậm chí sống chung không cần đăng ký kết hôn. Trong khi đó, ở vùng núi như Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn... đời sống dân trí chưa được nâng cao dẫn đến nhận thức vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Tình trạng tảo hôn còn xảy ra. Vì thế dù công tác tuyên truyền phòng chống BLGĐ vẫn được Sở VH-TT&DL phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tích cực lồng ghép phổ biến, giới thiệu đến người dân qua các năm nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể, thậm chí ngày càng gia tăng.

Hãy hành động thiết thực

Để hạn chế tình trạng BLGĐ, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, ấm no, hạnh phúc và hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc 20.3, ngày Gia đình Việt Nam 28.6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 20.2.2012 phê duyệt đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020”. Phấn đấu đến năm 2020, có 95% nam nữ thanh niên trước khi kết hôn phải được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình và phòng chống BLGĐ; 95% hộ thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi; 85% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; mỗi năm giảm 10 - 15% số hộ có bạo lực giữa vợ và chồng...
Nghị định số 167/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 28.12.2013  quy định rõ, các hành vi đối xử tồi tệ với các thành viên gia đình (bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bỏ mặc không chăm sóc các thành viên gia đình là người già yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ); hành vi đánh đập gây thương tích cho các thành viên gia đình sẽ bị phạt 1,5 - 2 triệu đồng.

BLGĐ những năm gần đây diễn ra nhiều về số lượng và nghiêm trọng hơn về tính chất. Đấu tranh ngăn chặn các hành vi bạo lực đối với phụ nữ nói riêng và các nạn nhân khác nói chung đã trở thành mối quan tâm của Việt Nam cũng như các quốc gia tiến bộ. “Lâu nay tâm lý và suy nghĩ của nhiều người dường như vẫn còn nhập nhằng giữa mâu thuẫn gia đình với BLGĐ, dạy dỗ con cái bằng roi vọt với bạo hành. Vẫn còn rất nhiều ông chồng nghĩ rằng “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” hay “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nên tình trạng BLGĐ vô tình gia tăng” - ông Nguyễn Thùy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói. Để hạn chế BLGĐ, thời gian qua Nhà nước đã xây dựng nhiều chính sách, tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ các tổ ấm gia đình. Đấu tranh phòng chống BLGĐ không chỉ tạo môi trường phát triển lành mạnh cho mỗi thành viên trong gia đình, đem lại ổn định cho xã hội mà còn nâng cao quyền con người, nhất là cho nhóm đối tượng dễ và bị nhiều tổn thương như phụ nữ, trẻ em và người già. Ông Đinh Hài nói: “Công cụ quản lý không thiếu, mức xử phạt cũng đã rõ ràng, điều quan trọng là mỗi người chúng ta hãy có ý thức, có những việc làm thiết thực để mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội”.

Trong khi đó, BLGĐ là biểu hiện đỉnh điểm của bất bình đẳng trong gia đình. Sự nhập nhằng giữa BLGĐ và mâu thuẫn gia đình hằng ngày mà gia đình nào cũng gặp phải nên vô tình BLGĐ không được can thiệp và xử lý đến nơi đến chốn, không được pháp luật bảo vệ. Bà Đặng Thị Lệ Thủy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho rằng BLGĐ theo ý nghĩa ngày nay đang được thừa nhận như là một trở ngại cho sự bình đẳng giới và là vi phạm không thể chấp nhận được đối với nhân phẩm con người. Để hạn chế tình trạng BLGĐ, từ nhiều năm nay, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép và xem là nhiệm vụ chính trong các hoạt động của hội. Cụ thể như đưa Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống BLGĐ vào cuộc sống, gắn công tác phòng chống BLGĐ với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. “Chúng tôi đã xây dựng được gần 200 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, đây là những địa chỉ tin cậy để chị em phụ nữ khi bị bạo hành có thể đến yêu cầu được giúp đỡ, bảo trợ. Thường những địa chỉ tin cậy này được đặt tại nhà các chi hội trưởng hội phụ nữ xã phường, công an xã phường. Phấn đấu trong năm tới sẽ hoàn thành kế hoạch mỗi xã trên địa bàn tỉnh đều có địa chỉ tin cậy để hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành, góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào xây dựng nông thôn mới.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH