Đường tới thị xã
Từ khi được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV vào tháng 3.2014, Điện Bàn đang đẩy nhanh quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng điều kiện và tiêu chuẩn để trở thành thị xã vào năm 2015.
Vĩnh Điện đã ra dáng vẻ trung tâm đô thị của một thị xã nhờ phong trào xây dựng tuyến phố văn minh. Ảnh Đ.ĐẠO |
Đảm bảo điều kiện
Ngoài lợi thế sẵn có, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Bàn không ngừng nỗ lực lao động sáng tạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2013, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.287,679 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 33,37 triệu đồng/năm. Giai đoạn 2011 - 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15,85%; cơ cấu chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp (CN), thương mại dịch vụ (TMDV). Nằm ở vùng đông, khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc hiện hoàn chỉnh hạ tầng và lấp đầy khoảng 80% diện tích. Từ 1.287ha đất giao, các nhà đầu tư đăng ký triển khai 50 dự án thuộc các lĩnh vực dân cư đô thị, biệt thự cao cấp, giáo dục đào tạo, bệnh viện, TMDV, thể thao, du lịch… Đến nay, 8 dự án hoàn thành đưa vào khai thác. Cũng ở vùng cát, Khu CN Điện Nam - Điện Ngọc mời gọi được 52 nhà máy vào sản xuất, giải quyết gần 23 nghìn lao động. Khu du lịch ven biển khẳng định tên tuổi như The Nam Hải, Le Belhamy, sân gôn Montgomerie Links, bãi tắm Hà My… thu hút nhiều lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Điện Bàn cũng tập trung đầu tư các khu phố chợ Vĩnh Điện, Điện Ngọc, Điện Nam Trung cùng các khu dân cư, khu đô thị, cụm CN….
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, phát triển Điện Bàn thành thị xã là một chủ trương lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam những năm vừa qua và đã được tập trung chỉ đạo để thực hiện. Đồng thời thể hiện ý tưởng nâng tầm Điện Bàn trở thành đô thị kết nối giữa Đà Nẵng - trung tâm phát triển của miền Trung và Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới. Điện Bàn với nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có đã đủ điều kiện để xây dựng đô thị. Theo chiến lược chung của tỉnh, mục tiêu khi xây dựng đô thị Điện Bàn là để gắn quá trình đô thị hóa, CN hóa với xây dựng nông thôn mới. |
Chủ tịch UBND huyện Lê Trí Thanh cho rằng, thị xã Điện Bàn được thành lập thể hiện nhu cầu khách quan, nhằm giải quyết những bất cập do đô thị hóa mang lại. Bởi hiện tại, đô thị Điện Bàn phát triển nhanh chóng làm nhiều bức xúc xã hội nảy sinh cần phải tập trung giải quyết kịp thời, điển hình là quản lý trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên đất, đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện các dự án giao thông, điện, nước…
Đáp ứng tiêu chuẩn
Điện Bàn và các xã, thị trấn dự kiến thành lập phường cơ bản đã hội tụ đủ 9/9 tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 62/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, huyện đảm bảo chức năng đô thị (tiêu chuẩn 1) khi là trung tâm kinh tế lớn thứ ba của Quảng Nam, sở hữu vị trí địa lý - kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Địa phương này được cấp có thẩm quyền công nhận đạt đô thị loại IV (tiêu chuẩn 2). Thống kê cho thấy, quy mô dân số (tiêu chuẩn 3) trên địa bàn đạt 229.907 người, trong đó mật độ dân số (tiêu chuẩn 4) khu vực nội thị là 4.137 người/km2. Cũng ở nội thị, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp (tiêu chuẩn 5) chiếm tới 77,79%. Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng CN - xây dựng, TMDV là 91,77% (tiêu chuẩn 6). Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị (tiêu chuẩn 7) đang được huyện xây dựng tiến tới đồng bộ, đạt 29/30 chỉ tiêu đô thị loại IV. Đối với tiêu chuẩn 8, Điện Bàn đã có quy hoạch chung đô thị và được UBND tỉnh phê duyệt. Đặc biệt, đô thị loại IV này được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho lập đề án thành lập thị xã và 7 phường trực thuộc tại Công văn số 4819/CVCP-NC ngày 27.6 vừa qua (tiêu chuẩn 9).
Bí thư Huyện ủy Điện Bàn - ông Lê Thân cho rằng, địa phương được công nhận thị xã là điều kiện để quy hoạch, liên kết phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội với “đô thị trẻ” Đà Nẵng và “đô thị cổ” Hội An. Nhờ vậy, “đô thị mới” Điện Bàn có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và tạo động lực mạnh hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng cho khu vực phía bắc Quảng Nam. Đây cũng chính là tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Bàn - vùng đất có những đóng góp đặc biệt to lớn trong hai cuộc kháng chiến và không ngừng năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới.
CÔNG TÚ - PHẠM LỘC