Khởi sắc vùng cao
Ngày mai 29.10, tại TP.Tam Kỳ, diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ II - năm 2014. Nhìn lại 5 năm qua, có thể khẳng định, những chính sách hỗ trợ, đầu tư đồng bộ của trung ương, của tỉnh đã giúp đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Nam có nhiều chuyển biến tích cực, đánh dấu một hành trình khởi sắc, hướng đến mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững trong tương lai.
Đầu tư đồng bộ
Theo bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, ở Quảng Nam đồng bào DTTS cư trú lâu đời ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Nông Sơn, Hiệp Đức và Tiên Phước với dân số gần 130 nghìn người, chủ yếu là các dân tộc Cơ Tu, Co, Ca Dong, Xê Đăng, Bh’noong,… Những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của các Chương trình 30a, 134, 135, cùng nhiều chương trình mục tiêu giảm nghèo khác, cuộc sống của vùng đồng bào các DTTS đã có những chuyển biến rõ nét. “Nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được chú trọng đầu tư xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới đã tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, giao thương hàng hóa. Qua đó, giảm dần khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi” - bà Thủy cho hay. Những chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS được triển khai phần nào đã tạo nên những “bước đột phá” trong công tác đầu tư đồng bộ hóa công trình phúc lợi, xây dựng nhà tình nghĩa, xóa nhà dột nát cho đồng bào miền núi; từng bước đưa diện mạo miền núi ngày càng khởi sắc, nhân rộng hiệu quả các mô hình giảm nghèo bền vững.
Đồng bào vùng cao trồng lúa nước. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Là một trong 3 huyện nghèo, Tây Giang được đánh giá có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo, xây dựng nhiều công trình dân sinh ý nghĩa, ổn định đời sống cho đồng bào bản địa. Phát huy lợi thế và tiềm năng vốn có của “cửa ngõ” vùng biên, Tây Giang luôn tạo được sự đồng thuận trong phát triển kinh tế - du lịch gắn với bảo tồn những giá trị di sản miền núi. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng, chính nội lực và sự quyết tâm đã giúp địa phương tạo được thế mạnh vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng đến mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới theo phương châm “lấy thôn làm điểm, dân làm gốc, thôn nông thôn mới làm mục tiêu, tất cả vì Tây Giang phát triển”. Bởi vậy, ở Tây Giang công tác tái định cư luôn được đồng bào hưởng ứng tích cực, hình thành nên những ngôi làng mới vừa đẹp về địa hình, vừa giữ được nét văn hóa làng truyền thống của đồng bào bản địa.
Bền vững = văn hóa + con người
Qua 5 năm thực hiện quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Nam lần thứ I, nhiều chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Bình quân mỗi năm, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực ở các huyện miền núi đạt gần 20 nghìn héc ta; tổng diện tích trồng rừng đạt gần 9 nghìn héc ta; độ che phủ rừng năm 2013 đạt 49,4%... Đến nay, toàn tỉnh có gần 2.500 cán bộ người DTTS; có 280 trường học với 37.961 học sinh người DTTS ở khu vực miền núi; khôi phục và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; xây dựng hơn 80% làng, bản có nhà sinh hoạt truyền thống; đầu tư phát triển nhiều điểm du lịch cộng đồng và hơn 2.500 tỷ đồng hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo ở miền núi. Trong 5 năm tới, Quảng Nam phấn đấu giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc mỗi năm 6 - 7%, đến năm 2020 có hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. |
Những năm gần đây, hiệu quả từ các mô hình kinh tế trọng điểm được đầu tư ở miền núi đã mở hướng thoát nghèo cho đồng bào DTTS bằng chính nội lực của mình. Trong đó, duy trì và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, mở rộng giao thương giữa vùng miền để tạo tính đột phá trong liên kết, hình thành các điểm kinh tế đặc trưng ở vùng miền núi. Cũng theo bà Lê Thị Thủy, ở vùng đồng bào DTTS bước đầu đã hình thành những mô hình kinh tế hiệu quả. Tiêu biểu như: mô hình nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My); mô hình trồng cây đẳng sâm, ba kích, chăn nuôi gia súc tập trung (Tây Giang); mô hình trồng quế Trà My, sâm Ngọc Linh, cây bời lời đỏ (Nam Trà My); mô hình phát triển cây cao su tiểu điền ở các huyện Phước Sơn, Nông Sơn, Đông Giang, Hiệp Đức,… Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS cũng là một trong những lợi thế tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Do vậy, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa giúp tạo động lực để vùng cao phát triển song hành với các mô hình kinh tế, ổn định đời sống. “Phát triển kinh tế gắn với việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đã giúp đồng bào vùng cao thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Đức nói.
Trong chuyến công tác, kiểm tra các chính sách dân tộc tại Quảng Nam hồi đầu tháng 6.2014, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Nông Quốc Tuấn đánh giá rất cao những nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, từng bước xây dựng chương trình mục tiêu nông thôn mới. Để đồng bào vùng cao của tỉnh có cơ hội phát triển đồng đều, đồng chí Nông Quốc Tuấn đề nghị UBND tỉnh cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ các chính sách giảm nghèo cho miền núi; chú trọng đào tạo nguồn cán bộ là người đồng bào DTTS tại các địa phương, từ đó xây dựng đề án tạo nguồn cán bộ tại chỗ là người đồng bào DTTS, giúp nâng cao năng lực phát triển cộng đồng, xây dựng buôn làng no ấm. “Vai trò lãnh đạo của cán bộ địa phương ở vùng đồng bào DTTS hết sức quan trọng. Do đó, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở là góp phần thực hiện đưa chính sách dân tộc có hiệu quả, giải quyết được bài toán giảm nghèo bền vững, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân bản địa, cũng như các chủ trương của Đảng, Nhà nước về vùng đồng bào dân tộc” - đồng chí Nông Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Diện mạo miền núi đang đổi thay từng ngày, từ sự thay đổi trong nhận thức, kinh tế, đời sống của đồng bào các DTTS. Trên con đường mới về các bản làng, hệ thống điện lưới quốc gia đã giăng khắp sườn đồi, thắp sáng vùng cao.
Vì sự ổn định và phát triển cho tương lai Mặt khác, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương vùng dân tộc và miền núi; thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến gắn với quy hoạch dân cư và kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với từng vùng, tiểu vùng huyện, xã; xây dựng các biện pháp cần thiết để tạo điều kiện cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại và kinh tế tập thể vùng đồng bào DTTS phát triển. Trong đó gắn với phát huy lợi thế về tự nhiên, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống, hình thành các địa chỉ du lịch vùng dân tộc, miền núi của tỉnh. Một vấn đề đáng quan tâm là tập trung phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở, cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học cho các chức danh chủ chốt cấp xã vùng dân tộc và miền núi. Có chính sách đãi ngộ về nhà ở, điều kiện làm việc cho cán bộ và sinh viên, học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đến công tác tại vùng dân tộc và miền núi, nhất là chính sách thu hút đối với con em đồng bào các dân tộc tốt nghiệp và cán bộ có trình độ chuyên môn cao về công tác tại địa phương; đổi mới hình thức đào tạo nghề, nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS. Cùng với việc hỗ trợ của trung ương và của tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương cần chủ động huy động nguồn lực hợp pháp, tổ chức lồng ghép các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn để thực hiện đầu tư hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân. Tăng cường chỉ đạo phối hợp giữa các ngành, các cấp bám sát thực tiễn, giải quyết những vấn đề bức xúc của đồng bào ngay từ cơ sở, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là thôn, xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, biên giới. Phát huy truyền thống đại đoàn kết các dân tộc và của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc, miền núi gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Huy động tinh thần tự lực tự cường của người dân, thế mạnh của từng địa phương kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách trong và ngoài nước nhằm thực hiện đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS, thu hẹp dần khoảng cách phân hóa giữa các vùng và tiểu vùng. |
ALĂNG NGƯỚC