Đóa cúc trắng bên ngầm

PHƯƠNG GIANG 20/11/2014 08:35

Như một thói quen, cứ mỗi độ đi qua cung đường ấy, tôi đều ngoái nhìn lại kệ đá bên ngầm. Những bông cúc trắng vẫn được ai đó lặng lẽ đặt bên đường, như một niềm tiếc thương không bao giờ cũ…

Tuổi thơ chân đất đầu trần lăn lê bờ bãi, những ngày đến trường là những ngày hạnh phúc nhất của lũ trẻ chúng tôi. Ở đó, chúng tôi có một gia đình khác, trong vòng tay bảo bọc của các thầy, các cô, của những người lặng lẽ cõng con chữ lên non giữa những ngày gian khó. Con chữ ở vùng cao, lấy gì để đếm đo những nhọc nhằn của người gieo chữ ngoài những buồn vui với lũ học trò. Vậy mà, nơi đó, bên con ngầm nhỏ xíu dưới chân Dốc Rùa, dòng lũ oan nghiệt đã cuốn theo một cô giáo trẻ, khi nghiệp lái đò chở chữ của cô vẫn còn đang dang dở. Cô đi, bỏ lại gia đình, bỏ lại lũ học trò thơ dại, bỏ lại nửa cung đường trở về cho kịp tiếng trống chào cờ đầu tuần hôm ấy.

Tôi không phải học trò của cô. Nhưng những ngày tháng sau này, khi rong ruổi các ngả đường đến những nơi xa xôi nhất, tôi đều cố tìm đến trò chuyện cùng những thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm cắm bản. Ở đó, tôi tìm thấy ở họ chút gì đó của cô, nhiệt huyết, sự hy sinh, cả ước mơ còn dang dở của cô cuốn theo dòng lũ năm ấy. Rồi vô vàn những câu chuyện cảm động về nghề giáo, về tình thầy trò. Nhiều thầy cô giáo cũ vẫn lặng lẽ dõi theo bước đi của lũ học trò, vẫn ân cần với những lời khuyên mỗi lần chúng vấp ngã. Có cả những người để lại tuổi xuân, để lại thời trai trẻ của mình ở những lớp học vùng cao. Con chữ vẫn nhọc nhằn như cây lúa rẫy, bám víu níu đồi để lên xanh. Những hy sinh lặng lẽ.

Rồi sẽ phôi pha những đau thương. Những bông cúc trắng vẫn nằm lặng lẽ bên ngầm, như cống hiến âm thầm của cô và những thầy cô khác đang miệt mài gieo chữ. Đọng lại cho chúng tôi là lòng tri ân, sự cảm phục, niềm tin, niềm tự hào đối với các thầy, các cô, với nghiệp trồng người nhọc nhằn mà cao quý. Những hy sinh không thể đong đếm bằng tháng, bằng ngày, để vô vàn đứa trẻ như tôi ngày ấy lớn lên…

PHƯƠNG GIANG

PHƯƠNG GIANG