Mặt trái của phát triển du lịch - Bài cuối: Hướng đến sự phát triển bền vững
Du lịch bền vững đã trở thành chiến lược phát triển của nhiều địa phương nhằm hướng đến mục tiêu công bằng xã hội, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Xu hướng chủ đạo
Những năm gần đây khái niệm phát triển bền vững đã được đề cập trong chiến lược phát triển của các ngành, địa phương, trong đó có du lịch. Nhiều loại hình, sản phẩm du lịch thân thiện môi trường như du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch khám phá thiên nhiên… đã được doanh nghiệp triển khai chào bán cho khách. Tại những điểm du lịch như Hội An, Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn, Phú Ninh…, thời gian qua chính quyền địa phương và ngành du lịch đã ban hành các chính sách, kế hoạch cụ thể nhằm hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường văn hóa, tự nhiên. Nổi bật, có thể kể đến các sản phẩm du lịch hướng về biển đảo, làng quê, làng nghề truyền thống của Hội An nhằm tạo sự đa dạng điểm đến, giảm áp lực du lịch cho phố cổ; nhiều sáng kiến như ngày đi bộ, ngày không khói xe, phố không tiếng động cơ xe máy, ngày không túi ni lông… cũng được thành phố triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng và doanh nghiệp, qua đó tuyên truyền cho người dân và du khách về sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường, tạo dựng hình ảnh một Hội An xanh, sạch, đẹp.
Du lịch bền vững hướng đến sự thân thiện với môi trường. Ảnh: T.V.L |
Mục tiêu phát triển du lịch bền vững cũng được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm hỗ trợ, triển khai tại Quảng Nam như FIDR (Nhật Bản) với dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu Nam Giang; Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có dự án Phát triển du lịch tại các huyện sâu trong đất liền hay dự án Du lịch có trách nhiệm của EU… Trong đó, dự án Phát triển du lịch tại các huyện sâu trong đất liền do ILO phối hợp với UBND tỉnh và các địa phương thực hiện trong 3 năm (2011 - 2013) đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức cộng đồng và chính quyền địa phương, tạo ra sinh kế và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Cùng với việc hình thành 3 làng du lịch cộng đồng là Mỹ Sơn (Duy Xuyên), Bhơ Hôồng và Đhrôồng (Đông Giang), sự ra đời của các mô hình hoạt động du lịch mới lạ dựa trên lợi thế tài nguyên văn hóa, thiên nhiên địa phương… có cùng mục tiêu hướng đến là cộng đồng cư dân được hưởng lợi.
Theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL, phát triển du lịch bền vững đang là mục tiêu hướng đến của ngành du lịch Quảng Nam với 3 trụ cột chính là xã hội, môi trường và kinh tế. Vì vậy, ngoài việc khuyến khích các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa nhằm mang đến lợi ích cho cộng đồng địa phương thì ngành du lịch cũng chú trọng tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, du khách và người dân về việc bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa, thiên nhiên; gắn lợi ích trách nhiệm các bên liên quan vào quá trình phát triển du lịch bền vững. “Giá trị nổi bật nhất của du lịch bền vững chính là bảo vệ tốt môi trường tự nhiên và xã hội, đặc biệt là bảo lưu, gìn giữ các yếu tố văn hóa truyền thống bản địa nhằm phục vụ trở lại cuộc sống người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển” - ông Hài nói.
Chia sẻ lợi ích
Du lịch Quảng Nam dù phát triển, tăng trưởng hàng năm nhưng thực tế chỉ một phần nhỏ người dân được hưởng lợi trực tiếp, lợi tức phần lớn là của doanh nghiệp và nhà nước. Điển hình tại Cù Lao Chàm, theo khảo sát của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, số tiền mà du khách phải chi trả trong một ngày cao điểm khoảng 1,575 tỷ đồng, tuy nhiên địa phương chỉ hưởng khoảng 12% số tiền này, hơn 88% còn lại thuộc về doanh nghiệp. Đã qua rồi sự “phát triển nóng” với những con số thống kê ấn tượng, dù số lượng khách tăng trưởng là cần thiết nhưng không vì thế bỏ qua những tác động tiêu cực từ du lịch mang lại. Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng đã đến lúc cần kìm hãm sự gia tăng khách đến Cù Lao Chàm bằng việc nâng cao dịch vụ tại đảo, biến nơi đây thành một điểm du lịch cao cấp dành cho đối tượng khách cao cấp. “Không cần khách tăng nhiều mà quan trọng địa phương và người dân trên đảo sẽ thu được bao nhiêu và hưởng lợi gì từ sự tăng trưởng đó” - ông Cường cho biết. Theo ông Cường, làm được điều này không chỉ có ý nghĩa với Cù Lao Chàm mà còn phù hợp với chiến lược phát triển của ngành trong việc đa dạng hóa điểm đến, hạn chế sự mất cân đối trong việc phát triển du lịch giữa các vùng miền trong tỉnh, nhất là vùng đông - tây và nam - bắc Quảng Nam.
Theo TS. Hà Thanh Hải - Trưởng nhóm chuyên gia trong nước (Chương trình phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội của EU - dự án EU), vấn đề du lịch Quảng Nam đương đầu hiện nay không chỉ là hạ tầng yếu kém, áp lực tăng trưởng nóng, sự mất cân đối trong phát triển hay sản phẩm đơn điệu kém cạnh tranh mà chính là nguy cơ chia rẽ cộng đồng dân cư giữa những người được hưởng lợi từ du lịch và những người không được hưởng lợi, về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến môi trường an ninh và xã hội địa phương. Chia sẻ lợi ích cộng đồng giữa các bên liên quan là cần thiết, để người dân bản địa thật sự là chủ thể hưởng lợi từ các nguồn thu do du lịch mang lại. “Khi người dân được chia sẻ lợi ích từ du lịch họ sẽ có trách nhiệm hơn với việc gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa, tự nhiên và môi trường xung quanh vì họ ý thức được đây cũng chính là bảo vệ sinh kế cho cuộc sống của họ, mà Hội An là một điển hình tiêu biểu ở Quảng Nam” - TS. Hải phân tích.
THÂN VĨNH LỘC