Đào tạo, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số: Chủ nhân của miền núi...

HÀN GIANG 14/10/2014 08:46

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số”(gọi là Nghị quyết 13-NQ/TU), công tác đào tạo, sử dụng nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số của tỉnh đạt được nhiều tiến bộ, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển ở miền núi.

Nâng cao năng lực chuyên môn

Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt quan tâm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số. Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Xuân Thọ, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số gồm 2.204 người. Trong đó, cấp xã là 1.130 người, cấp huyện 332 người, cấp tỉnh và ngành dọc là 469 người và lực lượng vũ trang là 273 người. Cấp ủy các huyện miền núi ngày càng chủ động hơn trong đổi mới phương thức lãnh đạo, có sự thay đổi tích cực về tư duy, nhận thức trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số.

Toàn tỉnh luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các địa phương miền núi. Ảnh: H.GIANG
Toàn tỉnh luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các địa phương miền núi. Ảnh: H.GIANG

Bên cạnh những kết quả tích cực qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 13 thì vẫn còn những mặt hạn chế, khuyết điểm đối với công tác đào tạo, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Qua kết quả khảo sát lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt ở các huyện miền núi cho thấy, hiện nay hệ thống chính trị ở cơ sở xã, thị trấn tuy có những tiến bộ nhưng chưa đủ mạnh, chưa đủ khả năng để giải quyết khi có sự cố đột xuất xảy ra. Trình độ, năng lực cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở các xã nhiều mặt còn bất cập, chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ; chưa thực hiện được vai trò vận động đồng bào dân tộc thiểu số trong tình hình mới. Đánh giá chất lượng của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở xã, thị trấn (gồm các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND) về các tiêu chí tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo điều hành và khả năng đáp ứng nhiệm vụ không có tiêu chí nào đạt tỷ lệ tốt và khá từ 50% trở lên... Do đó, để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, quyết tâm đưa người cán bộ dân tộc thiểu số trở thành những chủ nhân thật sự của miền núi, đưa miền núi phát triển bền vững là định hướng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định trong thời gian đến.

Chủ động nguồn nhân lực

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển đối với 4 cán bộ người dân tộc thiểu số từ tỉnh về huyện và từ huyện lên tỉnh; luân chuyển đối với 74 cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc 6 huyện miền núi cao. Trong đó, luân chuyển từ huyện về xã, thị trấn 10 đồng chí; từ xã, thị trấn lên huyện 23 đồng chí; giữa các phòng, ban, ngành cấp huyện 41 đồng chí. Phối hợp thực hiện chủ trương tăng cường 14 cán bộ bộ đội biên phòng về làm phó bí thư cấp ủy xã, phó chủ tịch UBND các xã biên giới, các xã vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn ngoài số lượng quy định.

Đánh giá cao về các kết quả tích cực qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cho rằng, trong dự thảo nghị quyết sắp tới cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung các mục tiêu, cách làm, quan điểm, cơ chế chính sách, phân tích rõ trách nhiệm của đảng bộ các huyện miền núi trong việc thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2025. Định hướng của tỉnh là phải tập trung xóa nghèo bền vững cho miền núi và làm tốt công tác đào tạo cán bộ người dân tộc tại chỗ nhằm góp phần đưa Quảng Nam phát triển cân đối giữa các vùng miền...

Góp ý vào dự thảo nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2025, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 19 mới đây, Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhriu Liếc cho rằng, được hưởng lợi từ nhiều chương trình mục tiêu, nguồn lực hỗ trợ nên bộ mặt miền núi đã có sự thay đổi rất lớn, chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây cũng dần được nâng lên. Tuy nhiên, người cán bộ miền núi vẫn chưa thật sự là chủ nhân của miền núi, bởi hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn. Thời gian qua, lãnh đạo địa phương hết sức chú trọng thực hiện việc luân chuyển cán bộ từ huyện về xã và ngược lại. Việc luân chuyển này đã góp phần củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, giúp người cán bộ có điều kiện phát huy được năng lực và ngày càng được trưởng thành, đảm nhiệm tốt các nhiệm vụ trọng yếu của địa phương. “Thời gian đến, các cấp ban ngành của tỉnh cần chú trọng thực hiện công tác tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số về công tác tại cơ quan, đơn vị mình. Để qua đó, tiếp tục kèm cặp, đào tạo năng lực chuyên môn cho họ, sau đó, thực hiện luân chuyển về lại miền núi để họ công tác, cống hiến, có như vậy thì chất lượng của đội ngũ cán bộ miền núi mới được nâng lên, dần khắc phục các mặt hạn chế hiện nay” – ông Liếc nói.

Còn ông Lê Duy Khánh – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đông Giang cho rằng công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn tới, tỉnh cần tăng thêm chỉ tiêu biên chế cho các địa phương, hạn chế tình trạng cán bộ kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm nghiên cứu và ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích cán bộ miền núi về hưu trước tuổi. Bởi một thực tế, ở địa phương miền núi có nhiều cán bộ, công chức vì lý do sức khỏe, trình độ nên có nguyện vọng được nghỉ hưu trước tuổi. “Giải quyết chế độ về hưu trước tuổi cho các đối tượng này, chúng ta sẽ thu hút được rất nhiều con em địa phương có trình độ học lực khá giỏi, nhiệt huyết về cống hiến xây dựng quê hương. Việc đãi ngộ đối với các em trong năm đầu tiên sẽ sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh, sau đó các năm tiếp theo sẽ thực hiện cân đối thông qua ngân sách địa phương”.

HÀN GIANG

HÀN GIANG