Tín hiệu vui từ mô hình trường học mới
(QNO) – Mô hình trường học mới (VNEN) ứng dụng trong bậc tiểu học vùng sâu vùng xa góp phần khắc phục sự rụt rè, nâng cao khả năng tự học của học sinh (HS) cũng như chú trọng giáo dục cả về chất lẫn lượng từ phía nhà trường.
Một tiết học theo Mô hình VNEN của HS lớp 3/2 Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm. |
Năm học 2014 - 2015 là năm thứ 3 Trường Tiểu học Phan Thanh, Ngô Gia Tự và Lê Thị Hồng Gấm (TP.Tam Kỳ) ứng dụng mô hình VNEN cho các khối lớp 2, 3, 4 và 5. Các trường được chọn ứng dụng mô hình VNEN đều nằm ở vùng xa, ven biển. Theo đó, các HS được sắp xếp ngồi theo nhóm từ 6 - 8 em để dễ dàng tương tác, chủ động xây dựng bài học. Qua đó, tạo sự bắt buộc để các em luân phiên trao đổi, phát biểu, thể hiện ý kiến cá nhân trong giờ học. Tài liệu, dụng cụ học tập cho một tiết học theo mô hình VNEN cũng rất đa dạng, phong phú, giúp các em tiếp cận được nhiều thông tin, tăng khả năng nhớ bài và tính tự quản. Giáo viên chủ động sắp xếp xen kẽ giữa các em HS nam nữ và các em có học lực trung bình, khá, giỏi để hỗ trợ nhau trong quá trình học.
Khác với lớp học truyền thống là những chức danh giành cho các em đứng đầu như lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó thì lớp học theo mô hình VNEN sẽ bầu ra hội đồng tự quản với một chủ tịch hội đồng, 2 phó chủ tịch hội đồng và các thành viên của các ban. Buổi bầu hội đồng tự quản không chỉ có sự tham gia của giáo viên, HS mà còn có cả phụ huynh để hỗ trợ con cái có lựa chọn phù hợp. Theo đó, hội đồng tự quản được chia thành các ban: Học tập, Thư viện, Nề nếp, Văn nghệ - Thể dục thể thao; Đối ngoại, Sức khỏe - vệ sinh. Cô Đỗ Thị Kiều Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Thanh chia sẻ: “Kết quả nổi bật của mô hình VNEN là các em học sinh tự tin, dạn dĩ hơn trong giờ học. Sự xoay vòng của chủ tịch hội đồng là một cách để giúp các em rụt rè, nhút nhát hơn có cơ hội phát biểu, tránh trường hợp trong nhóm có em hoạt động nhiều, có em hoạt động ít”.
Thầy Trần Ngọc Liệu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự cho biết: “Thực tế của việc giảng dạy theo mô hình VNEN yêu cầu giáo viên phải biết tính toán, sắp xếp, tổ chức lớp học. Giáo viên phải thật sự là những người có tâm để xây dựng lớp học, đưa lớp học đi vào nề nếp”. Với Mô hình trường học mới, giáo viên phải nghiên cứu các đề tài theo hướng mở để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và tập trung giám sát quá trình tự học của HS.
Với mục đích giảm bớt áp lực về điểm số, cách đánh giá học sinh ở mô hình VNEN không căn cứ vào thang điểm mà tuân theo cách đánh giá về “chất” và “lượng”. Ở phần “chất”, giáo viên phải theo dõi sát quá trình thay đổi, tiến bộ của học sinh trong một kỳ học. Nếu trước đây học bạ HS tiểu học là những điểm tổng kết trung bình từ những bài kiểm tra thì giờ đây như một cuốn sổ theo dõi ghi lại chi tiết đặc điểm của các em. Phần đánh giá không chỉ bao gồm những môn học văn hóa mà còn mở rộng ở phần đánh giá những kỹ năng mềm của từng HS. Để thực hiện tốt điều này, giáo viên không chỉ đóng vai trò là người truyền dạy kiến thức mà còn như một người thầy uốn nắn, chỉ bảo các em làm người. Với phần đánh giá về “lượng”, giáo viên theo dõi chiều cao, cân nặng của từng HS và điền vào sổ theo dõi trong từng học kỳ.
Có thể thấy, với Mô hình trường học mới, ngành giáo dục không đặc biệt quan tâm đến kết quả cuối cùng với những con số của HS mà quan tâm đến cả một quá trình thay đổi, trưởng thành của các em.
HÒA MINH