Những cái tên không "để dành"

PHƯƠNG GIANG 19/11/2014 08:25

Đã qua rồi cái thời nhiều nhà ở các bản làng người Cơ Tu Tây Giang thi nhau đặt tên con theo tên nhân vật trong phim Hàn Quốc hay các nhãn hiệu nước ngoài. Những đứa trẻ bây giờ cũng đã lớn, nhưng những cái tên ngày ấy thì còn mãi theo chúng và người lớn phải đang tìm cách “khắc phục hậu quả”.

Nước mắt người cha

Chúng tôi trở lại xã A Tiêng (Tây Giang), nơi một thời rộ lên phong trào đặt tên con theo tên các nhân vật trong phim Hàn Quốc. Giờ thì Pơloong Thị San Ốc đã vào lớp 9, em gái là Pơloong Thị San U cũng theo chị vào học trường nội trú dân tộc huyện. San Ốc và San U là hai cái tên được nhắc đến trong rất nhiều bài báo viết về làng đặt tên con theo phim Hàn Quốc, về hai đứa con “bước ra từ phim Hàn” ở làng Achiing. Hai chị em đều học giỏi và trở thành đại diện của huyện Tây Giang trong nhiều cuộc thi cấp tỉnh dành cho lứa tuổi học sinh. Bây giờ, niềm tự hào về những đứa con phần nào an ủi cho sai lầm thuở nào của Pơloong Huân - cán bộ xã A Tiêng, bố của San Ốc, San U. Dù vậy, người cha ấy chưa bao giờ thôi tiếc nuối. Khi tôi hỏi về chuyện đặt tên con ngày xưa, nước mắt ông Huân bật ra cùng lúc với câu trả lời: “Tiếc chứ. Hồi đó được xem phim lần đầu nên thích lắm, thích quá nên lấy tên trong phim đặt cho con”. Chúng tôi biết, niềm tiếc nuối còn lớn hơn câu nói kia và những giọt nước mắt của người bố, còn đeo bám ông cho đến những năm tháng sau này. Buồn vì cái tên, “của để dành” cho cả một đời con cái bỗng lạc lõng giữa những người làng, buồn vì những lần con khóc khi bị bạn bè trêu chọc.

San Ốc và San U sắp thành thiếu nữ, đã bắt đầu cảm nhận được sự hiếu kỳ của người khác dành cho mình. Những lúc đó, tình thương của cha, của mẹ, thầy cô trở thành nguồn động viên cho các em. “Bây giờ em cũng quen rồi, với lại ba mẹ, thầy cô, bạn bè thương em lắm” - San Ốc kể. Em nói, ước mơ của em là làm giáo viên, vì em thích học văn, thích kể chuyện. Cái tên San Ốc, San U bây giờ nổi tiếng khắp huyện, không phải vì lạ, vì giống tên Hàn Quốc như ngày xưa mà vì bảng thành tích của hai cô bé cứ dày thêm theo từng năm học. Hai em có đủ bằng khen, giấy khen từ cấp trường, cấp huyện đến cấp tỉnh, trở thành niềm tự hào cho cả bản làng Achiing hôm nay.

“Khi xảy ra tình trạng người dân đua nhau đặt tên con theo phim Hàn Quốc và các tên tiếng nước ngoài, chính quyền và ngành tư pháp huyện đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân quay trở về với cách đặt tên con theo truyền thống. Trong các đợt tuyên truyền pháp luật ở xã, thôn, việc đặt tên con trái với truyền thống cũng được nhắc nhở, giải thích. Nhiều năm nay, tình trạng trên không còn tái diễn ở các xã trên địa bàn huyện. Đặc biệt, một số gia đình đã bắt đầu nhận thức được, tự đi đăng ký cải chính tên con cho phù hợp. Trong chuyện này, cộng đồng làng cũng phát huy vai trò rất lớn trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống, vận động người dân đặt tên con phù hợp với phong tục, văn hóa của đồng bào”.
(Ông Zơrâm Bê - Trưởng phòng Tư pháp huyện Tây Giang)

Chúng tôi lên UBND xã, Blúp Vang - cán bộ tư pháp giở sổ hộ tịch, mấy năm liền không thấy bóng dáng của những cái tên gây sốt một thời như Giang Gun, SoRa, Yamaha v.v. Blúp Vang kể, phần vì bây giờ điều kiện khá hơn trước nhiều, bà con cũng đã quá quen với phim ảnh nên không còn háo hức đến nỗi mang những nhân vật trong phim ra để đặt tên con. Phần vì họ tự ý thức được sự xa lạ của những cái tên đó trong cộng đồng. “Khoảng 4 - 5 năm trở lại đây bà con không còn đặt tên con theo tên Hàn Quốc, tên nước ngoài như trước kia nữa. Cán bộ tư pháp xã, huyện cũng thường xuyên vận động bà con đặt tên con theo truyền thống, khuyến khích cải chính tên tuổi lại cho phù hợp” - Blúp Vang cho biết.

Quay về truyền thống

Lần giở sổ đăng ký hộ tịch của xã A Tiêng, chúng tôi bắt gặp một cái tên khá lạ: Blúp Lăng Hoàng Sa. Hoàng Sa là con của Blúp Hè và Alăng Thị Bâu ở thôn R’bượp. Tên của đứa trẻ được đặt vào những ngày biển Đông dậy sóng, khi tin tức về biển đảo được liên tục phát trên truyền hình. Bố mẹ đứa trẻ đã chọn cái tên Hoàng Sa để đặt cho con, như một cách thể hiện tình yêu với chủ quyền biển đảo của đất nước. Ngày Blúp Hè lên xã làm khai sinh cho con, cán bộ tư pháp xã vừa ngạc nhiên vì cái tên “lạ” vừa thích thú vì đây là trường hợp hiếm hoi có cả họ mẹ (lót chữ Lăng - PV) trong tên con, vì lâu nay tên của người Cơ Tu chỉ có họ cha.

Bây giờ đi nhiều nơi, họa hoằn lắm chúng tôi mới bắt gặp những cái tên “độc” như Ating Bao Công (con của Ating Vót, thôn Agrồng, xã A Tiêng) hoặc Arâl Pikachu (con của Arâl Pứ, thôn Tà Ghêy, xã A Vương). Bởi như lời Blúp Vang nói, cộng đồng làng đã bắt đầu “phản ứng” với những cái tên trái với tập tục, như một cách chọn lọc tự nhiên của người miền núi. Ở xã A Vương, hàng chục trường hợp bắt đầu xin cải chính lại tên cho những đứa trẻ sinh ra trong cơn sốt đặt tên con theo phim Hàn dạo nọ. Những cái tên như Alăng BôRa đã được cải chính thành Alăng Bè; Alăng Thị LinĐa xin đổi tên thành Alăng Thị Tiểu Niên. Có cả những cái tên đọc líu cả lưỡi như Alăng Thị Thiên Thân Asở (SN2010, ở thôn Blố 1, xã A Vương) được đổi tên “gọn nhẹ” bằng Alăng Thị Kiều Oanh. Ông Bríu Ngự - cán bộ tư pháp xã A Vương chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, rất nhiều gia đình đến xin đổi tên cho con, không còn giữ những cái tên trong phim ảnh nữa. Hầu hết trường hợp này đều trong độ tuổi quy định có thể cải chính ở tư pháp xã, nên vừa thuận tiện cho việc quản lý, vừa đỡ vất vả cho bà con khi thay đổi hồ sơ sổ sách cho con sau này”.

“Luật pháp thứ hai” của người Cơ Tu ở Tây Giang là truyền thống. Sức đề kháng của phong tục đã phát huy tác dụng, trào lưu đặt tên con theo phim Hàn giờ không còn là niềm tự hào nữa, chỉ còn là sự tiếc nuối của những người trong làng. Ngay cả thôn Achiing - ngôi làng của phim Hàn cũng không còn ai mặn mà với mấy cái tên đến từ xứ sở kim chi như ngày xưa.

PHƯƠNG GIANG

PHƯƠNG GIANG