Trăn trở từ du lịch cộng đồng
Loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng ở Hội An đang tạo ra nguồn thu nhập khá cho người dân, nhưng vẫn còn khá nhiều trăn trở.
Cơ sở homestay Hải Đăng của ông Phan Ngọc Tâm ở số 101 đường Trần Quang Khải (phường Cẩm Châu, TP.Hội An) đón khách lưu trú đều đặn từ khi đi vào hoạt động. Ông Tâm cho rằng “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch” như hiện nay là xu hướng tất yếu và có cơ sở khi ngành kinh tế du lịch của TP.Hội An đang phát triển mạnh mẽ. Dù tin tưởng về khả năng phát triển cơ sở homestay của mình nhưng ông Tâm cũng băn khoăn khi đi sâu vào đầu tư dịch vụ một cách bài bản. “Theo tôi nghĩ, nên phát huy mô hình này nhưng cũng rất khó vì nó mang tính văn hóa. Kinh doanh nhưng làm sao phải thể hiện được văn hóa của người Hội An. Tôi cũng cảnh báo là thường 6, 7 giờ tối các em lễ tân về, ở nhà lại không biết nói tiếng nước ngoài, khách hỏi không biết, mà không biết thì sẽ ảnh hưởng tới văn hóa của mình” - ông Tâm nói.
Du khách yêu thích các loại hình du lịch cộng đồng. Ảnh: Q.H |
Sau 18 tháng được TP.Hội An cho phép, tại phường Cẩm Châu đã có 38 cơ sở du lịch nhà vườn homestay đi vào hoạt động với công suất sử dụng buồng phòng đạt 40 - 45%, giải quyết việc làm cho gần 150 lao động, chiếm gần một nửa trong tổng số 88 cơ sở homestay trên toàn thành phố. Có thể thấy, đây là kết quả bước đầu của việc điều chỉnh theo hướng phát triển mạnh du lịch cộng đồng của thành phố và lợi thế riêng của Cẩm Châu. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của mô hình đang nảy sinh rất nhiều vấn đề, một số cơ sở sau khi xây dựng xong lại hoạt động không đúng với mô hình đăng ký ban đầu, khâu hậu kiểm của các cơ quan chức năng cũng thực hiện chưa tốt nên bắt đầu xuất hiện một số lệch lạc. Tại Cẩm Châu, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc giảm giá và phục vụ kém chất lượng đã xảy ra. Từ thực tế hoạt động tại địa phương, ông Nguyễn Văn Hát – Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Châu nói: “Chúng ta không nên phá giá rồi phục vụ được hôm nay bỏ ngày mai, phải tổ chức thực hiện đúng nghĩa chứ đừng để hiện nay 38 cơ sở, ít bữa thành phố kiểm tra đợt 2 lại cắt đi thì cũng rất khó. Do đó phải làm đúng nghĩa, đi vào trọng tâm, đúng quy chế của thành phố”.
Không chỉ có số lượng cơ sở du lịch nhà vườn homestay nhiều nhất thành phố, trên địa bàn phường Cẩm Châu hiện có đến 14 khách sạn, 10 biệt thự du lịch, 5 nhà nghỉ, 55 nhà trọ, 83 nhà cho người nước ngoài thuê, 50 nhà hàng cùng 181 hộ kinh doanh liên quan đến dịch vụ du lịch đã đi vào hoạt động. Đó là chưa kể những dự án đang được xây dựng và xin giấy phép. Với tổng lượt khách đến tham quan, lưu trú bình quân mỗi năm gần 140 nghìn lượt, các loại hình dịch vụ - du lịch - thương mại Cẩm Châu đạt doanh thu gần 250 tỷ đồng vào năm 2013, tốc độ tăng trưởng bình quân 10 - 15%/năm và chiếm đến 83% giá trị thu nhập toàn phường. Nhờ đó, hàng trăm lao động địa phương được giải quyết việc làm, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng cao từ 7 triệu đồng năm 2014 lên đến 26,6 triệu đồng hiện nay.
Tuy nhiên, để ngành dịch vụ du lịch phát triển bền vững và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương, ông Trần Hưng - Giám đốc Công ty Du lịch - dịch vụ - thương mại Sông Hội đề nghị, phát triển du lịch cộng đồng ở Cẩm Châu đã nhiều năm rồi và hiện nay có thể đánh giá là một trong những phường có tỷ lệ phát triển du lịch cộng đồng trong dân cao nhất Hội An. Tuy nhiên, nhiều tiềm năng chưa khai phá được, vấn đề này nếu muốn làm nữa và muốn làm một cách bền vững thì đề nghị phải có giải pháp quy hoạch. Tất nhiên là phải có cấp trên đồng ý, sau đó mới hướng cho dân và các doanh nghiệp đầu tư.
QUỐC HẢI