Gánh cá mưu sinh
Gần chục năm nay, vào mỗi sáng sớm, những người trong nhóm phụ nữ gánh cá thuê ở xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) lại í ới gọi nhau, họ quàng vội đôi quang gánh trên vai và tất tả đi về bến cá, bắt đầu cho một ngày mưu sinh mới...
Chị Nguyễn Thị Th. ở thôn Hà Bình (xã Bình Minh) - một người làm nghề gánh cá gần 4 năm nay, tâm sự: “Nghề ni bị nhiều người coi thường lắm, nhưng ngó rứa chứ siêng làm thì có ăn lắm, nhờ nghề này mà cả 3 đứa con của tui đều được đi học và đỗ đạt, tui cũng thoát được cái nghèo...”. Chị Th. có hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng chị bị mất tích trong một chuyến đi biển câu mực khơi, để lại 3 đứa con đang tuổi ăn học, bản thân chị lại bị bệnh đau yếu luôn, chủ yếu làm công việc nội trợ. Từ khi chồng mất, chị lại phải cáng đáng tất cả công việc gia đình, trở thành trụ cột chính, bao nhiêu lo toan đều dồn hết vào đôi vai gầy guộc... Ban đầu chị chọn việc hợp với sức khỏe của mình là làm công nhân thời vụ cho xưởng chế biến cá bò ướp tẩm gần nhà. Nghề này không đòi hỏi nhiều sức khỏe mà chủ yếu quen tay, thế nhưng thu nhập thấp. Mỗi tháng cố gắng lắm cũng chỉ thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng. Nghe các chị hàng xóm rủ, dù sức khỏe không được tốt nhưng chị quyết định chuyển sang gia nhập đội gánh cá thuê, đồ nghề đơn giản chỉ là đôi quang gánh. Chị cho biết ban đầu gánh khoảng 5 lượt gánh đã thấy chân cẳng mỏi nhừ, nhưng dần dần biết cách điều phối sức, số lượt gánh tăng lên, hiện mỗi buổi sáng chị có thể gánh được 20 gánh cá. Đoạn đường gánh cũng không dài lắm, khoảng trên dưới 100m, mỗi gánh chủ trả công 5 nghìn đồng, mỗi tháng thu nhập hơn 2 triệu đồng mà thời gian làm việc chỉ khoảng 9 giờ sáng là kết thúc nên có thể tranh thủ phụ giúp các việc khác như muối cá, phơi cá hoặc chế biến cá bò...
Nhiều phụ nữ ở Bình Minh mưu sinh bằng nghề gánh cá thuê. Ảnh: T.C.H |
Gánh cá thuê “chuyên nghiệp” phải kể đến chị Trương Thị H. ở thôn Hà Bình (xã Bình Minh). Trời phú cho chị một cơ thể khỏe mạnh, gánh cá thuê đã trở thành nghề mưu sinh chính của chị. “Gánh riết quen rồi lại đâm ghiền, ngày nào nghỉ trăng hay biển động không có cá gánh thấy nhẹ nhẹ đôi vai” - chị H. tâm sự. Với sức vóc “trời cho”, mỗi ngày chị H. gánh trên vai ít nhất cũng 20 gánh, cộng với việc phụ giúp làm thêm cho các xưởng chế biến bằng sức lực “gấp rưỡi” người khác, thu nhập hàng tháng của chị 4 - 5 triệu đồng. Hơn 10 năm cùng đôi quang gánh, gia đình chị đã có của ăn, của để.
Bình Minh là xã bãi ngang ven biển, có số lượng tàu thuyền đánh cá đông nhất huyện Thăng Bình. Toàn xã có hơn 150 chiếc tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên, trong đó có 30 chiếc tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 500CV. Số tàu thuyền xa bờ mỗi chuyến đi khoảng 2 - 3 tháng nên số phụ nữ ở nhà, tranh thủ kiếm thêm việc làm để tăng thu nhập. Số tàu thuyền dưới 400CV của xã chủ yếu làm nghề lưới vây và chụp mực, tối đi sáng về bến nên là cơ hội giải quyết việc làm cho hầu hết phụ nữ trong xã. Với số lượng tàu thuyền đó, mỗi năm Bình Minh khai thác khoảng 7 - 10 nghìn tấn hải sản, chủ yếu là cá dùng để chế biến tại chỗ. Mỗi buổi sáng tại bến cá của xã, khi hàng trăm chiếc thuyền cập bến, lượng hải sản dồn về trung bình 40 - 50 tấn, có ngày gần 100 tấn. Số hải sản này được các chủ cơ sở trong và ngoài xã đến thu mua và sơ chế trực tiếp để chuyển đi khắp nơi ngay trong ngày, vì vậy đội quân gánh mướn luôn luôn có việc làm.
Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia gánh mướn vì theo họ thì “nghề này không cần đầu tư gì cả, không cần tính toán mà thu nhập đều đặn, chỉ cần có sức khỏe và đôi quang gánh”. Chính vì đơn giản và thu nhập khá, lại ít tốn thời gian, số phụ nữ của xã theo nghề này đã lên đến hàng trăm người. Tuy số lượng người gánh đông nhưng hoạt động rất có nền nếp. Mỗi chủ cơ sở thường thuê 15 - 20 người gánh, để phân biệt hàng thu mua của mỗi cơ sở và cũng dễ dàng cho nhóm gánh của mình nhận ra, mỗi cơ sở đều sắm riêng một loại dụng cụ chứa hải sản. Nhờ đội gánh thuê ngày càng đông và chuyên nghiệp, các cơ sở chế biến càng mạnh dạn thu mua số lượng lớn mà không sợ hải sản bị ươn do đưa về xưởng không kịp thời. Cũng nhờ đó mà hải sản của ngư dân làm ra được tiêu thụ nhanh chóng, giá thành cũng được nâng lên, đời sống của ngư dân từng bước được cải thiện, có thêm động lực để đầu tư trang bị, đóng mới tàu thuyền để vươn khơi.
TRƯƠNG CÔNG HÙNG