Công trình của thầy trò vùng biên
Sống cùng “mái nhà chung”, thầy trò vùng biên của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan, huyện Tây Giang) đã có những sáng kiến độc đáo, phục vụ cuộc sống sinh hoạt và học tập.
Tiệm hớt tóc miễn phí
Cuối chiều, sau buổi học trên lớp, đám học trò người Cơ Tu bản địa trở về phòng. Bên góc nhà tập thể, thầy giáo Pơloong Nhao đã đợi sẵn để hớt tóc cho các học trò của mình. Đã 3 năm, kể từ khi mô hình “Tiệm hớt tóc miễn phí” được thực hiện, hàng trăm học sinh của trường có thêm điều kiện làm đẹp đầu tóc, giữ vệ sinh sạch sẽ cũng như tác phong đến lớp.
Thầy giáo Pơloong Nhao cắt tóc cho học sinh sau buổi học. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Theo thầy giáo Nguyễn Quang Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng, mô hình “Tiệm hớt tóc miễn phí” được triển khai xây dựng theo sáng kiến của Liên đội nhà trường với sự giúp sức của Câu lạc bộ Sức Trẻ (TP.Đà Nẵng). Đều đặn mỗi tuần, sau các buổi giảng dạy trên lớp, các thầy giáo lại thay phiên hớt tóc cho học trò. Dù dụng cụ chỉ mỗi chiếc lược cùng với cây kéo, nhưng hễ thấy học sinh nào tóc dài bù xù các thầy giáo lại “kéo” về tiệm hớt tóc. Cứ thế, dần dà các em cũng tự giác hơn. Thỉnh thoảng, khi các thầy bận việc, những học sinh lớp 9 trở thành “tay kéo chính” của tiệm. Em Bh’riu Tước (học sinh lớp 9/2) cho biết, do mới tập nên kỹ năng hớt chưa cao, nhưng các bạn đều thích thú khi được Tước hớt tóc. “Lúc đầu, chỉ có thầy Pơloong Nhao biết cắt tóc nên cũng rất khó khăn. Sau một thời gian được thầy Nhao truyền nghề, một số thầy giáo trẻ và các em học sinh cuối khóa cũng tự biết cầm kéo hớt tóc cho nhau, duy trì mô hình suốt nhiều năm qua” - thầy Tuấn bộc bạch.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng có 33 giáo viên, 12 nhân viên cấp dưỡng và 316 học sinh đều là con em đồng bào Cơ Tu bản địa, thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ kinh phí học tập, ăn ở tập trung theo mô hình trường bán trú tại các vùng địa bàn khó khăn, biên giới. |
Hôm chúng tôi đến, thầy Nhao đang hớt tóc cho đám học trò của mình. Dù đã hớt xong vài người, nhưng phía hàng ghế vẫn còn khá đông học sinh chờ đến lượt mình. Thầy Nhao bảo, trước đây có thời điểm thầy hớt tóc cho gần chục em, liên tục khiến đôi tay cứng đơ vì mỏi, nhưng thầy vẫn cố gắng. “Bây giờ thì đỡ rồi, nhiều em đã tự biết hớt tóc cho nhau. Sau nhiều năm hoạt động, mô hình không chỉ giúp các em giữ vệ sinh sạch sẽ, mà còn rèn luyện ý thức ở môi trường giáo dục” - thầy Nhao cho hay.
Thắp sáng ước mơ
Phát triển mô hình chăn nuôi hiệu quả Song song với các mô hình “hớt tóc miễn phí”, thủy điện tua-bin, thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng còn phát triển mô hình chăn nuôi hiệu quả, phục vụ đời sống. Đến nay, mô hình chuồng trại chăn nuôi của trường có đến vài chục con heo, gà, vịt,… thường xuyên cung ứng thực phẩm tại chỗ, giúp cải thiện bữa ăn cho thầy cô và học sinh tại trường. Ngoài ra, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng cũng là một trong những trường học đầu tiên của huyện Tây Giang xây dựng gươl trong trường học; thực hiện các mô hình trồng rau xanh phục vụ đời sống sinh hoạt, dự trữ thực phẩm đề phòng bị mưa lũ chia cắt kéo dài. |
Thầy cô giáo ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng nói đùa rằng, ở vùng biên này mỗi năm điện cúp chỉ 2 lần, nhưng mỗi lần thường kéo dài đến… nửa năm. Nói vậy là bởi, kể từ khi hệ thống điện thuộc công trình nhà máy thủy điện nhỏ tại địa phương bị hư hỏng nặng sau đợt bão lũ năm ngoái, nhiều khu dân cư vùng biên A Xan luôn sống trong cảnh “tối mù”. Không muốn ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập tại trường, thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng đã tìm cách khắc phục, tự lắp đặt và đưa sử dụng hệ thống điện tua-bin để thắp sáng. Nhờ vậy, nhiều hoạt động phục vụ công tác giáo dục, đời sống sinh hoạt của thầy trò tại trường luôn được đảm bảo.
Thầy giáo Nguyễn Quang Tuấn cũng cho hay, từ ngày có hệ thống điện tua-bin, mọi công việc ăn ở, sinh hoạt, học tập… của thầy trò luôn được thuận lợi, đi vào nền nếp. Buổi tối, thay vì lên giường nằm ngủ như trước đây, các em học sinh có thêm thời gian học bài trong không gian ánh điện sáng bừng. Chỉ có điều, cứ sau những đợt mưa lớn, hệ thống tua-bin thường xuyên bị nước lũ cuốn trôi, gây hư hỏng. Cứ sau mỗi lần như vậy, cả thầy trò nhà trường lại cùng nhau ra suối tự sửa chữa, khắc phục, đem lại nguồn sáng thắp lên ước mơ hoài bão. Cảm xúc sau những lần tu sửa tua-bin bị hư hỏng đã khiến thầy Hiệu phó Nguyễn Quang Tuấn viết lên bốn câu thơ đầy chân thật và giản dị: “Hôm nay làm thủy điện/ Thầy trò mệt “phờ râu”/ Bốn giờ chiều lũ lớn/ Trôi hết rồi còn đâu”. Khó khăn là vậy, nhưng chưa bao giờ thầy trò nhà trường “quên” sửa chữa hệ thống điện mỗi khi bị lũ làm hỏng hoặc cuốn trôi. Thầy giáo Ating Ý tâm sự, mỗi lần thấy các em học sinh chăm chỉ học bài bằng chính nguồn sáng do công sức của tình thầy trò làm nên, khiến ai cũng tự hào. Bởi vậy, “mọi sự khó khăn, vất vả của thầy trò cứ thế vơi đi…” - như lời chia sẻ của thầy Ý trong lúc tiễn chúng tôi về xuôi.
ALĂNG NGƯỚC